Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

07:10, 06/10/2015

Du lịch cần được xác định là ngành kinh tế quan trọng, là cơ sở để phát triển thành "mũi nhọn" mang tính dẫn dắt của kinh tế địa phương tương lai. Đó là chặng đường nhọc nhằn nếu không muốn nói là khó đạt tới.

Du lịch cần được xác định là ngành kinh tế quan trọng, là cơ sở để phát triển thành “mũi nhọn” mang tính dẫn dắt của kinh tế địa phương tương lai. Đó là chặng đường nhọc nhằn nếu không muốn nói là khó đạt tới.

Nhưng, nếu tiềm năng có, kinh nghiệm không thiếu, mà mang tâm lý e dè không “dám đi” thì đương nhiên sẽ không bao giờ đến đích.

 

Du khách quốc tế thưởng thức đờn ca tài tử tại điểm du lịch Cai Cường ở Long Hồ.
Du khách quốc tế thưởng thức đờn ca tài tử tại điểm du lịch Cai Cường ở Long Hồ.

Tận dụng tài nguyên hiện có

Vĩnh Long có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch từ nguồn tài nguyên do thiên nhiên ban tặng là cảnh quan sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn và từ những giá trị văn hóa nhân văn do lịch sử để lại.

Trong đó, du lịch sinh thái miệt vườn gắn với tận hưởng cảnh quan thiên nhiên được Vĩnh Long khai thác thời gian qua tập trung ở cù lao An Bình (Long Hồ), cù lao Mây (Trà Ôn), cù lao Dài (Vũng Liêm).

Để đến các cù lao này, ngoài đường bộ, du khách có thể du ngoạn, thưởng lãm cảnh quan thiên nhiên bằng đường thủy trên những chiếc tàu chuyên vận chuyển khách du lịch.

Ông Trần Thiện Ngoan- Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) Vĩnh Long cho biết, hiện ở các cù lao này có một số điểm du lịch hấp dẫn, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách đó là Khu du lịch Vinh Sang, điểm du lịch An Bình, các điểm homestay: Ba Lình, Út Trinh, Phương Thảo,… cùng nhiều dịch vụ phong phú như: du khách cùng ăn cùng ở, cùng làm với cư dân bản địa;

chèo thuyền; đạp xe trên đường quê, thưởng thức đờn ca tài tử trên sông,… đã thu hút lượng lớn du khách đến du lịch, tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, ở đây còn có hàng trăm hộ dân kinh doanh, phục vụ du khách tham quan, thưởng thức trái cây đặc sản theo mùa vụ, với vườn chôm chôm, vườn dâu, vườn mận An Phước,… theo phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Chèo xuồng tham quan sông nước là một nét đặc trưng của du lịch Vĩnh Long.
Chèo xuồng tham quan sông nước là một nét đặc trưng của du lịch Vĩnh Long.

Cùng với phát triển du lịch sông nước miệt vườn, Vĩnh Long còn phát triển du lịch gắn với tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa, di tích danh nhân với khoảng 450 di tích phổ thông, 10 di tích cấp quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh, đặc biệt là Khu tưởng niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cùng nhiều làng nghề truyền thống như: dệt chiếu, tàu hủ ky, hủ tiếu, làm nhang,…

Có thể nói, đây là những nguồn nguyên liệu tốt để xây dựng các chương trình tour chuyên đề. Hiện đã có một số đơn vị tổ chức tour khám phá loại hình này, như Công ty Du lịch Huyền Trân (TP Hồ Chí Minh), Công ty CP Du lịch Cửu Long (Vĩnh Long)…

Khai thác xứng tầm

Thực hiện Nghị quyết 92 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới và Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” của Bộ VH, TT và DL, Sở VH, TT và DL Vĩnh Long đã cụ thể hóa thành hành động thực tế, bằng việc tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và tham mưu Tỉnh ủy xây dựng, ban hành Nghị quyết để đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu là cùng với cả nước, Vĩnh Long sẽ phấn đấu đưa du lịch cơ bản từ ngành kinh tế quan trọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai. Đưa tỷ trọng của khu vực dịch vụ du lịch chiếm từ 5%- 7% trong cơ cấu GDP, duy trì lượng khách tăng bình quân hàng năm từ 7%- 9%, doanh thu du lịch tăng 15%, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh với phương châm: Du lịch Vĩnh Long là điểm đến “An toàn- Thân thiện- Chất lượng”.

Để thực hiện đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra cho ngành du lịch Vĩnh Long thời gian tới cần dựa trên thế mạnh hiện có để tạo nên những sản phẩm đặc thù, ấn tượng cho du khách theo định hướng của Bộ VH, TT và DL, đó là tham quan, trải nghiệm cuộc sống cộng đồng gắn với những giá trị của cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa, lưu trú tại nhà dân (homestay), tìm hiểu văn hóa sông nước, tìm hiểu canh tác lúa nước và xây dựng không gian bảo tàng lúa nước ĐBSCL tại Vĩnh Long.

Khai thác có hiệu quả du lịch gắn tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa, di tích danh nhân, lễ hội dân gian, nghệ thuật đờn ca tài tử, hát bội. Phát huy giá trị các làng nghề truyền thống hiện có phục vụ du lịch, trước mắt là các làng nghề đã được công nhận, nổi tiếng, gần khu, điểm du lịch.

Tham quan Di tích lịch sử văn hóa Văn Thánh miếu (Phường 4- TP Vĩnh Long).
Tham quan Di tích lịch sử văn hóa Văn Thánh miếu (Phường 4- TP Vĩnh Long).

Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển du lịch, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án du lịch mà tỉnh hiện có như: dự án Khu du lịch cộng đồng, Khu du lịch sinh thái An Bình (huyện Long Hồ); Dự án khu liên hợp VHTTDL Cái Ngang (huyện Tam Bình); Dự án nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái Tân Bình (huyện Bình Tân) và Khu du lịch sinh thái Cồn Giông (TP Vĩnh Long).

Đồng thời, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, dịch vụ, nguồn lao động; phát triển hệ thống ngân hàng, mở rộng các chi nhánh, điểm giao dịch tại khu, điểm du lịch nhằm tạo sự thuận lợi và đảm bảo an toàn cho du khách.

Ngoài ra, nên quan tâm xây dựng chiến lược liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch với các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế.

Đầu tư kinh phí tham gia những hoạt động, sự kiện về du lịch do vùng, quốc gia tổ chức, qua đó tranh thủ giới thiệu hình ảnh du lịch Vĩnh Long với bạn bè trong và ngoài nước, nhằm đưa du lịch tỉnh nhà phát triển một cách bền vững, thu hút ngày càng đông du khách đến du lịch, tham quan tại Vĩnh Long trong thời gian tới.

Theo Sở VH,TT và DL Vĩnh Long, giai đoạn 2010- 2014, lượng khách du lịch đến Vĩnh Long tăng trung bình 8%/năm, doanh thu tăng 13%. Đặc biệt, năm 2010 Vĩnh Long đón khoảng 665.000 lượt khách, doanh thu 120 tỷ đồng, đến năm 2014, tổng lượt khách du lịch đến đây tăng lên 950.000 lượt, doanh thu đạt 210 tỷ đồng. 

Dự kiến đến năm 2020, lượng khách du lịch ước đạt 1.600.000 lượt, doanh thu khoảng 445 tỷ đồng và đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 3.000.000 lượt khách, doanh thu ước đạt trên 1.700 tỷ đồng.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TRIẾT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh