Mở đường cho đặc sản miền Tây

06:01, 08/01/2015

Nếu như các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, mời gọi đầu tư, hội chợ triển lãm,… góp phần quảng bá sản vật ĐBSCL, thì sự ra đời của CLB Sản phẩm đặc trưng ĐBSCL (Mekong SP) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ được xem là bước đi tiếp theo nhằm “trao tay” đặc sản đồng bằng đến với người tiêu dùng.


Sản phẩm làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc (xã Tường Lộc- Tam Bình) là một trong số các sản phẩm đặc trưng của Vĩnh Long tham gia CLB Sản phẩm đặc trưng ĐBSCL.

Nếu như các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, mời gọi đầu tư, hội chợ triển lãm,… góp phần quảng bá sản vật ĐBSCL, thì sự ra đời của CLB Sản phẩm đặc trưng ĐBSCL (Mekong SP) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ được xem là bước đi tiếp theo nhằm “trao tay” đặc sản đồng bằng đến với người tiêu dùng.

Kết nối đặc sản đồng bằng

Mekong SP chính thức ra mắt vào ngày 28/10/2014 với sự kết nối của 13 tỉnh- thành ĐBSCL. Sau hơn 2 tháng hoạt động, Mekong SP đã mở rộng các lĩnh vực liên kết như ngân hàng, các công ty thiết kế, thương mại, du lịch,…

Đến nay, đã kết nạp hơn 70 hội viên thuộc 3 nhóm ngành chính: thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm tự nhiên. Trong đó đa phần thuộc nhóm ngành thực phẩm. Ngoài ra, Mekong SP còn kết nối được 10 hội viên liên kết trong nhóm ngành tài chính- ngân hàng, thương mại- dịch vụ và du lịch.

Bên cạnh một số hoạt động quảng bá sản phẩm cụ thể, hiện Mekong SP đang kết nối các thành viên trong nhóm sản phẩm tự nhiên (rau, củ, quả,…) để cung ứng một số loại rau, củ, quả đông lạnh và rau tươi như: bắp, bông cải xanh, súp lơ, rau hỗn hợp các loại, đậu Hà Lan, cà rốt,… cho tàu du lịch quốc tế, phục vụ cho 5.000 người/tháng, xuất tại cảng Phú Mỹ.

Hiện đối tác đang cần báo giá của các doanh nghiệp, hợp tác xã rau củ quả tại ĐBSCL. Nếu đồng ý thì đối tác sẽ yêu cầu gửi mẫu và đi xem sản phẩm trực tiếp để kiểm tra chất lượng. Khi đạt yêu cầu thì hợp đồng sẽ được ký từ 6 tháng đến 1 năm.

Song song đó, Mekong SP cũng đã làm việc với các đối tác triển khai showroom tại Quận 10 (TP Hồ Chí Minh) tiến tới phát triển kinh doanh sản phẩm đặc trưng ĐBSCL tại TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Phương Lam- Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, Chủ nhiệm Mekong SP, dự kiến năm 2015, CLB tiếp tục kêu gọi tham gia đạt 150 hội viên. Bên cạnh đó, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm đặc trưng, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, tổ chức các sự kiện kết nối giao thương hàng quý giữa các hội viên trong CLB với các hội ngành nghề khác tại các tỉnh- thành để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, xây dựng kênh giao thương, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mạng lưới phân phối thông qua kênh giới thiệu dự án và giới thiệu sản phẩm mới của VCCI.

Ngoài các hoạt động truyền thông, quảng bá, hợp tác khai thác kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh, CLB sẽ hợp tác đầu tư mô hình các điểm bán hàng đặc sản tại các tỉnh- thành ĐBSCL.

Mở rộng giao thương

Theo khảo sát của VCCI Cần Thơ, ĐBSCL hiện có khoảng 300 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm truyền thống với hơn 1.200 mặt hàng đặc trưng. Các sản phẩm này được đánh giá rất cao nhưng giá trị kinh tế hiện còn rất hạn chế bởi việc chế biến các mặt hàng này chủ yếu ở dạng sơ chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, bao bì sản phẩm không bắt mắt, khâu tiếp thị, quảng bá còn đơn điệu.

Vì những lý do trên, ông Nguyễn Phương Lam- Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, Chủ nhiệm Mekong SP, cho rằng sự ra đời của Mekong SP là điều kiện giúp cho các cơ sở, doanh nghiệp kết nối, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác giao thương và mở rộng kênh bán hàng. Ngoài ra, tham gia vào Mekong SP, nhân viên của doanh nghiệp sẽ được đào tạo, huấn luyện cách nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, kỹ năng bán hàng.

Trước mắt, Mekong SP sẽ hoàn thiện bộ máy hoạt động và xây dựng bộ tiêu chí sản phẩm đặc trưng theo hướng phải đồng bộ về chất lượng đối với các sản phẩm trong cùng một nhóm ngành.

Trước thông tin doanh nghiệp Thái Lan mua lại hệ thống METRO ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thương Linh- Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, nêu vấn đề: Chỉ riêng mặt hàng trái cây, Thái Lan đã chiếm 40% thị phần tại Việt Nam, khi vào hệ thống METRO thì liệu trái cây cũng như những sản phẩm đặc trưng khác Việt Nam có đứng vững được trên sân nhà hay không?

Trong khi đó, nhiều sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL vẫn chưa được giới thiệu đến người tiêu dùng. Nếu sản phẩm đặc trưng không được bán ở các hệ thống siêu thị chính ngạch thì người tiêu dùng rất khó tiếp cận được những đặc sản địa phương.

Từ 2005, VCCI thành lập CLB Các trung tâm xúc tiến ĐBSCL với mục tiêu xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư vào ĐBSCL. CLB này hoạt động rất hiệu quả nhưng chưa đi sâu vào khối doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong vùng. Và nay, sự ra đời của Mekong SP là bước đi tiếp theo với mong muốn hỗ trợ thật sâu sát cho những doanh nghiệp nhỏ, giúp quảng bá được sản phẩm đặc trưng của vùng ra thị trường nội địa và thế giới.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh