Xưởng mỹ nghệ của cô gái khuyết tật

06:06, 10/06/2014

Trong khi du lịch Vĩnh Long đang “khát” sản phẩm riêng, ở cù lao An Bình (Long Hồ) xuất hiện một xưởng thủ công mỹ nghệ khá độc đáo. Thương hiệu của nó đã được một số trung tâm du lịch chấp nhận và đặt hàng qua mạng; trong đó, có cả những đơn hàng từ nước ngoài.


Chị Tô Thị Hồng Lan.

Trong khi du lịch Vĩnh Long đang “khát” sản phẩm riêng, ở cù lao An Bình (Long Hồ) xuất hiện một xưởng thủ công mỹ nghệ khá độc đáo. Thương hiệu của nó đã được một số trung tâm du lịch chấp nhận và đặt hàng qua mạng; trong đó, có cả những đơn hàng từ nước ngoài.

Cô chủ là một người khuyết tật- chị Tô Thị Hồng Lan, 37 tuổi.

“Sống trên đời sống cần có một tấm lòng”

Gọi là xưởng làm việc nhưng là một không gian thật yên tĩnh, trong khu vườn yên tĩnh. Một dãy nhà gỗ lợp lá ngó mặt ra con sông Cổ Chiên lộng gió. Phía trước là những giàn bầu, giàn mướp thả trái lúc lỉu trên ao sen. 12 người phụ nữ tỉ mẫn với công việc của mình.

Không gian thật sự làm tôi ngạc nhiên, bởi nó gợi lên chất “thiền” đẫm cái triết lý vô thường của những trà thất (chajitsư) ở Nhật Bản. Câu chuyện của chị Lan càng làm tôi thêm cảm phục, khi hiểu được rằng, mục đích để chị “bày” ra cái xưởng này, nó hơn cả việc kinh doanh đơn thuần.

Do vậy, mà mở đầu câu chuyện không phải là những khó khăn về chi phí, về đầu tư, hay chuyện đầu ra của sản phẩm; mà chị Lan lại bắt đầu bằng những lo lắng… không thuộc về mình: “Ở đây, mỗi chị em làm mỗi tháng thu nhập có 2- 2,3 triệu, mà phải trừ tiền bảo hiểm nữa thì còn gì mà sống?
 
Trong khi, gia đình người nào cũng khó, có chị thì chồng thất nghiệp, chị thì chồng đau ốm, con cái học hành đủ thứ. Cho nên em đóng luôn 100% tiền bảo hiểm cho chị em nhẹ lo”.

Chị nói bằng giọng nhẹ như không, nhưng tôi cảm thấy ái ngại cho những khó khăn chất nặng trên đôi vai cô gái “mỏng manh” này.

Nhưng nếu ai đã từng tiếp xúc, hẳn sẽ dễ dàng nhận ra ở chị một tính cách năng động, cùng nghị lực mạnh mẽ hiện ra trên gương mặt lạc quan luôn thường trực nụ cười. Một chân bị tật, nhưng chị thoăn thoăn tới lui hướng dẫn cho mọi người. Nghe chuyện gầy dựng cái xưởng này, mới càng thêm nể.

Chị Lan kể rằng, tự mình đến xưởng gỗ lựa loại xấu cho rẻ tiền, rồi về tận dụng lại, cả gạch lát nền, những trụ đá ngoài sân cũng vậy. Mặt bằng là vườn nhà người cậu, được miễn phí thời gian đầu đến khi bán được sản phẩm thì chị cũng tính tiền mỗi tháng. Nhờ nhiều người xúm lại giúp một tay, cho đến khi hoàn thành không gian đẹp thế này, thì cũng tốn khoảng 200 triệu đồng.

Đến khi tuyển người, chị Lan chỉ chọn toàn phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nên phải đến từng nhà tìm hiểu. 13 nhân viên, chỉ có một anh bảo vệ là nam.

Cái cách kinh doanh… hổng giống ai, hình như toàn là tự làm khó mình. Những chị mới vào học việc, đều được hỗ trợ 1,5 triệu/tháng. Rồi lo hỗ trợ con cái các chị đầu năm học, chuyện lợp lại mái nhà… Tôi nghĩ chị giống một người làm từ thiện hơn là một người đang kinh doanh.

Câu chuyện của chị Lan thật sự là còn rất dài và cảm động, khi mà có công việc ổn định dư lo cho bản thân mình, tự dưng lại bỏ ngang đi lo cho những người… cùng khổ.

Có lẽ một trái tim nhân hậu dễ cảm thông, đã “khởi niệm” từ những chuyến đi làm công tác xã hội, mà xác tín rằng cuộc đời này còn có những thứ quý hơn tiền bạc, đó là tấm lòng để san sẻ yêu thương.


Khu vực thêu may và đóng sổ tay nghệ thuật.

Dưới góc nhìn du lịch

Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ du lịch, chúng ta sẽ nhận ra rằng những sản phẩm mang thương hiệu VIETARTISANS, xuất xứ từ cù lao An Bình của chị Tô Thị Hồng Lan, có thể giải được bài toán khó cho du lịch Vĩnh Long.

Cơn “khát” đặc sản địa phương, lâu nay làm cho nhiều hướng dẫn phải ấp úng khi du khách hỏi mua quà lưu niệm. Do đó, rất cần thiết nên có nhiều sự quan tâm hơn đến xưởng mỹ nghệ này.

Khi chúng tôi đặt vấn đề này, ông Lưu Hoàng Minh- Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Vĩnh Long, cho biết: Trung tâm sẵn lòng hỗ trợ hết mình đối với việc quảng bá sản phẩm của VIETARTISANS, trong khả năng và chức năng của mình.
 
Cụ thể, trong tất cả các hội chợ, hội thảo du lịch trong nước mà trung tâm có tham gia, thì sẽ dành chỗ trưng bày miễn phí, hỗ trợ 50% phí vận chuyển nếu ở những khu vực xa như miền Trung, miền Bắc. Miễn phí toàn bộ trong những chương trình quảng bá sản phẩm du lịch địa phương…

Những sản phẩm của VIETARTISANS, nếu nhìn thoáng qua sẽ thấy rằng có thể tìm mua nó ở rất nhiều cửa hàng lưu niệm. Đó là những món hàng thủ công mỹ nghệ xinh xắn, như túi xách, các loại ví, tranh thêu; hoặc những quyển sổ tay thiết kế theo mẫu riêng…
 
Nhưng nó độc đáo ở chỗ, mỗi một sản phẩm là một câu chuyện gắn với một cảnh đời của người phụ nữ ở nông thôn miền Tây Nam Bộ. Mỗi sản phẩm nó chứa đựng cả một tấm lòng của cô gái giàu lòng nhân ái; đặc biệt, nó được sự góp sức của nhiều bạn bè khắp nơi hỗ trợ bằng cách gởi những mẫu vẽ về cho cô.
 
Một không gian gần gũi với thiên nhiên, và tất cả sản phẩm đều sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, được hoàn thành bằng phương pháp thủ công. Cho nên xưởng mỹ nghệ của chị Lan cũng chính là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài khi ghé lại Vĩnh Long.


Một nhân viên đang vẽ thư pháp tặng khách.

Chị Lan cho biết cũng đã có nhiều đoàn khách ghé tham quan, cũng có nhiều hướng dẫn đề nghị chi huê hồng, có người đề nghị bán vé vào cửa. Rất may là chị Lan đã từ chối những gợi ý này, thà là ít khách hơn là làm mất đi ý nghĩa của tấm lòng người đã khai sinh ra nó.

Đây không đơn thuần là điểm kinh doanh, mà nó là “mái nhà chung” chở che và san sẻ, để mỗi lần ghé lại đây ta lại thấy rằng cuộc đời này, cuộc sống này dù còn đó biết bao điều không may, bao âu lo, vất vả khó khăn, nhưng ý nghĩa được sống và sẻ chia là cao đẹp và cảm động biết bao.

Và những ý nghĩa ấy, tấm lòng ấy không phải để mà kể ra đây, hãy cứ “để gió cuốn đi”. Vậy nên mới có cô gái lặng lẽ với công việc của mình gần 2 năm nay.

Thật lòng tôi không coi chị là người khuyết tật, tôi cũng rất ái ngại khi dùng từ này, bởi trong mắt tôi chị là người mạnh mẽ vô cùng. Sức mạnh ấy có được từ một tấm lòng tràn ngập tình yêu thương và sự quan tâm không vụ lợi đến những phận người.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh