Trong tình hình khó khăn chung, du lịch Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực “vượt sóng”, để đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Nhưng để định hình phát triển mạnh mẽ, du lịch cần gỡ vướng để khắc phục những hạn chế kéo dài trong nhiều năm qua. Mà cụ thể là ở lĩnh vực kết nối và đầu tư.
Có những dự án du lịch nhỏ nhưng hiệu quả và có nhiều ý nghĩa nhân văn hướng đến cộng đồng. Trong ảnh: Điểm làm hàng thủ công mỹ nghệ của một người khuyết tật ở An Bình.
Trong tình hình khó khăn chung, du lịch Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực “vượt sóng”, để đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Nhưng để định hình phát triển mạnh mẽ, du lịch cần gỡ vướng để khắc phục những hạn chế kéo dài trong nhiều năm qua. Mà cụ thể là ở lĩnh vực kết nối và đầu tư.
Có “kết” nhưng chưa “nối”
Nhìn vào bề nổi vẫn thấy công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch Vĩnh Long khá sôi động, với rất nhiều hoạt động thường xuyên; như tham gia các liên hoan văn hóa ẩm thực, các hội nghị, hội chợ chuyên ngành trong khu vực, quốc gia, quốc tế.
Đáng chú ý là việc ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch các tỉnh cụm phía Đông ĐBSCL, gồm các tỉnh: Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh. Bước đầu đã có những hiệu ứng tích cực, nhưng chỉ dừng lại ở bề nổi danh nghĩa, còn thực chất chưa tạo nên sức mạnh liên kết thật sự.
Theo Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch Vĩnh Long, từ năm 2013 đến nay, đã thực hiện nhân bản 500 đĩa phim “Khám phá Vĩnh Long cùng Mr. Anthony” và 500 đĩa phim giới thiệu du lịch “Homestay Vĩnh Long”.
Ngoài ra, thực hiện nhiều ấn phẩm quảng bá, xúc tiến du lịch như: bản đồ, sách hướng dẫn du lịch... Tuy nhiên, đây cũng là những hoạt động riêng lẻ của từng địa phương, chớ chưa có sản phẩm chung của 4 tỉnh nằm trong liên kết cụm; ngoài gian hàng trưng bày chung tại các cuộc hội chợ, triển lãm du lịch gần đây.
Ngoài liên kết cụm là sự liên kết giữa các cụm, sự gắn kết với đơn vị đầu tàu là TP Hồ Chí Minh, ít nhiều đã mang lại những tín hiệu tích cực, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Còn nếu nhìn về mặt kết nối nội tại, đó là sự gắn kết giữa thế mạnh homestay, sinh thái miệt vườn với tham quan các làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng... thì có nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều hội thảo, nhưng có lẽ sẽ còn lâu lắm chúng ta mới khai thác hết những tiềm năng này.
Đầu tư “lệch”
Nhìn vào những quy hoạch, những dự án xin đầu tư vào du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, trong khoảng hơn thập niên qua; nếu phần lớn các quy hoạch, dự án đó được triển khai sẽ góp phần lớn đẩy mạnh ngành du lịch địa phương.
Trong 5 khu quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2000- 2010, gồm Khu du lịch Quới Thiện (Vũng Liêm) 12ha, Khu du lịch Mỹ Hòa (TX Bình Minh) 10ha, Khu du lịch Phú Thành (Trà Ôn) 30ha, Khu du lịch Đồng Phú (Long Hồ) 24ha, Khu du lịch An Bình (Long Hồ) 11ha thì chỉ có Khu du lịch Quới Thiện (Vũng Liêm) đã có nhà đầu tư là Công ty TNHH Tân Thanh Long lập dự án xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư chỉ triển khai hạng mục nuôi trồng thủy sản, không triển khai các hạng mục cho hoạt động du lịch.
Còn lại 4 khu du lịch đã có một số nhà đầu tư đến khảo sát và chuẩn bị các bước tiếp theo lập dự án thì bị vướng. Nguyên do, đa phần là đất bãi bồi do Nhà nước quản lý, nhưng đã cho người dân thuê đất để trồng cây ăn trái với thời gian từ 5- 15 năm.
Bên cạnh đó, còn có tài sản trên đất, nên tổng chi phí đền bù quá lớn, do đó các doanh nghiệp không thể triển khai dự án du lịch được.
Đáng tiếc là dự án đầu tư xây dựng đường vào Khu du lịch Mỹ Hòa (TX Bình Minh), tính đến năm 2013 dự án này đã được Trung ương hỗ trợ 45 tỷ đồng, đã thực hiện đền bù, giải tỏa, nhưng vẫn chưa được triển khai thi công. Lý do: Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc triển khai dự án trong thời gian này chưa thật sự cần thiết và không đảm bảo hiệu quả kinh tế, nên giãn tiến độ dự án vào sau năm 2015.
Ngoài ra, là một số dự án tư nhân có số vốn đầu tư khá lớn như Khu du lịch sinh thái Cồn Chim (xã Trường An- TP Vĩnh Long) vốn đầu tư 90 tỷ đồng, đang chờ UBND tỉnh xem xét.
Riêng dự án Khu du lịch sinh thái Trường Huy (xã Trường An) với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất cho triển khai dự án này, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét.
Đây là những khó khăn hạn chế của du lịch Vĩnh Long, nhưng để tháo gỡ thì rất cần sự phối hợp liên ngành và cả những quyết định cao hơn ở cấp tỉnh, cấp bộ... Ngay như câu chuyện con kinh Mương Lộ và Cái Muối vẫn chưa được giải quyết thì khó lòng kêu gọi doanh nghiệp bỏ tiền tỷ đầu tư những du thuyền đạt chuẩn để khai thác du lịch sinh thái ở cù lao.
Những dự án du lịch mời gọi đầu tư giai đoạn 2013- 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 26/8/2013, gồm có: Khu du lịch sinh thái cộng đồng xã An Bình (Long Hồ) vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Khu du lịch liên hợp văn hóa- thể thao- du lịch Cái Ngang, vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Dự án nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái Bình Tân, vốn đầu tư khoảng 230 tỷ đồng...
|
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin