Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, mặc dù lãi suất cho vay tiếp tục được các NH thương mại điều chỉnh giảm, đồng thời thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp “đẩy” vốn ra nền kinh tế, nhưng tăng trưởng tín dụng đạt được thấp. Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết luôn trong tình trạng khát vốn và vẫn khó tiếp cận vốn vay. Nhiều giải pháp tích
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, mặc dù lãi suất cho vay tiếp tục được các NH thương mại điều chỉnh giảm, đồng thời thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp “đẩy” vốn ra nền kinh tế, nhưng tăng trưởng tín dụng đạt được thấp. Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết luôn trong tình trạng khát vốn và vẫn khó tiếp cận vốn vay.
Nhiều giải pháp tích cực kết nối NH- DN để “mở đường” cho nguồn vốn đến DN, được kỳ vọng vực dậy sản xuất kinh doanh trong tình hình kinh tế với những khó khăn vẫn còn kéo dài.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đồng thời đề nghị xem xét cơ chế tín dụng đặc biệt.
DN xuất khẩu gạo kêu quá khó khăn
Tại hội nghị kết nối NH- DN do UBND tỉnh phối hợp NHNN chi nhánh Vĩnh Long phối hợp tổ chức, nhiều DN cho biết luôn có nhu cầu vay vốn, nhưng lãi suất còn cao lại khó tiếp cận nên DN vẫn dè dặt đến NH.
Một số DN khó tiếp cận nguồn vốn vay NH do: chưa cung cấp đủ hồ sơ, không có vốn tự có tham gia, đầu tư ra nước ngoài nhưng không có chứng từ góp vốn và nhất là không có tài sản đảm bảo.
Trong khi đó, các NHTM mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh mở rộng tín dụng nhằm hỗ trợ vốn cho các cá nhân, hộ gia đình, DN sản xuất kinh doanh, nhưng tăng trưởng doanh số cho vay, dư nợ cho vay đạt được khá khiêm tốn.
Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long- nhận xét khó khăn hiện nay là một số DN chưa tiếp cận được vốn NH. Nguyên nhân là do chưa có sự chia sẻ mức độ rủi ro giữa DN và NH. DN có dự án làm ăn rất hiệu quả tiếp cận vốn đã khó, còn DN làm ăn chưa hiệu quả thì càng khó hơn.
Ông Nguyễn Tường Nam cho rằng, DN Vĩnh Long hầu hết là DN nhỏ, DN chưa tiếp cận được do chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thủ tục, trong đó có sự khác biệt với nhau về nhìn nhận cơ hội giữa DN và NH. Giữa DN và NH chưa gặp nhau trong vấn đề cấp vốn tín dụng.
Một số DN bất động sản cho rằng các NH cần đơn giản thủ tục vay mua nhà ở xã hội đối với trường hợp không xác định được nguồn thu nhập hoặc thu nhập thấp, nhằm tạo điều kiện cho người chưa có nhà được vay. Có cơ chế linh hoạt về vốn tự có, vốn đối ứng để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi xây nhà ở xã hội từ gói tín dụng 30.000 tỷ, cho DN được vay tín chấp, giảm bớt quy trình, thủ tục.
Theo kết quả tổng hợp của NHNN chi nhánh Vĩnh Long, nhiều DN đề nghị xem xét giảm lãi suất các khoản cho vay cũ, muốn NH tăng hạn mức tín dụng, cho vay phương án mới. Đặc biệt, DN yêu cầu NH xem xét cơ cấu lại nợ.
Đánh giá của NHNN chi nhánh Vĩnh Long cũng cho thấy, hoạt động sản xuất và tình hình tài chính của DN chậm được cải thiện, nợ xấu của các DN khó xử lý, DN không có nguồn vốn đối ứng tham gia phương án/ dự án sản xuất kinh doanh, không còn tài sản đảm bảo, điều kiện vay vốn không đáp ứng được. Một số DN mạnh thì ngần ngại không vay thêm vốn để mở rộng sản xuất do đầu ra thiếu ổn định.
Đáng chú ý nhất hiện nay, sau thủy sản và gốm, thì nay các DN xuất khẩu gạo tiếp tục kêu cứu. Như vậy, các lĩnh vực kinh tế chủ lực của tỉnh đều rất khó khăn.
Lãnh đạo một DN xuất khẩu gạo lớn của tỉnh thừa nhận:
“Ngành lương thực không còn hiệu quả tốt như trước. Lãi suất ổn định như hiện nay là tốt, nhưng vẫn rất khó cho những DN còn khó khăn khi NH bắt đầu rút vốn.
Thời gian qua, DN đã tự cứu mình, bán bớt tài sản không hiệu quả, cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động, tập trung đầu tư thiết thực hơn. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay xuất khẩu gạo rất khó khăn, nếu không có vốn DN sẽ chết”.
Các DN xuất khẩu gạo đồng thời “cầu cứu” UBND tỉnh, NH cần có cơ chế đặc biệt cho một số ngành đang rất khó khăn như ngành lương thực, cũng như sớm có các giải pháp về vốn, cơ cấu lại nợ, chính sách hỗ trợ để có thể vượt qua giai đoạn hiện nay.
Tại lễ kết nối NH- DN tỉnh Vĩnh Long tuần rồi, có 14 DN ký kết hợp đồng dịch vụ với 5 NH.
“Mở đường” cho vốn đến DN
Theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, những tháng đầu năm, ngành NH đã triển khai đầy đủ các văn bản mới có liên quan đến hoạt động NH. Từ tháng 3/2014, các NHTM trên địa bàn đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn lãi suất hợp lý.
Trong đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên được các NHTM điều chỉnh giảm từ 9%/năm xuống còn tối đa 8%/năm. Lãi suất cho vay ngoài lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức từ 9- 14%/năm.
Doanh số cho vay 7 tháng hơn 14.000 tỷ đồng, so cùng kỳ năm 2013 giảm 4,82%. Trong đó, cho vay đối với DN đạt 8.811 tỷ đồng, tăng 1.473 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2013, chiếm 62,9% doanh số cho vay. Dư nợ cho vay hơn 15.000 tỷ đồng.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN và các hộ dân, các NH tiếp tục thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng.
Đến cuối tháng 7, đã cho vay ngắn hạn lãi suất ưu đãi đối với hơn 33.600 lượt khách hàng với hơn 6.200 tỷ đồng; cơ cấu lại nợ cho 355 khách hàng với 393,5 tỷ đồng; cho vay chăn nuôi, chế biến gia cầm, thịt heo, cá 476 tỷ đồng; ký kết hợp đồng tín dụng với 1 DN kinh doanh bất động sản để cho vay hỗ trợ nhà ở…
Bên cạnh, các tổ chức tín dụng đã thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn nên nợ xấu mới phát sinh cao hơn nợ thu được.
Người mua nhà ở xã hội chưa tiếp cận được nhiều gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ, do chưa đáp ứng điều kiện thu nhập của NH.
Ông Trương Văn Sáu- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- nhấn mạnh những vướng mắc, khó khăn trong quan hệ tín dụng NH- DN cần có sự nỗ lực mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ.
Ông cho rằng, cần đánh giá cho được DN đình đốn, khó khăn là do đâu: cơ chế chính sách, dự báo không đúng, đầu tư sai mục đích hay do chính quyền các cấp… Vĩnh Long tuy đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN, nhưng phải nhìn nhận “chúng ta tháo gỡ chưa được nhiều”.
Để “mở đường” khơi thông dòng tín dụng, ông Trương Văn Sáu cho rằng trong thời gian tới, NHNN chi nhánh Vĩnh Long tiếp tục kết hợp với các NHTM trên địa bàn cần kết nối tốt hơn với DN để hiểu biết nhau hơn.
Rà soát lại các DN khó khăn, nhằm có biện pháp phù hợp kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Ông cũng đề nghị các NHTM cần có giải pháp linh hoạt trong cấp tín dụng, đồng thời cử cán bộ có kinh nghiệm tư vấn, giám sát DN trong quá trình tái cơ cấu, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Về phía các DN, cũng phải tự đánh giá, nhìn nhận nguyên nhân thua lỗ, làm ăn không hiệu quả để có biện pháp khắc phục.
Với trường hợp một DN bất động sản đề nghị tăng hạn mức tín dụng, cơ cấu nợ và cho vay phương án mới, một NHTM đã trả lời DN rằng, hiện hạn mức tín dụng vay vốn lưu động cấp cho DN phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị. Về cơ cấu lại nợ thì NH đã thực hiện cơ cấu nợ cho DN các khoản nợ đến hạn nhưng nguồn thu tạm thời gặp khó khăn. Về việc cho vay phương án mới thì khi có phương án, dự án mới khả thi, hiệu quả và có khả năng trả nợ, NH sẽ xem xét cho vay trong hạn mức được cấp. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin