Đem việc làm cho 300 lao động

01:03, 20/03/2014

Từ một cơ sở (CS) gia công hàng thủ công mỹ nghệ quy mô gia đình của chị Huỳnh Thanh Trang tại xã Hòa Lộc, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh cùng chính quyền địa phương, HTX Thủ công mỹ nghệ Hòa Lộc (Tam Bình) ra đời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 300 lao động.


Không khí làm việc nhộn nhịp hào hứng tại cơ sở.

Từ một cơ sở (CS) gia công hàng thủ công mỹ nghệ quy mô gia đình của chị Huỳnh Thanh Trang tại xã Hòa Lộc, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh cùng chính quyền địa phương, HTX Thủ công mỹ nghệ Hòa Lộc (Tam Bình) ra đời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 300 lao động.

Từ cơ sở gia đình đến HTX

CS gia công hàng thủ công mỹ nghệ của chị Huỳnh Thanh Trang đang hoạt động hiệu quả, sản phẩm gia công là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như khay, chậu, túi, ghế đôn,… từ các loại dây nhựa PP, PE. CS nhận được nhiều đơn đặt hàng ổn định từ các công ty tại TP Hồ Chí Minh.

Hầu hết các hộ gia đình trong xã Hòa Lộc và các xã lân cận đều có nhận nguyên liệu của CS về làm gia công tại nhà. Hoạt động của CS ngày càng mở rộng, CS phối hợp với Hội LHPN tỉnh và các cấp tổ chức dạy nghề và giao hàng gia công cho lao động ở các huyện, tổ chức được 30 vệ tinh với tổng số lao động tham gia gần 1.000 người.

Với chủ trương phát triển các mô hình kinh tế tập thể, cụ thể là phát triển HTX tại địa phương từ các làng nghề truyền thống để từng bước chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, Hội LHPN tỉnh đã khảo sát nhu cầu của 60 hội viên PN trên địa bàn xã và các tổ vệ tinh CS dạy nghề của chị Huỳnh Thanh Trang. Kết quả có 36 chị tự nguyện tham gia góp vốn thành lập HTX.

Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với Ban Hỗ trợ PN phát triển kinh tế và Trung ương Hội LHPN Việt Nam đưa 7 lượt thành viên HTX đi tập huấn nâng cao kiến thức về cách thức thành lập HTX tại Hà Nội.

Đồng thời, để giúp hội viên PN có vốn tham gia HTX, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho 10 thành viên HTX vay 95 triệu đồng góp vốn mua nguyên vật liệu, các thiết bị cần thiết phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Hội LHPN còn tổ chức tập huấn kiến thức cho 30 xã viên về Luật HTX, các văn bản pháp luật của UBND tỉnh quy định về kinh tế tập thể, tất cả thành viên được dự lớp tập huấn rất phấn khởi vì nhận thấy được những quyền lợi khi tham gia HTX.

Cuối năm 2013, HTX thủ công mỹ nghệ Hòa Lộc chính thức được thành lập, huy động thành viên là giáo viên dạy nghề tiểu thủ công nghiệp tham gia vào HTX, đã tham gia dạy 10 lớp, đào tạo 300 học viên và giải quyết việc làm cho hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp.

Tạo thêm thu nhập cho người dân

Từ khi thành lập đến nay, HTX đã nhận được 15 đơn đặt hàng của 3 công ty với hơn 13.000 sản phẩm các loại. Bình quân HTX sản xuất 200 sản phẩm các loại một ngày, đạt chất lượng cao theo yêu cầu của công ty. HTX đã giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động tại địa phương, thu nhập từ 900.000- 1.300.000đ.

Chị Huỳnh Thanh Trang cho biết: “Trước đây, tôi tham gia lớp đan lục bình tại địa phương. Ra làm thấy hiệu quả, tôi đi tìm nguồn hàng. Được người quen giới thiệu cho công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, tôi đến tận nơi học nghề và làm đại lý cấp 1 cho công ty. Nhờ làm ăn hiệu quả mà thu hút được nhiều lao động trong và ngoài huyện tham gia”.


Vợ chồng chị Trang đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho lao động địa phương.

Chị Trần Thị Yến Nhung (Ấp 2, xã Hòa Lộc)- bán cà phê ở gần CS cười tươi: “Qua lại thấy chị em làm việc khá nhộn nhịp lại có được khoản thu nhập để trang trải cho gia đình nên tranh thủ lúc rảnh chạy qua học nghề, khi vắng khách có thể làm thêm để có chút tiền bỏ túi cũng vui”.

Vừa ngồi nghiên cứu đơn hàng mới về, chị Nguyễn Thị Bé Thu cho biết, mỗi khi có mặt hàng mới là chị luôn học trước để làm ngay vì hàng mới về liên tục. Ngoài thời gian chăn nuôi heo, rảnh lúc nào, chị làm thêm lúc đó, kiếm thêm chút đỉnh tiền chi tiêu trong nhà.

Vợ chồng anh Phạm Nguyễn Hoàng Anh và chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (ấp Tường Chí B, xã Tường Lộc), anh làm nghề sửa xe gắn máy, chị thì làm nội trợ. Vợ chồng họ đã học nghề và lấy hàng của HTX về làm gần 1 năm nay. Khoảng 2 tuần, anh chị làm được hơn 200 cái giỏ hình chữ nhật, tiền công 3.500 đ/cái. “Làm thêm có tiền, trang trải chi phí hàng ngày đỡ lắm”- anh chị vui mừng chia sẻ.

Chị Huỳnh Thị Kim Hơn (Ấp 1, xã Hòa Thạnh) là một thợ giỏi kinh nghiệm nhiều năm, hiện đã trở thành kỹ thuật viên của HTX. Một ngày chị có thể đan được 4 cái ghế đôn, kiếm được từ 60.000- 100.000đ. Cuộc sống gia đình nhờ đó cũng khá hơn.

Việc quan tâm chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long và các cấp hội cơ sở sẽ tạo động lực lớn cho phong trào phát triển kinh tế tập thể trong giới nữ của địa phương, tạo việc làm ổn định tăng thu nhập cho các thành viên, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: YẾN XUÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh