Trong 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản liên tục tăng trưởng ở mức cao 24,5% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 4,2 tỷ USD. Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là những thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam.
Chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Trong 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản liên tục tăng trưởng ở mức cao 24,5% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 4,2 tỷ USD. Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là những thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam.
Không chỉ giữ vững tại các thị trường nhập khẩu chủ lực, thủy sản Việt Nam càng khẳng định vị thế bằng sự tăng trưởng ở hầu hết các thị trường khác.
Trong thời gian qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng thủy sản, hướng tới từng bước chuyển từ cạnh tranh giá sang cạnh tranh bằng chất lượng.
Nắm vững thị trường chủ lực
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục có đà tăng trưởng mạnh như vậy phải kể đến vai trò chủ đạo của mặt hàng tôm. Đặc biệt là sản phẩm tôm thẻ chân trắng đã có sự phát triển tốt tại nhiều thị trường với mức tăng trưởng hầu hết ở 2 con số, thậm chí với 3 con số như thị trường Mỹ, Hàn Quốc.
Chỉ riêng sáu tháng đầu năm, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 1,06 tỷ USD (tăng 133% so với cùng kỳ năm ngoái), đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tôm lên gần 1,8 tỷ USD (tăng 62%), đồng thời chiếm trên 49,5% giá trị xuất khẩu thủy sản.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, mặt hàng tôm có được thành quả trên nhờ lợi thế Việt Nam có nguồn nguyên liệu ổn định, đặc biệt là nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh.
Sáu tháng đầu năm nay, sản lượng tôm đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013; trong đó sản lượng tôm chân trắng đã tăng 400%.
Tôm sú vẫn là mặt hàng xuất khẩu ưu thế của Việt Nam so với các nhà cung cấp khác bởi Việt Nam hiện là nước sản xuất tôm sú lớn nhất trên thế giới với sản lượng ổn định. Nhờ giá tôm sú trên thị trường thế giới nói chung và trên thị trường Nhật Bản nói riêng ở mức cao là cơ sở giúp giá trị xuất khẩu tôm sú Việt Nam trên thị trường Nhật Bản duy trì tăng trưởng mạnh, đồng thời khẳng định đây vẫn là thị trường tốp đầu, với mức tăng trưởng tốt (3%), trong khi so cùng kỳ năm ngoái đây là thị trường đã đánh dấu sự sụt giảm khá mạnh (16%).
Ngoài tôm, các sản phẩm mực, bạch tuộc, cua ghẹ và giáp xác khác nhờ nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tăng nên cũng có mức tăng khá cao (từ 14-21%).
Về cơ cấu thị trường, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 23% tỷ trọng xuất khẩu và thị trường này đang có xu hướng nhập khẩu nhiều sản phẩm tôm của Việt Nam nên dự báo xuất khẩu thủy sản sang đây vẫn tăng 37% so với cùng kỳ năm 2013.
Bên cạnh đó, EU tiếp tục là thị trường lớn thứ hai về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo VASEP, nhờ mặt hàng tôm, Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng thị trường EU hơn nữa.
Cùng với thế mạnh về tôm sú, tôm chân trắng cũng tăng mạnh tại thị trường này và Việt Nam trở thành nhà cung cấp tôm lớn thứ ba sau Ấn Độ và Ecuador…
Hàn Quốc, ASEAN và Australia cũng ngày càng khẳng định là những thị trường tiềm năng của Việt Nam. Điển hình là Hàn Quốc, thị trường này đã lấy lại vị trí thứ tư trong nhóm các nước đơn lẻ nhập khẩu thủy sản của Việt Nam sau khi bị tụt hạng năm 2013 với mức tăng trưởng khá cao (51%).
Đây cũng là thị trường nhập khẩu mực bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40% tổng giá trị mực, bạch tuộc xuất khẩu.
Với sức tăng trưởng của các mặt hàng thủy sản Việt Nam cùng với nhu cầu thị trường thế giới sẽ ổn định hơn, VASEP nhận định xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục đi lên trong quý 3 để đáp ứng nhu cầu cho những tháng lễ hội cuối năm và năm mới 2015.
Dự kiến, trong quý 3 này, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 2,1 tỷ USD; trong đó mặt hàng tôm đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyển từ cạnh tranh giá sang cạnh tranh chất lượng
Những tháng đầu năm nay, hoạt động khai thác biển khá thuận lợi nên sản lượng khai thác cao, đặc biệt là cá ngừ. Tuy nhiên, loài hải sản tiềm năng này lại đang có xu hướng sụt giảm trong xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Công Bảy, Giám đốc chất lượng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Vương (Khánh Hòa), chất lượng cá ngừ sau thu hoạch vẫn là vấn đề lớn nhất của ngành cá ngừ hiện nay.
Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương cao, nhưng chất lượng cá không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản vẫn còn lớn. Do vậy, tỷ lệ xuất khẩu cá ngừ hộp gia tăng, trong khi cá ngừ tươi/đông lạnh ngày càng giảm.
Khắc phục điểm yếu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tổ chức thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi giá trị tại ba địa phương trọng điểm sản xuất cá ngừ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Hiện nay, tỉnh Bình Định đã tổ chức thí điểm sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phẩn Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), doanh nghiệp tham gia thí điểm cho biết sản xuất theo chuỗi, cá ngừ sẽ được đảm bảo chất lượng cao nhất vì cá không chỉ được khai thác, bảo quản đúng kỹ thuật mà từ khâu khai thác đến khi sang thị trường Nhật chỉ mất có 8-10 ngày. Thời gian càng ngắn, sản phẩm cá ngừ càng có chất lượng cao.
Về tôm nuôi, có thể nói Việt Nam là quốc gia đã quản lý, kiểm soát dịch bệnh khá tốt. Bằng chứng là Việt Nam đã nhanh chóng khống chế được dịch bệnh hội chứng tôm chết sớm (EMS).
Tuy nhiên, trước việc tôm Việt Nam đang gặp thách thức tại thị trường Nhật Bản với quyết định kiểm tra chặt chẽ 100% lô tôm đối với chất oxytetracyline sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm sang thị trường này trong năm nay.
Ông Nguyễn Huy Điền cho biết Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với lực lượng thanh tra sở, tổ chức thanh tra trên diện rộng, đặc biệt là tình hình sử dụng và kinh doanh các chất mà thị trường nhập khẩu có giới hạn hàm lượng sử dụng; đồng thời khuyến cáo, hướng dẫn người dân các quy trình nuôi để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Không chỉ thị trường Nhật Bản, nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam cũng đưa ra những rào cản phi thuế quan mới và thường đánh vào các khâu quản lý chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong nuôi trồng, khai thác và chế biến như Mỹ sẽ có chương trình kiểm tra, giám sát cá da trơn; EU sẽ chấn chỉnh hệ thống kiểm tra chứng nhận thủy sản khai thác tự nhiên có khai báo, có kiểm soát…
Cũng chính từ nhận thức ngày càng cao của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm, ý thức trách nhiệm đối với môi trường và xã hội đòi hỏi ngành thủy sản Việt Nam phải có những bước thay đổi nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu thị trường. Từ đó, các doanh nghiệp đã từng bước chuyển từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng; không sử dụng các loại hóa chất cấm, hoặc lạm dụng các chất hóa chất trong quá trình nuôi, bảo quản, chế biến và bắt đầu kiểm soát nguồn nguyên liệu trước khi chế biến bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến.
Tùy theo quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng và trình độ kỹ thuật để ứng dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến như Quy phạm Quản lý tốt hơn (BMP), Quy phạm thực hành nuôi tốt (GAP) và các tiêu chuẩn quốc tế khác.
Điển hình như cá tra, hiện đã có trên 103 trại nuôi cá tra với khoảng trên 2.800ha (chiếm khoảng 40% tổng diện tích nuôi cá tra) đã đạt các chứng nhận bền vững khác nhau; trong đó khoảng 2.000 ha nuôi cá tra đạt chứng nhận GlobalGAP.
Đặc biệt, để đáp ứng các thị trường nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp còn đạt nhiều loại chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP, SQF 1000/2000CM… như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Hùng Vương...
Để xứng đáng là sản phẩm chiến lược quốc gia, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, với các quy định nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến của Nghị định 36, các sản phẩm cá tra xuất khẩu sẽ hướng tới đáp ứng tốt nhất cho tất cả các thị trường trên thế giới; trong đó quan trọng nhất là hai thị trường lớn mà cá tra Việt Nam đang chiếm chủ yếu là Mỹ và châu Âu.
Với Nghị định 36 đến năm 2015, các cơ sở sản xuất cá tra thương phẩm sẽ phải bắt buộc áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế.
Trong chế biến, đến nay, 100% cơ sở chế biến đông lạnh đạt quy chuẩn Việt Nam và điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP đủ điều kiện để xuất khẩu sang tất cả các nước trên thế giới.
Việt Nam hiện có 415 nhà máy chế biến thủy sản, chiếm trên 73% tổng các nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu.
Bên cạnh đó, để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường nhập khẩu, ngành thủy sản cũng nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, thâm nhập các thị trường tiềm năng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Từ đầu năm đến nay, VASEP đã tổ chức cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại tại nhiều hội chợ thủy sản lớn ở nước ngoài như hội chợ Foodex Nhật Bản, hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ - Boston, hội chợ Thủy sản Toàn cầu – Brusell (Bỉ), hội chợ Thủy sản và nghề cá Busan (Hàn Quốc) và sắp tới ở trong nước sẽ có hội chợ Vietfish 2014.
Ngoài ra, ngành thủy sản đã chủ động tiếp cận, đàm phán với các đối tác nước ngoài để ký kết các bản ghi nhớ, hợp tác giữa các cơ quan nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, cũng như giải quyết những tranh chấp thương mại hoặc tháo gỡ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đưa thủy sản Việt Nam ra toàn thế giới./.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin