Hiện đại hóa chợ truyền thống

Cập nhật, 10:04, Thứ Năm, 06/04/2017 (GMT+7)

 

Nhà lồng khu vực 1 chợ Vĩnh Long khang trang. Ảnh: T.LY
Nhà lồng khu vực 1 chợ Vĩnh Long khang trang. Ảnh: T.LY

 

Chợ truyền thống có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội, phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu thụ hàng hóa, nông sản địa phương. Vì thế, phát triển hệ thống chợ đúng quy hoạch, theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua bán đang được địa phương tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.

Ngày 11/8/2016, nhà lồng khu vực 1 chợ Vĩnh Long, với diện tích hơn 2.000m2, tổng vốn đầu tư khoảng 12 tỷ đồng từ nguồn thu của chợ đưa vào hoạt động đã giải quyết một phần nhu cầu mua bán tiểu thương.

Nhà lồng mới khang trang sạch sẽ, có hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, tiểu thương kinh doanh thuận lợi thu hút người tiêu dùng đến mua sắm.

Ông Võ Thanh Mãnh- Trưởng Ban Quản lý Chợ Vĩnh Long cho biết, sau khi nhà lồng được đưa vào hoạt động, đến nay đã bố trí được trên 200 hộ vào kinh doanh mua bán ổn định. Nhà lồng khang trang lịch sự là một trong những tiêu chí góp phần tăng trưởng mua bán hàng hóa sớm đưa thành phố đạt đô thị loại II.

Tuy nhiên, qua ghi nhận việc đầu tư này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của các tiểu thương và người dân đến tham gia mua sắm. Hiện còn rất nhiều hộ kinh doanh rau củ, trái cây phải tận dụng lòng đường, vỉa hè để bố trí mua bán, gây mất mỹ quan đô thị.

Theo kết quả thống kê, đến nay Vĩnh Long có 115 chợ truyền thống. Trong đó, có 1 chợ hạng I, 17 chợ hạng II, 92 chợ hạng III và 5 chợ tạm. Hiện mạng lưới chợ là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng nhất trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho người dân, nhất là khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung về mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh của Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) qua đề tài “Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cho thấy: So với chuẩn về dân số, hệ thống chợ Vĩnh Long có khả năng đáp ứng yêu cầu so với chuẩn về bán kính phục vụ (vùng bán kính 1.000 m/chợ hoặc 1,5- 2 vạn dân/chợ), đáp ứng được nhu cầu mua bán và trao đổi hàng hóa của người dân.

Tuy nhiên, do phần lớn các chợ hình thành lâu đời, cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống cấp thoát nước, điện nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, thiếu hệ thống bến bãi cho các phương tiện vận chuyển đi lại của người dân.

Một số chợ hình thành trên các tuyến đường giao thông gây mất trật tự an toàn giao thông, vi phạm an toàn về lộ giới và các vấn đề vệ sinh môi trường phòng cháy chữa cháy. Một số xã chưa có chợ làm hạn chế các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa khu vực nông thôn.

Chợ tự phát đang hình thành khá phổ biến tại nhiều địa phương hiện nay. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Chợ tự phát đang hình thành khá phổ biến tại nhiều địa phương hiện nay. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Vĩnh Long là tỉnh trung tâm ĐBSCL, giữa 2 trung tâm kinh tế lớn là TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Điều này rất thuận lợi phát triển thương mại, trung chuyển mua bán hàng hóa, nhất là nông- thủy sản vốn là thế mạnh của tỉnh đi TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và ngược lại.

Trong đó, hệ thống chợ được xem là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng nhất trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho người dân, nhất là khu vực nông thôn.

Bên cạnh, sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới phân phối bán lẻ hiện đại và sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã tác động lớn đến mãi lực của chợ truyền thống.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, sẽ có 8 trung tâm thương mại, xây mới 3 siêu thị, 116 chợ, thành lập 3 chợ nông sản.

Ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Tới đây, ngoài việc bổ sung thêm số lượng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận chợ của người dân, đảm bảo người dân vùng xa, vùng khó khăn có khả năng tiếp các chợ dân sinh thuận tiện thì các địa phương đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý từ ban quản lý sang doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý.

Các địa phương cũng cho rằng, ngân sách không thể đầu tư toàn bộ hạ tầng hệ thống chợ, nhất là khi chợ truyền thống đang dịch chuyển theo xu hướng hiện đại hóa thì việc huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng đang là giải pháp khả thi nhằm phát triển chợ theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua bán hiện nay.

  • ™NGUYỄN HOÀNG