Thông qua hội nghị giới thiệu môi trường đầu tư vùng ĐBSCL, đánh giá của tổ chức thương mại quốc tế, doanh nghiệp (DN) nước ngoài, thì đây là khu vực đầy tiềm năng. Nhưng để ĐBSCL thật sự là điểm đến đầu tư hấp dẫn thì cần có những động thái mới để đánh thức những tiềm năng này.
Thông qua hội nghị giới thiệu môi trường đầu tư vùng ĐBSCL, đánh giá của tổ chức thương mại quốc tế, doanh nghiệp (DN) nước ngoài, thì đây là khu vực đầy tiềm năng. Nhưng để ĐBSCL thật sự là điểm đến đầu tư hấp dẫn thì cần có những động thái mới để đánh thức những tiềm năng này.
Thiếu hụt nhân lực cấp cao ở hầu hết các lĩnh vực cũng là nguyên nhân khiến ĐBSCL kém hấp dẫn thu hút đầu tư (ảnh minh họa).
Tiềm năng thế mạnh của vùng
Ông Yasuzumi Hirotaka- Giám đốc điều hành Jetro tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: Cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty Nhật của vùng ĐBSCL là rất lớn với nhiều thế mạnh vốn có của vùng như mặt hàng nông- thủy sản đa dạng và dồi dào, giá đất, giá nhân công rẻ, cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông đang được cải thiện và đầu tư mạnh.
Đặc biệt, hệ thống giao thông đường thủy của vùng là một lợi thế riêng. Lĩnh vực đầu tư hứa hẹn nhất cho vùng hiện tại là công nghiệp chế biến mà sẽ tận dụng tối đa lợi thế về các mặt hàng nông- thủy sản của vùng như gạo, trái cây, tôm, cá…
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, ông Hirofumi Kishi, ĐBSCL là khu vực có nguồn lao động dồi dào so với các tỉnh thành khác. DN chúng tôi có thể tuyển được những lao động địa phương mà đã có kinh nghiệm trong công ty sản xuất tại Nhật Bản nên hiểu được văn hóa Nhật Bản và có thể nói được tiếng Nhật.
Bên cạnh đó, DN cũng nhận thấy sự thay đổi trong môi trường đầu tư tại khu vực ĐBSCL thông qua các chính sách cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền các địa phương như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ DN…
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2008, qua hơn 5 năm phát triển đến nay Công ty TNHH De Heus Việt Nam đã có 4 nhà máy đang hoạt động tại Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng và Vĩnh Long. Riêng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản tại tỉnh Vĩnh Long có mức đầu tư là 12 triệu USD. Trong năm 2014, DN tiếp tục đầu tư tại Vĩnh Long thêm 2 dự án với tổng vốn khoảng 18 triệu USD.
Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư ở Vĩnh Long, ông Nguyễn Thanh Hoàng- Giám đốc Tài chính Công ty TNHH De Heus Việt Nam cho biết: Vĩnh Long có vị trí đặc biệt quan trọng của vùng ĐBSCL, nằm giữa 2 nhánh sông chính sông Tiền và sông Hậu, thuận lợi cung cấp sản phẩm đến khách hàng bằng đường thủy.
Với nguồn lao động dồi dào, cần cù, có trình độ, lao động nông nghiệp có nhiều kinh nghiệm, với hệ thống các trường đại học... đảm bảo cho công tác đào tạo tốt và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu công việc.
Bên cạnh đó, DN đã được UBND tỉnh hỗ trợ về vị trí đất, thủ tục hành chánh đơn giản việc này giảm bớt khó khăn và rút ngắn thời gian trong những giai đoạn đầu chuẩn bị đầu tư, thuận lợi cho nhà đầu tư ở các bước tiếp theo.
Để trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn
Làm được điều này các chuyên gia cho rằng, ĐBSCL cần nhanh chóng cải thiện hiệu quả và chất lượng của việc sản xuất và thu hoạch nông sản bằng việc ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng và thêm giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông- thủy sản của vùng.
Kế đến, sự hấp dẫn của các ngành công nghiệp thâm dụng lao động đã làm cho giá thành sản xuất của vùng giảm đáng kể do giá nhân công rẻ như may mặc, sản xuất xe hơi, sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ, cơ khí và chế tạo máy cho ngành nông- thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi… Đây là những ngành có tiềm năng mà từng tỉnh trong vùng có thế mạnh riêng phù hợp cho từng lĩnh vực.
Việc kêu gọi đầu tư sau khi đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng là phương pháp hiệu quả nhất.
Sau đó, cần phát triển công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp thiết yếu để làm bàn đạp hỗ trợ các ngành công nghiệp khác và cũng cần nâng cao hạ tầng cơ sở của vùng như hệ thống logistics, cơ giới hóa nông nghiệp, phân bón, công nghệ xử lý nước, chính sách bảo vệ môi trường, khai thác các nguồn năng lượng mới và sạch, xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại…
ĐBSCL cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hút đầu tư vào vùng, làm thế nào để có thể tận dụng tối ưu lợi thế và tiềm năng để thu hút vốn, công nghệ và phương pháp quản lý tân tiến từ nước khác.
Đối với nhà đầu tư, việc kêu gọi đầu tư sau khi đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng là phương pháp hiệu quả nhất.
Do việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất nguyên vật liệu còn chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu sản xuất trong khu vực vẫn còn thấp. Trong thời gian tới, vùng cần có thêm nhiều các nhà cung cấp nguyên vật liệu và dịch vụ phụ trợ có chất lượng cao và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng.
Ông Yasuzumi Hirotaka thông tin: Đa số các công ty Nhật mong muốn các địa phương thúc đẩy nhanh việc thực hiện một cửa, một dấu nhằm rút gọn tối đa thủ tục và loại bỏ hết các giấy tờ không cần thiết, giải quyết vấn đề nhanh gọn cho DN. Các công ty Nhật hiện cũng quan tâm nhiều đến việc thiếu hụt nhân lực cấp cao ở hầu hết các lĩnh vực.
Còn theo ông Hirofumi Kishi, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chung chưa hoàn thiện và rõ ràng, dẫn đến việc hiểu và áp dụng chưa được thống nhất trong các cơ quan chính quyền hoặc là có những thay đổi đột ngột khiến DN không thể thích ứng kịp.
Đặc biệt, do số lượng DN có vốn nước ngoài còn ít nên kiến thức về pháp luật cũng như tình hình kinh tế và kinh nghiệm quản lý của các cán bộ của các cơ quan chính quyền khu vực ĐBSCL còn hạn chế. Do đó, đôi khi việc giải quyết thủ tục hành chính còn chưa được nhanh chóng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của DN.
Để phát huy được chủ trương đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nên đưa ra các quy định pháp luật rõ ràng hơn, đồng thời nâng cao nghiệp vụ của các cán bộ giải quyết các thủ tục hành chính.
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin