Sản phẩm bộ ghế salon gỗ của Hợp tác xã (HTX) Đa ngành Tân Hội vừa được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của TP Vĩnh Long. Đây là năm thứ 2 liên tiếp HTX này có sản phẩm được thành phố công nhận (trước đó là sản phẩm tủ thờ cẩn ốc xà cừ). Theo ông Hồ Hữu Phận- Giám đốc HTX, thời gian tới, sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm, hướng tới phát triển đa ngành,
Bộ salon gỗ giá 75 triệu đồng và đã có khách hàng đặt mua.
Sản phẩm bộ ghế salon gỗ của Hợp tác xã (HTX) Đa ngành Tân Hội vừa được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của TP Vĩnh Long.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp HTX này có sản phẩm được thành phố công nhận (trước đó là sản phẩm tủ thờ cẩn ốc xà cừ). Theo ông Hồ Hữu Phận- Giám đốc HTX, thời gian tới, sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm, hướng tới phát triển đa ngành, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Tạo việc làm ổn định
Ông Hồ Hữu Phận- Giám đốc HTX cho biết: HTX hiện đang hoạt động ở 3 lĩnh vực: công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Theo đó, HTX sản xuất và kinh doanh đồ gỗ, trang trí nội thất, thu mua cam sành, đan thảm lục bình, đan giỏ nhựa…
HTX có tổng số xã viên là 24 xã viên, vốn cố định là 3 tỷ đồng (gồm mặt bằng cơ sở, vật dụng sản xuất, phương tiện vận chuyển, kho bãi), vốn lưu động là 500 triệu đồng.
Trong đó, đan thảm lục bình, giỏ nhựa… có 12 tổ với 322 công nhân, tổng doanh thu của tổ là 400 triệu đồng/tháng.
Thu nhập bình quân 1 công nhân là 1,2 triệu đồng/tháng, trực tiếp ký hợp đồng với 3 công ty và 1 doanh nghiệp là Công ty TNHH Sản xuất Phương Lương, Công ty TNHH Sản xuất Phúc Lộc Thịnh Phát, Công ty TNHH Sản xuất Lương Ngọc Văn, DNTN Thanh Tùng Thủy (TP Biên Hòa- Đồng Nai).
Nông nghiệp gồm 1 tổ dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản phẩm như vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, chủ yếu là cam sành trong nông dân cũng như xã viên bán cho các chợ đầu mối và các tỉnh theo mùa vụ. Lương của dịch vụ đầu vào và đầu ra được hưởng 50%, bình quân 1 lao động được hưởng từ 3,5- 4 triệu đồng/tháng.
Riêng lĩnh vực sản xuất và kinh doanh gỗ có khoảng 40 lao động, bình quân làm ra 2 sản phẩm/ngày (lợi nhuận 8- 10%), thu nhập khoảng 4,5- 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Hồ Hữu Phận cho biết thêm: Hầu hết thợ mộc đều rất lành nghề, có kinh nghiệm nhiều năm. Nguồn gỗ là các loại cây như gõ, thao lao, căm xe, giáng hương,… được mua chủ yếu từ các trại cưa thuộc các tỉnh thành ĐBSCL.
“Tất cả là gỗ “sống” được mua về xả rồi đóng thành vật dụng. Đặc biệt, chỉ đóng thô- chưa vội sơn để khách coi hàng có thể kiểm tra chất lượng gỗ. Ngoài bán lẻ, HTX còn bán cho các cửa hàng trang trí nội thất trong, ngoài tỉnh”.
Đang cặm cụi chà nhám chiếc tủ mới đóng xong, anh Thái Đức Minh (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: “Lúc trước tui theo làm bánh nhưng công việc không ổn định nên chuyển qua làm mộc. Mới làm được vài ngày nhưng thấy rất thích công việc này, thu nhập cũng ổn định hơn”.
Mở rộng hướng đi
Tiền thân là HTX nông nghiệp được thành lập từ tháng 7/2011, đến năm 2013 thì HTX phát triển hoạt động kết hợp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp.
2 năm liền có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của TP Vĩnh Long, ông Hồ Hữu Phận vui vẻ: “Từ khi được công nhận sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm gỗ của HTX được chú ý nhiều hơn, đơn đặt hàng nhờ vậy cũng tăng lên”.
Ông phấn khởi: “Lúc đầu chưa có mặt bằng nên hàng làm ra phải tốn tiền ký gửi nhiều, lợi nhuận bị “teo tóp” lại nhưng vừa qua đã được hỗ trợ mặt bằng 350m2 ở ấp Mỹ Thuận (Tân Hội), đang thiết kế bản vẽ chuẩn bị thi công. Sau khi có mặt bằng, HTX sẽ mở thêm hình thức bán trả góp để thuận tiện cho khách mua hàng”.
Theo đánh giá của ông Hồ Hữu Phận, hiện nay sản phẩm gỗ đang được ưa chuộng trở lại, hướng phát triển khá khả quan.
Do đó, trong thời gian tới sẽ tuyển thêm thợ mộc có tay nghề. Không chỉ hướng tới lợi ích nâng cao thu nhập cho xã viên, HTX còn hướng tới tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngoài ra, ông chia sẻ: HTX còn đang có hướng phát triển các sản phẩm du lịch.
“Hiện các sản phẩm này đã được “bỏ mối” ở một số khu du lịch. Tuy nhiên, sắp tới, HTX sẽ mở hẳn một điểm bán. Theo đó, đã tìm được mặt bằng trưng bày hàng ở bến tàu Nhà hàng Phương Thủy (Phường 1- TP Vĩnh Long).
Tận dụng bìa gỗ, gỗ nhỏ… để tạo ra các vật dụng gia đình với kích thước nhỏ, dễ thương giá từ 150.000- 1.000.000 đ/sản phẩm. Theo đó, sẽ tuyển thêm thợ làm tại chỗ, lồng tên vào sản phẩm. Tin rằng, sẽ thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài”.
Đồng thời, ngoài gia công, HTX dự định kết hợp với các khách sạn đan giỏ lục bình, giỏ nhựa nhỏ cho các phòng khách sạn; khai thác và phát huy tốt thương hiệu cam sành Tân Hội…
Bên cạnh, HTX sẽ tăng cường quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm thông qua kết hợp với trang thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, tham gia CLB thương mại công nghiệp, tích cực tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh khi có điều kiện. Ông Hồ Hữu Phận cho biết thêm, 2 năm qua, HTX đã tham gia 4 hội chợ trong và ngoài tỉnh, sắp tới đây, sẽ tham gia hội chợ ở Long An.
Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ được quảng bá miễn phí trên website Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương Vĩnh Long; được hỗ trợ một phần kinh phí để doanh nghiệp mua sắm trang thiết bị máy móc. Đồng thời, là điều kiện để sản phẩm có thể “chen chân” vào siêu thị… Trong thời gian tới, TP Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu những năm tiếp theo… Đồng thời, quảng bá sản phẩm tiêu biểu đạt giải của thành phố đến khách hàng trong và ngoài nước thông qua hội nghị, triển lãm, xúc tiến thương mại |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin