Đẩy mạnh xã hội hóa du lịch

06:11, 11/11/2014

Từ khoảng năm 2000 trở lại đây, du lịch Vĩnh Long đã bắt đầu theo hướng mở rộng xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư, phát triển du lịch. Tính hiệu quả đối với cộng đồng, địa phương, rất cần có sự đánh giá một cách tổng thể. Tuy nhiên, trong bài viết này, chỉ “khu trú” ở góc nhìn từ những đầu tư mang tính nghiêm túc, định hướng bền vững.


Dự án khách sạn 3 sao đang triển khai của Doanh nghiệp Honda Tân Thành, bên vàm sông Long Hồ.

Từ khoảng năm 2000 trở lại đây, du lịch Vĩnh Long đã bắt đầu theo hướng mở rộng xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư, phát triển du lịch. Tính hiệu quả đối với cộng đồng, địa phương, rất cần có sự đánh giá một cách tổng thể. Tuy nhiên, trong bài viết này, chỉ “khu trú” ở góc nhìn từ những đầu tư mang tính nghiêm túc, định hướng bền vững.

Bên cạnh đó là những hỗ trợ, những chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa việc xã hội hóa của ngành du lịch địa phương.

“Khoảng trống” ở mảng lưu trú

Chỉ tính từ năm 2010 đến tháng 9/2014, Vĩnh Long đã đón khoảng trên 4 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế là 877.000 lượt người, chiếm 22%. Doanh thu đạt khoảng trên 816 tỷ đồng. Nhưng nếu có thống kê chính xác, chắc rằng nguồn thu từ mảng lưu trú đã “thất thoát” không dưới 50%.

Nếu tính trung bình 10 USD/khách/đêm thì con số quả là không nhỏ. Ngoài ra, khi khách lưu lại 1 đêm thì tăng thêm nhiều chi phí với những dịch vụ tiêu dùng kèm theo.

Bởi nguồn khách đa số chỉ đi tour trong ngày. Trong khi cả tỉnh Vĩnh Long chưa có khách sạn đạt chuẩn 3 sao- đây là điều... không bình thường ở địa bàn được xem là một trong những trung tâm du lịch của khu vực.

Còn nếu tính về “thâm niên” thì du lịch Vĩnh Long đã đi trước các tỉnh ở ĐBSCL rất nhiều năm. Chúng ta đang khai thác “thế mạnh” homestay, nhưng thực ra đây chỉ là phân khúc bình dân, với giá thu dịch vụ quá thấp, chưa kể một số nhà vườn đang khai thác và cạnh tranh một cách tự do. Với gói homestay gồm: 1 đêm lưu trú, 1 bữa ăn chính, 1 bữa ăn sáng, kèm theo dịch vụ xe đạp; nhà vườn chỉ thu khoảng từ 300.000 đ/khách.

Như vậy sau chiết tính chi phí phục vụ, khấu hao... thì lãi sau thuế, giỏi lắm cũng chỉ 1- 2 USD/khách. Do đó, đừng nhìn vào con số du khách đến Vĩnh Long mà vội mừng. Bởi lợi ích cho nhà vườn, doanh nghiệp, lợi ích cho cộng đồng chưa thực sự nhiều lắm.

Rõ ràng là đầu tư cho lĩnh vực lưu trú ở Vĩnh Long, chưa hướng đến dòng khách trung bình khá đến cao cấp. Lượng khách hội nghị, khách MICE, khách chuyên đề..., khi đòi hỏi lượng phòng lớn, dịch vụ cao cấp thì cho đến giờ này Vĩnh Long chưa đáp ứng được.

Một khi nguồn khách không ổn định, chính sách ưu đãi chưa tốt, thì rất khó khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn vào xây dựng những khách sạn lớn. Bởi lưu trú là lĩnh vực đầu tư nặng vốn nhất và thời gian để có thể thu lợi nhuận là chậm nhất, nếu so với lữ hành và ăn uống.

Trong khi đó, qua thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến nay, lượng khách du lịch đến Vĩnh Long tăng trung bình hàng năm khoảng 8%.

Nhưng nếu so với giai đoạn 2005- 2009 tăng trung bình đến 23% thì lượng khách đến đang có chiều hướng giảm sâu. Nguyên nhân được cho rằng do du lịch chưa mang tính đặc thù rõ nét, tính hấp dẫn có xu hướng bão hòa; cần phải kể đến chất lượng lưu trú và những dịch vụ vui chơi, giải trí kèm theo là còn quá kém.

Trong một khoảng thời gian dài kể từ khi du lịch Vĩnh Long phát triển rõ nét (kể từ năm 2000) đến nay, Nhà nước chưa quan tâm nhiều đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất cho phát triển ngành; mà chỉ chủ yếu là hỗ trợ công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.

Các doanh nghiệp tự bỏ vốn ra đầu tư để duy trì hoạt động, do dó rất khó đòi hỏi sự cạnh tranh, đột phá ở lĩnh vực này.

Cần ưu đãi đặc biệt

Nếu tính từ năm 2000 đến nay, Vĩnh Long có khá nhiều dự án kêu gọi đầu tư và cả những dự án doanh nghiệp xin đầu tư. Nhưng đa phần là chưa triển khai được, nếu không nói là không khả thi. Trong khi đó, một doanh nghiệp du lịch làm ăn “thiệt tình”, thì cần ít nhất khoảng 5- 10 năm mới có thể tạo dựng được thương hiệu.

Do đó, chúng ta cần có những chính sách ưu đãi tốt để thu hút nguồn vốn đầu tư vào du lịch, đặc biệt ở mảng lưu trú, hạ tầng cơ sở.

Trong những dự án mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đã thống nhất cho triển khai và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thì dự án Khu du lịch sinh thái Trường Huy là đặc biệt lớn, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Dự án triển khai ở xã Tân Hạnh (Long Hồ), do Công ty TNHH MTV Xây dựng và Khách sạn Trường Huy làm chủ đầu tư trực tiếp. Công ty tự bỏ vốn nhận chuyển nhượng đất và đầu tư xây dựng trên diện tích 10ha.

Lĩnh vực khai thác là: khách sạn và dịch vụ lưu trú ngắn ngày, kinh doanh buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ lưu niệm; vận chuyển hành khách đường bộ, đường thủy nội địa; nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái; CLB đờn ca tài tử; dịch vụ vui chơi giải trí.

Doanh nghiệp Honda Tân Thành cũng đang có những bước đi đầu tư nghiêm túc trong lĩnh vực khách sạn, hướng đến chuẩn phục vụ cao cấp. Với những dự án đầu tư ở huyện: Vũng Liêm, Mang Thít và TX Bình Minh.

Đặc biệt, dự án khách sạn chuẩn 3 sao ở Phường 1 (TP Vĩnh Long). Đây là những doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư, nên có những bước đi thận trọng trong đầu tư và khai thác nguồn khách. Đồng thời có những định hướng khai thác khép kín trong lĩnh vực du lịch cho lộ trình nhiều năm sau.

Những đầu tư từ các doanh nghiệp, cùng những định hướng xây dựng sản phẩm đặc thù của ngành du lịch, hy vọng trong những năm tới Vĩnh Long sớm trở lại “quỹ đạo” phát triển thu hút nguồn du khách nội địa, quốc tế mạnh mẽ hơn.

Trong Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long có một số sản phẩm được ghi gồm: homestay, du lịch sinh thái đặc thù sông nước miệt vườn, kết hợp với tham quan các làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử, văn hóa và xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp lúa nước ĐBSCL, để tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh