Còn đó những khó khăn

07:02, 13/02/2014

Một cái tết chưa vui đối với 2 mặt hàng thế mạnh của ĐBSCL là lúa gạo và thủy sản khi xuất khẩu (XK) đều không đạt kế hoạch. Dự báo, trong năm 2014 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, vì vậy nhiều chuyên gia cảnh báo nên “chủ động đối mặt khó khăn”.


Cả năm 2013 và đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu gạo giảm, nhưng dự báo trong năm 2014 vẫn chưa có tín hiệu lạc quan.

Một cái tết chưa vui đối với 2 mặt hàng thế mạnh của ĐBSCL là lúa gạo và thủy sản khi xuất khẩu (XK) đều không đạt kế hoạch. Dự báo, trong năm 2014 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, vì vậy nhiều chuyên gia cảnh báo nên “chủ động đối mặt khó khăn”.

Trăn trở hạt gạo xuất khẩu

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), XK gạo cả năm 2013 chỉ đạt khoảng 6,6 triệu tấn, giảm đến hơn 1,1 triệu tấn so với năm 2012. Giá XK lại giảm hơn 18% so với cùng kỳ. Giá giảm không chỉ khiến nông dân trồng lúa lao đao mà doanh nghiệp XK cũng đứng ngồi không yên.

Ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch VFA, khẳng định: XK khó khăn do khủng hoảng thừa lương thực. Điều này đã được VFA cảnh báo từ năm 2011 và đến nay thể hiện rất rõ. Hiện các nước đều nhận thấy tầm quan trọng vấn đề an ninh lương thực nên chủ động lương thực và giảm nhập khẩu.

Trong khi đó, thị trường thế giới đang có nhu cầu lớn lúa gạo chất lượng cao. Vì vậy, thay vì quá chú trọng đến năng suất, sản lượng, nông dân cần thay đổi suy nghĩ và cần quan tâm đến chất lượng lúa gạo mình làm ra.

Theo ông Lưu Xuân Bá- Phó Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long, thời điểm giữa năm 2013, giá lúa đã nhích lên khi triển khai mua tạm trữ và thời điểm này giá lúa gạo thu mua cao hơn giá XK, trong khi tình hình XK gạo chưa có tín hiệu lạc quan do nguồn cung khá dồi dào và dự kiến tình trạng này sẽ còn kéo dài đến hết năm 2014.

Đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành nông nghiệp mới đây:

Năm 2013 là năm không thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản cả trong nước và XK. Nhu cầu và giá nông sản trên thị trường thế giới luôn có xu hướng giảm từ giữa năm 2012 ở các quốc gia nhập khẩu nông sản chính từ Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Philippines…

Hầu hết các loại nông- thủy sản XK chủ lực đều có khối lượng và giá trị XK giảm so với năm 2012. Tiêu thụ trong nước cũng gặp khó khăn do các loại nông sản XK giảm và sức mua trong nước giảm.

Theo ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long, năm 2013, do khó khăn về thị trường, giá cả và chính sách nhập khẩu của các nước thay đổi là nguyên nhân không hoàn thành kế hoạch XK.

Theo đó, kim ngạch XK của tỉnh năm 2013 chỉ đạt 329 triệu USD, chỉ bằng 80% kế hoạch năm và giảm trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do 5/8 mặt hàng XK giảm mạnh như gạo giảm 35%, thủy sản đông lạnh giảm 44,6%, hột vịt muối giảm 30,5%, nông sản chế biến khác giảm 15,82%, ngành hàng khác giảm 60,66%. Trong năm, chỉ có 3/8 mặt hàng XK còn lại tăng như giày các loại, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may nhưng mức tăng không đáng kể.


Khó khăn đầu ra con cá tra

Năm 2013 cũng là năm khó khăn cho sản xuất cá tra khi người nuôi cá liên tục bị thua lỗ, diện tích thả nuôi dần bị thu hẹp, nhiều hộ phải bán ao cho doanh nghiệp do chi phí nuôi tăng cao trong khi giá cá ở mức thấp thời gian dài.
 
Hiện nay, người nuôi cá tra vẫn chưa hết khó khi giá cá tra nguyên liệu chỉ dao động từ 21.000- 23.500 đ/kg, trong khi giá thành sản xuất lại ở mức 23.000- 24.000 đ/kg.

Mặc dù được xem là mặt hàng thủy sản chiến lược quốc gia, cũng là mặt hàng độc quyền của Việt Nam trên thị trường thế giới, nhưng con cá tra cứ liên tục gặp khó, dù Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, hiệp hội… đã nhiều lần họp bàn giải quyết.

Cá tra Việt Nam là sản phẩm độc quyền của ĐBSCL có mặt trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên do sản xuất tự phát, không theo quy hoạch nên luôn đối mặt khó khăn, cạnh tranh không lành mạnh, bán giá thấp… gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Để vực dậy ngành này, theo ông Hồ Văn Vàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương cần kiểm tra nghiêm ngặt tránh tình trạng một số doanh nghiệp liên kết với khách hàng xấu lừa dối người tiêu dùng bằng cách bơm quá nhiều nước vào cá phi lê.


Người nuôi cá tra vẫn chưa hết khó khi giá cá tra nguyên liệu lại thấp hơn giá thành sản xuất.

Dự báo trong năm 2014, theo ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vấn đề lớn nhất của ngành cá tra là sự phát triển nhanh và tự phát dẫn đến tình trạng giá bán sụt giảm mạnh.

Sự trì trệ kéo dài này dẫn đến người nuôi và doanh nghiệp XK cá tra bị thua lỗ, thiếu vốn để tiếp tục duy trì sản xuất khiến người nuôi bỏ ao, doanh nghiệp tìm mọi cách bán hàng ra để gỡ vốn, càng làm cho thị trường và giá cá mất ổn định.

Để thúc đẩy ngành hàng cá tra, ông Trương Đình Hòe khẳng định sự cần thiết phải ban hành quy chế cấp và kiểm soát hạn ngạch sản lượng nuôi cá tra phù hợp với nhu cầu thị trường; quy chế kiểm soát chất lượng thức ăn nuôi cá tra. Sớm có các chương trình nâng cao chất lượng và tiêm vaccine phòng bệnh cá tra giống; chương trình quốc gia nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh XK.

Trong tháng 1/2014, tổng kim ngạch XK của tỉnh Vĩnh Long chỉ đạt 19,91 triệu USD, giảm đến 14,95% so với tháng trước và giảm đến 41,62% so cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này do XK gạo giảm đến 53,15% về sản lượng và giảm 56,95% về giá trị, làm cho tổng kim ngạch XK giảm đến 21,27 điểm phần trăm. Cùng đó, XK giày da cũng giảm 32,11% và hàng thủy sản giảm tới 67,35%. Từ sự tác động của 2 ngành hàng này cũng đã khiến tổng kim ngạch XK chung của tỉnh giảm lần lược 12,48 và 9,44 điểm phần trăm.


Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh