Thương mại điện tử trước ngưỡng cửa hội nhập

03:06, 26/06/2015

"Thương mại điện tử (TMĐT) là một trong 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)- đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ"

[links()]

“Thương mại điện tử (TMĐT) là một trong 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)- đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ”- Thạc sĩ Trần Hoàng Tuyên- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tại buổi tập huấn kỹ năng tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp Vĩnh Long gần đây nhấn mạnh.

Doanh nghiệp và người tiêu dùng cần có thói quen mua bán hàng hóa qua mạng.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng cần có thói quen mua bán hàng hóa qua mạng.

Cơ hội và thách thức từ AEC

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế các nước trong khu vực trong đó có ngành TMĐT. Thạc sĩ Trần Hoàng Tuyên phân tích, khi ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, sẽ là một thuận lợi lớn đối với ngành TMĐT của các quốc gia thành viên.

Theo đó, rào cản trong trao đổi thương mại khu vực được xóa bỏ thì khối lượng và tốc độ lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ sẽ được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ thông tin và viễn thông đã đạt tới một trình độ nhất định sẽ giúp cho các quốc gia thành viên AEC có sự phát triển đồng đều. Khi đó, TMĐT của ASEAN sẽ có điều kiện phát triển sâu rộng.

ASEAN là một trong những khu vực có khung chính sách pháp lý đối với TMĐT sớm nhất trên thế giới. Hơn 10 năm trước, 10 nước ASEAN đã cùng ký kết Nghị định thư Hội nhập ngành TMĐT ASEAN tại Lào. Nhằm hướng đến các mục tiêu tự do hoá thương mại các sản phẩm công nghệ thông tin, giảm cách biệt về kỹ thuật số trong từng quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân, tiến tới thực hiện mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào nền hành chính điện tử.

Doanh nghiệp cần phát triển và ứng dụng TMĐT thông qua cam kết của khu vực doanh nghiệp và các hiệp hội buôn bán. Cùng với đó, nâng cao năng lực của cơ sở hạ tầng mạng truyền thông nhằm đảm bảo tính liên thông và tính liên tác. Giá dịch vụ viễn thông, phần cứng và phần mềm cũng cần được điều chỉnh ở các mức có thể chịu đựng được.

Vĩnh Long: ứng dụng TMĐT còn hạn chế

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 31.300 thuê bao Internet băng rộng. Trong đó số máy tính của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh khoảng 11.512 máy. Hầu hết các doanh nghiệp đã có trang bị máy vi tính và có ứng dụng TMĐT ở mức độ khác nhau, 100% doanh nghiệp có kết nối Internet băng thông rộng. 210 doanh nghiệp có trang website, việc xây dựng và vận hành trang website của các doanh nghiệp đã góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước.

Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đơn vị, các doanh nghiệp chào bán qua mạng, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có 2 sàn giao dịch: Sàn giao dịch việc làm tại Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; sàn giao dịch hàng nông sản tại Trung tâm Xúc tiến thương mại- Sở Công thương Vĩnh Long (do Trung tâm Thông tin nông nghiệp- Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long bàn giao vào tháng 1/2015).

Sàn giao dịch nông sản thực hiện thông tin xúc tiến thương mại, giá cả thị trường nông sản, chính sách của Nhà nước, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa và thông tin giới thiệu quảng bá cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân; tiềm năng cung cấp, trao đổi mua, bán các loại nông sản.

Riêng Sở Công thương tỉnh đã đăng tải thông tin, quảng bá sản phẩm, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và các hội chợ triển lãm thương mại trên trang website và bản tin Công thương Vĩnh Long.

Đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Long sau 5 năm triển khai kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011- 2015, các doanh nghiệp đã có những bước đi tích cực trong việc ứng dụng TMĐT vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định, như số lượng website của doanh nghiệp còn ít, các trang website của doanh nghiệp hầu hết chỉ bằng tiếng Việt Nam và chỉ đơn thuần giới thiệu doanh nghiệp và các sản phẩm, chưa có chức năng nhận đơn hàng, bán hàng qua mạng.

Việc triển khai TMĐT đã diễn ra được một thời gian, song nhận thức của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng đều và quan tâm đến TMĐT. Do doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa có thói quen mua bán hàng hóa qua mạng. Người tiêu dùng hiện nay quen mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.

Kinh phí cho phát triển TMĐT còn hạn chế. Do thiếu kinh phí nên sàn giao dịch nông sản chỉ dừng ở giai đoạn hỗ trợ quảng bá, làm cầu nối trung gian giao dịch không thu phí các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trao đổi với đối tác có nhu cầu.

Hiện nay, một số các doanh nghiệp có xây dựng website nhưng ít được cập nhật, chủ yếu là đăng tải các thông tin giới thiệu doanh nghiệp, chưa tiến hành giao dịch. Trình độ hạn chế của người sử dụng cùng với thói quen kinh doanh cũ khiến cho việc ứng dụng TMĐT của tỉnh chưa phát triển.

Ngày 15/1/2015, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Kế hoạch Phát triển TMĐT giai đoạn 2015- 2020. Theo đó, nhằm xây dựng các hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh, đưa TMĐT trở thành một hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo thống kê của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, giao dịch TMĐT Việt Nam đã đạt 2,2 tỷ USD năm 2013 và có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, tiềm năng càng lớn thì rủi ro càng nhiều bởi đến nay, hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng trong TMĐT tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh