“Cuộc đua kỳ thú”

09:01, 29/01/2014

Vừa qua, tại TP Đà Lạt, UNESCO Việt Nam đã tổ chức chương trình “Việt Nam- Những điểm đến ấn tượng”, tôn vinh “Top 100 thương hiệu du lịch văn hóa” và Những điểm đến ấn tượng của Việt Nam. Điểm du lịch Ba Hùng (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ- Vĩnh Long), đã có mặt trong bảng danh sách “vàng” này.


Khu nhà nghỉ

Vừa qua, tại TP Đà Lạt, UNESCO Việt Nam đã tổ chức chương trình “Việt Nam- Những điểm đến ấn tượng”, tôn vinh Top 100 thương hiệu du lịch văn hóaNhững điểm đến ấn tượng của Việt Nam. Điểm du lịch Ba Hùng (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ- Vĩnh Long), đã có mặt trong bảng danh sách “vàng” này.

Tiếp sức cho du lịch Việt

Chương trình nhằm mục đích khuyến khích, ghi nhận những thành công mà các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đạt được trong năm 2013. Thông qua chương trình, BTC đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá những mô hình du lịch tiêu biểu, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Với mong muốn quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu riêng, phát triển du lịch một cách bền vững, chương trình đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức, doanh nghiệp du lịch, nhờ vào những sản phẩm du lịch lý thú và những điểm đến khá ấn tượng trong cả nước.

Trong số hơn 200 đơn vị du lịch được đề cử trước đó từ các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch và Hiệp hội Du lịch các tỉnh- thành gởi về, BTC đã chọn ra 100 đơn vị vinh danh “Top 100 thương hiệu du lịch văn hóa” và “Những điểm đến ấn tượng năm 2013”.

Đại diện cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Lê Văn Hùng cho biết, ông đánh giá cao chương trình lần này và gởi lời cảm ơn chân thành đến BTC, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã quan tâm tới sự phát triển ngành du lịch thông qua việc tổ chức chương trình này.


 
Chứng nhận của UNESCO Việt Nam đối với
Điểm du lịch Ba Hùng

Bên cạnh đó, ông còn bày tỏ mong muốn sâu sắc đến Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, hy vọng liên hiệp các hội này sẽ tạo điều kiện và giúp đỡ ngành du lịch cũng như giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam phát huy hơn nữa việc tổ chức các chương trình sự kiện có ý nghĩa.
 
Thông qua đó, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam không những trong nước mà còn quảng bá ra ngoài thế giới, thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam.


Khu nhà ăn

Thầm lặng xây dựng thương hiệu

Điểm du lịch Ba Hùng lọt vào “Top 100 thương hiệu du lịch văn hóa” là niềm vui chung của ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long.

Theo đó, là chiến dịch quảng bá toàn cầu của UNESCO, trong suốt 3 tháng trên các chuyến bay đến 192 quốc gia, vùng lãnh thổ; đồng thời được xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Không riêng gì thương hiệu Ba Hùng, mà địa danh Vĩnh Long của chúng ta sẽ thu hút được sự chú ý của nhiều du khách trên thế giới.

Một điều đáng tự hào nữa, đó là trong “cuộc đua kỳ thú” này, chúng ta thấy có rất nhiều những tên tuổi lớn, các khu resort, khách sạn cao cấp của những tập đoàn đa quốc gia, với những dự án đầu tư nhiều triệu USD, thì điểm du lịch nhỏ ở nông thôn Vĩnh Long, có thể xem là một tin “báo hỷ” điềm lành trong những ngày đầu năm này.
 
Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, Điểm du lịch Ba Hùng chỉ mới tròn 13 năm, còn thực sự bắt tay xây dựng điểm homstay chỉ vỏn vẹn có 7 năm.

Ông Ba Hùng nhớ lại, những ngày giáp Tết năm 2000, cập rập trong vòng có mấy ngày cất xong cái nhà nhỏ làm điểm ăn trưa, chứa được có 4- 5 bàn. Nhưng 6 tháng sau phải xây dựng thêm một dãy nhà ăn nữa, mới đủ chỗ đón khách.

Qua năm thứ hai, lượng khách tăng đều đặn hàng trăm khách mỗi ngày. Đó cũng là giai đoạn du lịch Việt Nam đón đợt khách quốc tế tăng vọt, sau thời gian dài sụt giảm.

Từ cái chòi nhỏ đầu tiên “chập chững” vào nghề du lịch, đúng 5 năm sau (2005), ông Ba Hùng đầu tư điểm nghỉ qua đêm cho khách, theo dạng những bungalow đậm chất miệt vườn Nam Bộ, với những dãy nhà lợp lá, lót ván.

Những cảm nhận, đánh giá có thể nhiều lúc mang tính chủ quan, nhưng sự quay trở lại của du khách chính là sự công nhận chính xác nhất sự hấp dẫn của một sản phẩm du lịch. Ngoài nguồn khách từ nhiều công ty đầu mối ở TP Hồ Chí Minh, đã có rất nhiều du khách quay trở lại đây với tình cảm khá đặc biệt.

Có người quay trở lại cùng với bạn bè, người thân gia đình. Có những khách tự đến thông qua sự giới thiệu của bạn bè đã có dịp nghỉ lại Vĩnh Long.

Sự thành công của Điểm du lịch Ba Hùng, có thể tạm rút ra 2 vấn đề mấu chốt. Trước hết, đó là sự tiếp đón chân tình, vui vẻ, sự phục vụ chu đáo đặt niềm vui, sự thỏa mãn của du khách lên trên hết. Đặc biệt, trong mười mấy năm qua ở đây chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào, làm ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe của khách.

Điều thứ hai khá quan trọng, đó là sự khác biệt của “ông chủ”. Gia đình mấy đời gắn bó với vùng đất cù lao này, nhưng ông Ba Hùng không phải là một “nông dân bảo thủ” trong cách nghĩ, cách làm.
 
Ông luôn lắng nghe sự góp ý từ mọi người, chắc lọc và quyết định hướng đi riêng cho mình. Đó là sự nhạy bén trong kinh doanh. Trong năm qua, từ gợi ý của các hướng dẫn, doanh nghiệp đầu mối, ông đã đầu tư gần 500 triệu để xây dựng phòng nghỉ dành riêng cho khách VIP.


Khu nhà nghỉ VIP vừa được xây dựng

Hỏi ông tại sao không giống với phần lớn những nông dân “thứ thiệt”, thường có tính bảo thủ. Ông Ba Hùng cười cười kể lại, hồi trẻ đã từng lên Sài Gòn học trường Quốc gia âm nhạc.

Thời gian đó, được người dượng kinh doanh nhà hàng thường xuyên dẫn đi các quán bar, ăn uống, nhảy đầm. Sự giao tiếp đó phần nào tạo cho ông có cái máu đam mê lĩnh vực du lịch này rồi. Rất tiếc học trường nhạc đến năm thứ 3, thì cha bị bệnh phải về chăm sóc, lần lựa mất mấy năm trời rồi bỏ trôi luôn, đó là năm 1975 sự chuyển đổi học hành càng trở nên khó khăn.

Một chút về Điểm du lịch Ba Hùng, cả chút ít về cá nhân, chúng tôi nhằm tìm hiểu nguyên nhân của sự thành công ban đầu, mà cụ thể là niềm vui được lọt vào “Top 100 thương hiệu du lịch văn hóa” của UNESCO Việt Nam. Từ đây, cũng sẽ là cái nhìn tham chiếu đối với những điểm du lịch khác trên 4 xã  cù lao hiện nay.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh