Tăng cường hợp tác phát triển kinh tế

01:12, 12/12/2013

Hiện đã có 15 doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh đầu tư, kinh doanh tại Vĩnh Long với 20 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.746 tỷ đồng. Liên kết, hợp tác với TP Hồ Chí Minh góp phần giúp Vĩnh Long nâng cao năng lực quản lý, phát huy tiềm lực sẵn có, đáp ứng xu thế hội nhập của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực như mong đợi.


Hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp thuận tiện và đảm bảo hoạt động của các nhà đầu tư khi đến Vĩnh Long.

Hiện đã có 15 doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh đầu tư, kinh doanh tại Vĩnh Long với 20 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.746 tỷ đồng. Liên kết, hợp tác với TP Hồ Chí Minh góp phần giúp Vĩnh Long nâng cao năng lực quản lý, phát huy tiềm lực sẵn có, đáp ứng xu thế hội nhập của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực như mong đợi.

Kết quả đáng ghi nhận

Tại ĐBSCL, qua 12 năm hợp tác (từ năm 2001 đến nay) DN TP Hồ Chí Minh đã tham gia đầu tư 23 khu công nghiệp (CN) và 1.001 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, CN, hạ tầng giao thông, đô thị, khu- cụm CN và kinh doanh thương mại- du lịch, với tổng vốn đăng ký 263.937 tỷ đồng. Điều này góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và đúng hướng ở ĐBSCL.

Riêng tại Vĩnh Long, trong 20 dự án đầu tư đã có 2 dự án đã đưa vào hoạt động, 6 dự án đang thực hiện và 12 dự án xin chủ trương, đã hoặc đang hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, thi công san lấp. Chương trình hợp tác giữa Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực.
 
Như lĩnh vực nông nghiệp- thủy sản: với mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP gắn với tiêu thụ, nghiên cứu quy trình sử dụng chế phẩm sinh học quản lý sâu bệnh trên cải xà lách xoong. Phối hợp chặt chẽ kiểm dịch xuất, nhập động vật vào tỉnh, quản lý chất lượng thức ăn, hóa chất và các chất xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, Vĩnh Long giới thiệu các cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt chất lượng để TP Hồ Chí Minh xây dựng mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Vĩnh Long đã chuyển giao kỹ thuật nuôi “lươn đồng” bán nhân tạo cho TP Hồ Chí Minh, cũng như chia sẻ và ứng dụng thành công GAP nuôi cá tra…

Lĩnh vực CN đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng “Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh bằng năng suất chất lượng, tiết giảm chi phí và thân thiện môi trường (GHK, ISO 22000, ISO 27000, ISO 14000) cho Các DN tại Vĩnh Long”. Giai đoạn 2009- 2013, tỷ trọng vốn đăng ký của các DN tại TP Hồ Chí Minh vào các khu CN Vĩnh Long khá lớn.

Cụ thể, Ban quản lý Các khu CN tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án vào Khu CN Bình Minh với tổng vốn đầu tư 1.079 tỷ đồng, Tuyến CN Cổ Chiên 1 dự án vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Để góp phần chỉnh trang đô thị, tạo nguồn cung về nhà ở, Công ty CP Hoàng Quân Mê Kông đã thành lập chi nhánh đầu tư vào tỉnh với dự án nhà ở tại TP Vĩnh Long, nhà ở chuyên gia công nhân thương mại và dịch vụ Khu CN Bình Minh.

Ngoài ra, lĩnh vực thương mại- du lịch cũng có những điểm nhấn đáng kể. Chẳng hạn, phối hợp tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, tạo điều kiện cho Siêu thị Co.opmart tổ chức 30 chuyến bán hàng lưu động.
 
Cùng tổ chức Hội chợ triển lãm thương mại hữu nghị Kampong Speu- Vĩnh Long 2012 tại Campuchia. 2 địa phương đã trao đổi kinh nghiệm trong quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch, cung cấp thông tin các dự án du lịch và khuyến khích các DN đến tìm hiểu đầu tư.

Hợp tác, liên kết- DN đóng “vai” chính

Ông Nguyễn Văn Diệp- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- cho rằng: “TP Hồ Chí Minh sẽ là lựa chọn ưu tiên của các DN, tổ chức, cá nhân ở các tỉnh- thành vùng ĐBSCL trong việc hợp tác phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu”.

Hơn nữa, hy vọng cộng đồng DN cảm nhận và thấy được sự quyết tâm, cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo 13 tỉnh- thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh trong liên kết, hợp tác cùng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định và thuận lợi cho DN đến đầu tư trên tinh thần các bên đều có lợi.


Vĩnh Long có lợi thế mặt hàng nông- thủy sản và mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ chế biến nhằm tăng giá trị các mặt hàng này.

Để tăng cường hợp tác phát triển kinh tế, bên cạnh nỗ lực khắc phục những hạn chế trong quá trình hợp tác, 2 địa phương chủ động phối hợp triển khai một số đề án liên kết, hợp tác phát triển cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.

Và quan trọng nhất là xem cộng đồng DN là lực lượng chủ thể đảm bảo hoạt động liên kết hiệu quả. Việc hợp tác được kỳ vọng thực hiện theo mức độ hợp tác từ thấp đến cao, đi vào trọng tâm, chiều sâu, hợp tác toàn diện phát huy thế mạnh và tối đa hóa lợi ích của 2 địa phương.

Vĩnh Long cũng đề xuất những giải pháp và kiến nghị với Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển kinh tế hướng đến tối đa hóa lợi ích của từng địa phương, toàn vùng và liên vùng. Trong đó, để tránh việc phát triển tự phát, rập khuôn, trùng lắp và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tỉnh- thành, Chính phủ cần tham gia tích cực trong việc tăng tính hợp tác và liên kết vùng, liên vùng với TP Hồ Chí Minh.

Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL còn khó khăn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhưng là nơi có sản lượng nông sản lớn, rất cần Chính phủ hỗ trợ, khuyến khích các DN từ TP Hồ Chí Minh đến đầu tư ở địa bàn nông thôn, đầu tư chế biến nông sản.

Bài, ảnh: LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh