Cần tầm nhìn “kết nối”

07:08, 05/08/2014

Tại cuộc hội thảo do Đại học Cần Thơ và huyện Tam Bình phối hợp tổ chức, với chủ đề: “kết nối cung- cầu nâng cao giá trị nông sản”, trong đó có nội dung cần khai thác thế mạnh của nông nghiệp Tam Bình trong phát triển du lịch địa phương.


Du thuyền khai thác tour Mekong- Siem Reap (Campuchia).

Tại cuộc hội thảo do Đại học Cần Thơ và huyện Tam Bình phối hợp tổ chức, với chủ đề: “kết nối cung- cầu nâng cao giá trị nông sản”, trong đó có nội dung cần khai thác thế mạnh của nông nghiệp Tam Bình trong phát triển du lịch địa phương.

Đây là một trong những sáng kiến hay, chúng tôi xin phép góp thêm một số ý xoay quanh vấn đề này.

Những ý kiến hay

Cuộc hội thảo đã tập hợp được những chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín như: PGS.TS Lưu Thanh Đức Hải, PGS.TS Nguyễn Phú Son; một số hãng lữ hành lớn: Saigontourist, Vietravel, Vòng Tròn Việt, Cantho tourist…; cùng lãnh đạo địa phương, nông dân và thương lái Tam Bình.

Riêng lĩnh vực kết nối tạo thêm kênh cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, làng nghề thông qua dịch vụ mới đã có nhiều ý kiến hay.

Các ý kiến đều thống nhất, cam sành là loại nông sản nổi tiếng của huyện Tam Bình. Nó đã khẳng định được vị thế chất lượng và là một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cho nông dân.

Vấn đề khó khăn nhất đối với nông dân là tình trạng giá cả bấp bênh và đầu ra không ổn định. Nguyên nhân là do người bán chỉ thông qua hệ thống thương lái và bạn hàng nhỏ lẻ. Chính vì thế lợi nhuận của nông dân chưa được nâng cao.

Do đó, ThS Nguyễn Minh Lầu cho rằng: “Để cam sành Tam Bình trở thành thương hiệu và là một thương hiệu nổi tiếng, khắc sâu vào tâm trí của khách hàng không đơn giản một sớm một chiều, mà đó là cả quy trình đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực bao gồm cả thời gian, nhân lực, vật lực…” Và khi thương hiệu cam sành được xây dựng bền vững, sẽ góp phần vào việc phát triển tiềm năng du lịch của địa phương.

Một sản phẩm làng nghề có thể đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đó là làng nghề bánh tráng giấy (ấp Nhà Thờ, xã Tường Lộc) đã có lịch sử khá lâu đời, đã được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận làng nghề năm 2009. Hiện có 101 hộ tham gia sản xuất giải quyết việc làm thường xuyên cho 276 lao động ở địa phương.

Thu nhập bình quân 33,5 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Kha- Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Tam Bình, địa phương có một hệ thống di tích văn hóa- lịch sử phong phú, cùng với hệ thống chùa chiền và nét sinh hoạt độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Tuy nhiên, lãnh đạo các hãng lữ hành lưu ý: Chúng ta chỉ mới kể ra những tiềm năng ở “dạng thô”, để nó trở thành những sản phẩm du lịch cần có cái nhìn rộng hơn, chuyên sâu hơn về lĩnh vực này.


Cam sành Tam Bình có tiềm năng khai thác du lịch.

Gắn với tuyến sông Mekong

Hầu hết các tour truyền thống về ĐBSCL cho đến giờ này, không thể “tách rời” với sông nước, đó là đặc trưng và là thế mạnh.

Vấn đề là cho đến nay, các địa phương chỉ quẩn quanh khai thác cái phần đơn giản nhất, “bèo bọt” nhất về tiềm năng du lịch của dòng sông Mekong mà nhường toàn bộ thị phần cao cấp cho các hãng lữ hành lớn ở TP Hồ Chí Minh, các hãng lữ hành nước ngoài: Pháp, Anh, Hàn Quốc, Campuchia…

Cụ thể, địa phương chỉ có khả năng khai thác khách đi đến các cù lao. Trong khi đó, đã bỏ ngỏ tuyến “chiều ngang”: TP Hồ Chí Minh- Tiền Giang- Bến Tre- Vĩnh Long- Cần Thơ. Và tuyến “chiều dọc”: ĐBSCL- Siem Reap (Campuchia).

Trong cả 2 liên tuyến theo “chiều ngang” hay “chiều dọc”, đều băng qua tuyến sông Mang Thít và Tam Bình là một trong điểm dừng, nếu chúng ta có thể tạo nên được những sản phẩm hấp dẫn từ tiềm năng sẵn có địa phương.

Theo anh Trần Hoàng Vũ- hướng dẫn tuyến Mekong- Campuchia, hầu hết khách du thuyền đều sử dụng các dịch vụ VIP, do đó việc tiêu tiền không phải là vấn đề, mà cái chính là khả năng cung cấp dịch vụ bản địa tới đâu.

Còn một vấn đề lớn khi khai thác tuyến sông Mang Thít là hiện nay tất cả các du thuyền lớn có thể phục vụ hàng trăm khách đều xuất phát từ Mỹ Tho (Tiền Giang) đi Campuchia. Còn trên tuyến sông Mang Thít, tuy các hãng lữ hành rất thích, nhưng không thể khai thác quy mô lớn được.

Cuối năm 2013, anh Vũ cùng Saigontourist và hãng lữ hành nước ngoài trực tiếp đi khảo sát nhiều lần, nhưng đều bỏ dở vì kẹt cầu Mới (Mang Thít) có độ thông thuyền chỉ khoảng 6,5m, chỉ có thể đưa vào những du thuyền nhỏ trong khoảng 10 khách.
 
Đây là điều đáng tiếc cho một tuyến sông đẹp và phong phú về nét văn hóa, sinh hoạt cộng đồng ở hạ lưu sông Mekong. Hiện nay, đã có nhiều công ty khai thác tour sông nước, xe đạp, homestay, tham gia làm ruộng cùng nông dân… nhưng chỉ mới ở dạng tự phát, nhỏ lẻ.

Tạp chí Anh Telegraph, vừa bình chọn tuyến sông Mekong- Siem Reap (Campuchia) đứng hàng thứ 4 Châu Á, chỉ đứng sau các con sông Hằng (Ấn Độ), Dương Tử (Trung Quốc), Irrawaddy (Myanmar). Trong đó, tour Mekong- Siem Reap (8 ngày) có giá từ 1.460 bảng Anh.

Qua những thông tin đó cho thấy, tiềm năng du lịch của các địa phương nằm trên tuyến sông Mang Thít là rất lớn. Vấn đề là chúng ta cần tiếp tục có những cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm nghiêm túc như Tam Bình vừa tổ chức, nhưng ở quy mô lớn hơn và riêng biệt hơn về du lịch.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh