Cân đối cung- cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó quan tâm lĩnh vực tài chính được cho là những bước đi cần thiết cho ngành cá tra phát triển.
Cân đối cung- cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó quan tâm lĩnh vực tài chính được cho là những bước đi cần thiết cho ngành cá tra phát triển.
Công ty CP Thủy sản Cổ Chiên- 1 trong 3 cơ sở chăn nuôi cá tra xuất khẩu đầu tiên của Vĩnh Long được chứng nhận ASC.
Nâng chất lượng
Ngành nông nghiệp ĐBSCL và Vĩnh Long nói riêng nhiều năm qua cũng nhận thức việc nâng chất lượng cá tra bằng việc đầu tư xây dựng nhiều vùng sản xuất cá tra đạt chứng nhận GlobalGAP, ASC… nhằm khẳng định thương hiệu cá tra Việt
Mới đây, 3 cơ sở nuôi cá tra xuất khẩu đầu tiên của Vĩnh Long được trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ASC- giấy thông hành cho các doanh nghiệp thâm nhập vào các thị trường lớn.
Đó là các trang trại của các Công ty CP Thủy sản Cổ Chiên, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Năm Vàng, Công ty CP Nam Sông Hậu ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn với tổng diện tích thả nuôi trên 36,7ha. Đây là kết quả bước đầu của dự án “Đầu tư hỗ trợ xây dựng vùng nuôi cá tra an toàn ứng dụng theo quy trình thực hành nuôi cá tra tốt toàn cầu- GlobalGAP/ASC giai đoạn 2011- 2015”.
Bên cạnh 3 cơ sở được chứng nhận ASC, toàn tỉnh có 6 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP, 4,7ha được chứng nhận VietGAP và 6,6ha nuôi theo thực hành quản lý tốt hơn BMP.
Hiện toàn tỉnh cũng có 2 cơ sở sản xuất giống được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích 6,3ha, trong đó 3,5ha thuộc Trại giống Thủy sản Cồn Giông (Trung tâm Giống) và 2,8ha thuộc Trung tâm Giống và Kỹ thuật (Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ).
Vĩnh Long hiện có 239 cơ sở nuôi cá tra thâm canh, trong đó có 58 công ty và 192 hộ gia đình. Năm 2014, tỉnh sẽ nỗ lực tháo gỡ các khó khăn (về vốn, thị trường, chất lượng con giống, hạ tầng vùng nuôi...), ổn định 430ha diện tích mặt nước thả nuôi cá tra thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, phấn đấu để đạt sản lượng cá tra 100.000 tấn vào cuối năm nay.
Theo ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, trước những dự báo không mấy lạc quan về con cá tra, sắp tới đây cần dồn sức nâng chất lượng mặt hàng này trên cơ sở tập trung triển khai sâu rộng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng các mô hình liên kết, hỗ trợ thị trường, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá cả, giữ vững uy tín trên thị trường quốc tế. Một triển vọng khác cũng được ông đề cập là mở rộng đối tượng nuôi khác, không quá chú trọng vào sản lượng con cá tra.
Theo ông Nguyễn Văn Nhãn- Công ty CP Thủy sản Cổ Chiên, mặc dù trại nuôi cá ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) của doanh nghiệp vừa được chứng nhận ASC nhưng tình hình nuôi cá tra hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp mong muốn trong năm 2014 cơ quan quản lý cần có những định hướng cụ thể để nghề nuôi cá tra thật sự bền vững. |
Định hướng phát triển
Theo ông Nguyễn Văn Nhãn- Công ty CP Thủy sản Cổ Chiên, mặc dù trại nuôi cá ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) của doanh nghiệp vừa được chứng nhận ASC nhưng tình hình nuôi cá tra hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp mong muốn trong năm 2014 cơ quan quản lý cần có những định hướng cụ thể để nghề nuôi cá tra thật sự bền vững.
Đại diện Công ty TNHH Hùng Vương Vĩnh Long thì cho rằng, cần cơ cấu lại ngành nghề, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để các khâu trong chuỗi sản xuất đều có lợi nhuận.
Doanh nghiệp nào còn khả năng thì cần tập trung đầu tư phát triển mạnh để tìm lại vị thế của thương hiệu cá tra Việt Nam, bởi sản phẩm độc quyền nhưng lại “thoi thóp trên sân khách” thì thật là đáng tiếc.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng cho rằng: Tín dụng ngân hàng thu hẹp bởi những thông tin xấu về con cá tra. Tới đây cần có những điều tra kỹ, thông tin kịp thời những thông điệp mới khi tình hình có chuyển biến, bởi cứ liên tục “dội bom” với những thông tin quá xấu về tình hình cá tra thì không ngân hàng nào dám cho vay đầu tư lĩnh vực này.
|
Do trước đây nhiều doanh nghiệp vay vốn khá dễ để đầu tư nhà xưởng thì nay tới chu kỳ thu hồi nên thiếu vốn lưu động để hoạt động.
Bên cạnh, do cạnh tranh giá thấp, mua trong nước thì nợ, bán ra ngoài cũng nợ và nợ ngoài trả chậm cộng với chu kỳ lãi xuất cao phải trả trong nước rất là lớn nên doanh nghiệp bị lỗ rất nặng nề.
Vấn đề chất lượng sản phẩm cũng rất đáng lo ngại. Do đó, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm ở mỗi doanh nghiệp là rất quan trọng chứ tình trạng này thì không làm ăn được với thị trường thế giới.
Trong 236 đầu mối xuất khẩu cá tra hiện nay, 94 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra, chiếm đến 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành cá tra.
Giá trị xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp không có nhà máy chế biến chỉ chiếm khoảng 10%. Nhưng một số doanh nghiệp loại này có xu hướng cơ hội, lợi dụng những lỗ hổng trong quản lý nhà nước, thu gom các nguồn cá kém phẩm chất, chế biến trong những điều kiện không đảm bảo… chào hàng cạnh tranh bằng giá thấp, gây tác động tiêu cực đến thị trường, làm giảm chất lượng, hình ảnh và giá xuất khẩu con cá tra.
Đối với cơ sở nuôi thời gian qua cũng cho thấy sự phân hóa rõ rệt thành các nhóm, trong đó nhóm có giá thành sản xuất khoảng 20.000 đ/kg thì sống được, nhóm giá thành trên 22.000 đ/kg thì rất điêu đứng và nhóm trên 23.000 đ/kg thì phá sản. Tuy nhiên, những cơ sở có nhiều kinh nghiệm sản xuất thì vẫn có thể tồn tại được.
Thông tin từ VASEP, sắp tới đây, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về việc nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Nội dung nghị định đề cập đến việc quản lý nhà nước về sản xuất và tiêu thụ cá tra, chính sách tín dụng, hỗ trợ rủi ro, những hành vi cấm và xử lý vi phạm. Tại Điều 13 của dự thảo nghị định có quy định giá sàn đối với nguyên liệu và sản phẩm cá tra xuất khẩu. Doanh nghiệp nào mua bán nguyên liệu, sản phẩm cá tra dưới giá sàn sẽ được đưa vào danh sách tạm ngưng xuất khẩu có thời hạn. Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
|
Bài, ảnh: LÊ SƠN- NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin