Dựa vào lợi thế sẵn có

12:09, 18/09/2014

Trên cơ sở quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được công bố, Vĩnh Long phấn đấu đạt sản lượng VLXD theo nhu cầu đã được dự báo, phát huy hết công suất sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao dựa trên lợi thế tài nguyên, nguồn nhân lực và vị trí địa lý của tỉnh để cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận và xuất khẩu.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được công bố, Vĩnh Long phấn đấu đạt sản lượng VLXD theo nhu cầu đã được dự báo, phát huy hết công suất sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao dựa trên lợi thế tài nguyên, nguồn nhân lực và vị trí địa lý của tỉnh để cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận và xuất khẩu.


Quy hoạch phát triển VLXD nhằm đạt mục tiêu đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, hướng tới thị trường các tỉnh lân cận và xuất khẩu với sản phẩm đa dạng. Trong ảnh: Sản phẩm gạch không nung được sản xuất tại Vĩnh Long.

Hướng tới đa dạng hóa sản phẩm

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030, Vĩnh Long không phát triển sản xuất xi măng. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu xi măng của tỉnh là rất lớn, với khoảng 800.000 tấn ở năm 2015 và ở năm 2020 thì nhu cầu này vào khoảng 1,3 triệu tấn.

Vì vậy trong giai đoạn 2016- 2020, tỉnh sẽ đầu tư trạm nghiền xi măng công suất 1,6 triệu tấn/năm tại Cụm công nghiệp Công Thanh (Bình Tân). Đồng thời duy trì sản xuất 2 trạm nghiền hiện tại là Xí nghiệp xi măng 406 (phường Thành Phước- TX Bình Minh) và Công ty Liên doanh xi măng Việt Hoa (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long), tổng công suất 280.000 tấn/năm.

Nếu so với nhu cầu ở thời điểm 2015 thì công suất sản xuất xi măng chưa thể đáp ứng nhu cầu trong tỉnh. Tuy nhiên, khi trạm nghiền xi măng tại Cụm công nghiệp Công Thanh đi vào hoạt động thì hoàn toàn có thể đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và cung ứng một phần cho các tỉnh trong vùng.

Đối với vật liệu xây như gạch không nung xi măng cốt liệu và gạch không nung nhẹ, Vĩnh Long đã và đang có những bước đi ban đầu nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Theo ông Lâm Thanh Vũ- Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (Sở Công thương), toàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung với tổng công suất dự kiến khoảng 145 triệu viên/năm. Trong đó, 2 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Hải Long (Khu công nghiệp Hòa Phú) và DNTN Phước Lộc Hải (xã Mỹ Thuận- Bình Tân).

2 doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư gồm Công ty CP Thạch Anh Bình Minh (Khu công nghiệp Bình Minh) đầu tư dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu và gạch bê tông nhẹ. Dự kiến cuối năm 2014 có sản phẩm.
 
Công suất ở giai đoạn 1 là 40 triệu viên/năm, khoảng cuối năm 2015, sau khi hoàn thiện thì công suất lên đến 100 triệu viên/năm. Riêng Công ty TNHH Xây dựng thương mại Phong Dinh (xã Tân Phú- Tam Bình) đang tiến hành các thủ tục đầu tư dây chuyền với công suất 34 triệu viên/năm.

Bên cạnh đó, phương án quy hoạch cũng áp dụng đối với vật liệu lợp, cát san lấp, bê tông cấu kiện, gạch lát bê tông terrazzo và vật liệu nhựa. Trên cơ sở phát triển sản xuất VLXD có quy mô hợp lý, đảm bảo tính bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, tỉnh cũng tập trung đầu tư chiều sâu công nghệ và phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị cao, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ đa dạng hóa các loại sản phẩm.
 
Trong tương lai, việc sản xuất các loại vật liệu trên cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh và xuất sang các tỉnh lân cận.

Nâng giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD

Vĩnh Long phấn đấu nâng giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD đến năm 2020 gấp 1,5- 2 lần so với năm 2011. Nhịp độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2013- 2020 đạt khoảng 15- 20%/năm.
 
Thu hút thêm hơn 2.700 lao động phục vụ cho các cơ sở sản xuất VLXD, trong đó có trên 10% là cán bộ kỹ thuật chuyên ngành. Tổng nhu cầu vốn để phát triển VLXD đến năm 2015 là 179,8 tỷ đồng và giai đoạn 2016- 2020 là 903,4 tỷ đồng.

Theo lộ trình chung, việc phát triển sản xuất các chủng loại vật liệu xây không nung để dần thay thế gạch nung trong xây dựng. Tuy nhiên, việc thay thế này cũng chưa đáng kể bởi gạch nung vẫn chiếm đến 75% nhu cầu vật liệu xây vào năm 2015 và nhu cầu này vẫn chiếm khoảng 60% ở thời điểm 2020.
 
Do đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD rõ ràng có sự đóng góp không nhỏ của loại vật liệu xây truyền thống này. Gạch nung vẫn có thị trường lớn với điều kiện đảm bảo là sản xuất bằng công nghệ thân thiện môi trường. Và lò nung liên hoàn Vĩnh Long đáp ứng được những yêu cầu đó.

Tính đến tháng 8/2014, Sở Công thương tỉnh đã trình hội đồng xem xét chuyển giao cho 25 doanh nghiệp, cơ sở chuyển đổi sang công nghệ mới này.

Hiện có 15 doanh nghiệp, cơ sở đang triển khai thực hiện và 6 doanh nghiệp trong số đó đã hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất. Kết quả bước đầu cho thấy việc áp dụng công nghệ mới giảm thiểu ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu và nhân công, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị chuyển đổi.

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương, việc chuyển đổi sản xuất theo công nghệ mới là cấp thiết nhưng cần phải thực hiện theo lộ trình, gắn với tổ chức, cân đối sản lượng, sản xuất có định hướng thị trường.

Trước những vấn đề đặt ra trong việc quy hoạch phát triển sản xuất VLXD, ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, phát triển sản xuất cần tính toán đến việc ưu tiên sử dụng các nguyên liệu là tiềm năng tài nguyên khoáng sản sẵn có tại địa phương, theo hướng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm nâng cao giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD một cách hiệu quả, bền vững.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh