Ông Lê Văn Sanh- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hòa Phú- cho biết mời gọi đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú giai đoạn 2 có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhất là vào cuối năm 2014 đầu năm 2015 này.
Vĩnh Long tăng cường các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư vào các khu-cụm- tuyến CN.
Ông Lê Văn Sanh- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hòa Phú- cho biết mời gọi đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú giai đoạn 2 có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhất là vào cuối năm 2014 đầu năm 2015 này.
Chuyển biến lớn
Đến nay, KCN Hòa Phú giai đoạn 1 đã đăng ký lấp đầy 100% đất CN với 18 doanh nghiệp (DN), trong đó có 9 nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Lê Văn Sanh, hiện 16 DN đang hoạt động phát huy hiệu quả tốt, góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Dự kiến hết năm 2015, vốn đầu tư đăng ký tăng khoảng 20 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện tăng khoảng 50 tỷ đối với các dự án đầu tư trong nước. Đối với các dự án FDI vốn đầu tư đăng ký/ vốn thực hiện các dự án tăng khoảng 5/9 triệu USD.
Mặc dù ảnh hưởng của suy giảm kinh tế trong và ngoài nước kéo dài từ năm 2008 tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư vào KCN, một số DN trong KCN ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do thị trường thu hẹp, khó khăn về vốn… dẫn đến phải thu hồi chứng nhận đầu tư (4 nhà DN).
Nhưng ông Lê Văn Sanh cho rằng, với sự tăng cường lãnh- chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các ngành, các địa phương, nhất là Chương trình hành động 07 của Tỉnh ủy về phát triển khu- cụm- tuyến CN giai đoạn 2011- 2015, lãnh đạo và nhân viên công ty quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch.
Trong giai đoạn 2011- 2013, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nhà đầu tư quay lưng với KCN, nhưng từ cuối năm 2014 đầu năm 2015, thu hút đầu tư vào KCN Hòa Phú giai đoạn 2 đã khởi sắc tạo bước chuyển biến lớn.
“Hiện nay, chúng tôi đã ký hợp đồng ghi nhớ khoảng 10 nhà đầu tư, trong đó đã chốt được 3 nhà đầu tư thuê đất (1 trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài) thực hiện dự án tại KCN Hòa Phú giai đoạn 2”- ông Lê Văn Sanh nói.
Sự chuyển biến đó, theo ông, do KCN Hòa Phú giai đoạn 2 có những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tốt, đặc biệt ưu đãi 3 nhà đầu tư đầu tiên phù hợp ngành nghề thu hút đầu tư đến thuê đất từ 5ha trở lên. Theo đó, giảm tiền thuế 5-10% , được phân kỳ thanh toán tiền thuê đất nhiều đợt, miễn phí sử dụng hạ tầng trong 2 năm đầu tiên và giảm 50% hai năm tiếp theo…
Bên cạnh đó, dự án góp vốn đầu tư hạ tầng KCN Hòa Phú giai đoạn 2 (23ha) của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Vĩnh Long (VLDIF) nhằm tạo quỹ đất sạch và hoàn thiện hạ tầng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư.
Ông Huỳnh Ngọc Chiến- Giám đốc VLDIF, cho biết dự án hợp tác đầu tư này đã phát huy hiệu quả khi đã có nhà đầu tư là Công ty Dệt may Thành Công thuê 13ha và Công ty CP Hòa Phú cũng đã hoàn trả vốn đầu tư đợt 1 theo hợp đồng.
Trong khi đó, dự án “Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Hòa Phú giai đoạn 2” nhu cầu vay 50 tỷ, cũng đang được VLDIF hoàn tất hồ sơ theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới (WB).
Xây dựng KCN “kiểu mẫu”
Ông Lê Văn Sanh cho rằng, trong Chương trình hành động 07 của Tỉnh ủy, một trong những mục tiêu quan trọng là hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, thu hút, lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp, lấp đầy diện tích KCN Hòa Phú giai đoạn 2. Bên cạnh, đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thành đầu tư 100% diện tích đất đã cho thuê ở KCN Hòa Phú (cả giai đoạn 1 và 2).
Cũng theo ông Lê Văn Sanh, KCN Hòa Phú là một trong những KCN có hiệu quả không chỉ của tỉnh mà còn của khu vực ĐBSCL. Các DN đến đầu tư sản xuất kinh doanh từng bước đi vào ổn định, tạo thêm sản phẩm mới tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như: dệt may, thực phẩm của ACECOOK, hóa mỹ phẩm…
Để bảo vệ môi trường trong KCN và khu vực chung quanh, nhà máy xử lý nước thải tập trung 4.000 m3/ngày đêm, đạt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường trước khi thải ra môi trường bên ngoài.
Chính vì thế, ông Sanh bảo: “Để đánh giá mô hình KCN, nhiều địa phương đã đến KCN Hòa Phú tham quan, học hỏi như một mô hình kiểu mẫu.
Cái được của chúng tôi là hệ thống hạ tầng khá hoàn chỉnh, độ bao phủ cây xanh cao, nhà máy xử lý nước thải đảm bảo, giá thuê đất tương đối hấp dẫn. Và quan trọng là chúng ta giữ được môi trường đầu tư ổn định, giúp DN yên tâm hoạt động”. Dù vậy, để trở thành KCN “kiểu mẫu” thật sự, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Đó là tại đây thu hút rất đông lao động, hiện có hơn 12.000 lao động làm việc, nhưng hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, nhà ở cho công nhân, điểm vui chơi, giải trí… vẫn còn thiếu.
Hơn nữa, ông Lê Văn Sanh cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là chính sách về tiền lương, thưởng, chế độ cho người lao động, nhất là trong các DN sử dụng nhiều lao động vẫn chưa thật sự minh bạch, thỏa đáng. Trong khi đó, việc liên kết đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động giữa các DN và trường đại học, trường nghề chưa có sự gắn kết.
Lao động có tác phong công nghiệp
Là một trong những mục tiêu của giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động cho các khu- cụm- tuyến CN theo Chương trình 07. Theo đó, chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên khu vực nông thôn, nhất là các vùng bị thu hồi đất làm KCN. Đổi mới hoạt động đào tạo nghề cho thanh niên đến tuổi lao động, gắn với giải quyết việc làm. Xây dựng đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp, có trình độ, kỹ năng, kỷ luật lao động ngày càng cao.
|
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin