15 năm- một chặng đường vui

04:05, 22/05/2014

Đến cuối năm 2013, cả nước có thêm 9 triệu hộ dân có điện, nâng tổng số hộ dân nông thôn có điện sử dụng đạt trên 97%. Báo cáo ấn tượng trên được đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn (1998- 2013) vừa được Bộ Công thương tổ chức.


Đưa điện về vùng khó khăn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Đến cuối năm 2013, cả nước có thêm 9 triệu hộ dân có điện, nâng tổng số hộ dân nông thôn có điện sử dụng đạt trên 97%. Báo cáo ấn tượng trên được đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn (1998- 2013) vừa được Bộ Công thương tổ chức.

Phấn đấu đến năm 2020, 100% số xã phủ kín lưới điện quốc gia.

50.000 tỷ đồng cho lưới điện nông thôn

Theo Bộ Công thương, trong 15 năm qua, Nhà nước đã đầu tư 50.000 tỷ đồng cho lưới điện nông thôn.

Theo đó, điện khí hóa nông thôn phát triển một cách có định hướng là từ năm 1999, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/1999/QĐ-TTg về Đề án Điện nông thôn đến năm 2000, với mục tiêu 80% số xã có điện sinh hoạt và sản xuất.

Thành công chương trình được nhận định, do thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm”.

Cuối năm 2000, tỷ lệ đưa điện về nông thôn đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, 100% số huyện có điện; 7.314/8.930 xã có điện, đạt tỷ lệ 81,9%, vượt chỉ tiêu 1,9%. Đáng chú ý, trong giai đoạn 1998- 2007, cứ sau 1 ngày, nước ta có thêm 1 xã được cấp điện với khoảng 1.700 hộ dân ở nông thôn.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa nói: “Thành công điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam được thế giới công nhận, nhiều nước muốn học theo mô hình của Việt Nam ”.

Còn Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Tomoyuki Kimura cho rằng, Việt Nam đã có chương trình ưu tiên một cách có hệ thống cho việc phát triển điện khí hóa nông thôn.

Ngoài mở rộng kết nối tới những hộ dân chưa có điện, giai đoạn 2005- 2008, vấn đề nâng cao chất lượng điện và công tác quản lý cũng được Chính phủ quan tâm.

Giai đoạn này, Chính phủ đã có những chính sách mở rộng kết nối lưới điện, đặc biệt là đối với khu vực dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa.

Qua đó, đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Từ năm 1998- 2013, phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp đã tăng 6,6 lần; công nghiệp chế biến tăng 3,5 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 8 lần.
 
“Thành công của điện khí hóa nông thôn xuất phát từ những chủ chương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự điều phối hợp lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế”- Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Giải quyết 3% hộ dân chưa có điện

Cả nước hiện còn 91 xã nông thôn chưa có điện, 550.000 hộ gia đình chưa được sử dụng điện. Những hộ dân này ở địa bàn hết sức khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo… Do vậy, mục tiêu đến năm 2020, 100% số xã có điện, 100% người dân sử dụng điện lưới quốc gia, việc cung cấp điện còn nhiều thách thức.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, cần khoảng 30.000 tỷ đồng cho việc đầu tư lưới điện nông thôn cũng như cải tạo, nâng cấp lưới điện. Các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục áp dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đại diện Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) cho biết, KFW sẽ tìm các đối tác giàu kinh nghiệm để cùng phối hợp thực hiện. Trong tương lai, KFW sẽ hướng tới sự hợp tác cải tạo lưới điện, nâng cấp lưới điện, tăng khả năng cung ứng điện cho người dân nông thôn Việt Nam .

Ngài Tomoyuki Kimura cho biết, sẽ áp dụng chương trình cho vay ưu đãi trong hợp tác với Chính phủ Việt Nam và EVN để có phương thức thích hợp nhất nhằm đạt mục tiêu này.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, phát triển điện đi trước nhằm phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân luôn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Để thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2020, 100% số xã có điện, 100% người dân sử dụng điện cũng như tiếp tục nâng cấp hệ lưới điện quốc gia, Phó Thủ tướng chỉ đạo, cần tiếp tục phát động một phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm tạo ra sức ảnh hưởng rộng khắp với nhiều mô hình tiêu biểu được nhân rộng.

Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tranh thủ nguồn vốn, đa dạng hóa hình thức đầu tư, làm tốt công tác giám sát sử dụng nguồn vốn, nâng cao tính ổn định, chất lượng và độ an toàn của lưới điện.

Theo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, từ năm 1998- 2013, tỉnh đầu tư 31,5 tỷ đồng triển khai 19 công trình điện, khối lượng 350,9km trung thế, 97,3km hạ thế, 360 trạm biến áp với tổng dung lượng 9.013kVA, cấp điện cho 19.919 hộ dân.

Đến tháng 3/2014, tỷ lệ hộ dân có điện đạt 99,44%, trong đó nông thôn đạt 99,2%. Hiện vẫn còn 1.697 hộ chưa có điện và 13.480 hộ sử dụng điện câu đuôi, không đảm bảo an toàn, vì vậy rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn của chính quyền các cấp và người dân, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh