Doanh nghiệp “ngộp” với giá tăng

07:12, 26/12/2013

Cuối năm, trong khi các doanh nghiệp (DN) đang chật vật tìm cách tiêu thụ được sản phẩm, tăng doanh thu thì mới đây việc giá gas, xăng và dầu đồng loạt tăng khiến DN khốn đốn…


Xăng tăng giá vào dịp cuối năm tác động không nhỏ đến hoạt động vận tải.

Cuối năm, trong khi các doanh nghiệp (DN) đang chật vật tìm cách tiêu thụ được sản phẩm, tăng doanh thu thì mới đây việc giá gas, xăng và dầu đồng loạt tăng khiến DN khốn đốn…

Năm 2013, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Theo nhiều DN, trong giai đoạn khó khăn hiện nay cộng thêm việc điện, xăng, dầu, gas tăng giá khiến các DN phải chịu sức ép từ chi phí đầu vào lẫn sức tiêu thụ.

Tính từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ gas đã tăng 7 lần. Gần đây nhất là ngày 1/12, giá bán lẻ gas trên thị trường bất ngờ tăng từ 70.000- 80.000 đ/bình 12kg. Như vậy, gas đến tay người tiêu dùng có giá từ 475.000- 485.000 đ/bình 12kg.

Thêm vào đó, ngày 18/12, xăng bất ngờ tăng 580 đ/lít. Trong năm 2013, giá xăng có 6 lần giảm và 5 lần tăng giá với tổng mức tiền giảm là 2.160 đ/lít, tổng số tiền tăng lên tới 3.200 đ/lít. Giá điện cũng nhảy theo, có lên nhưng không xuống. Từ tháng 12/2012 đến nay, giá điện đã tăng 2 lần, mỗi lần tăng 5%, hiện mức bình quân đang là 1.508,85 đ/kWh.

Trong bối cảnh sức mua còn yếu, việc điều chỉnh liên tiếp giá của một số nguyên- nhiên liệu, vật tư đầu vào đã tạo thêm áp lực cho DN. Không chỉ người dân thắt chặt chi tiêu trong gia đình, nhiều DN cũng gặp khó vì tăng giá điện, giá xăng, gas.

Giá điện tăng sẽ kéo theo giá nguyên liệu đầu vào và các khoản chi phí khác cũng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, tăng giá bán sản phẩm theo giá điện là việc không DN sản xuất nào mong muốn do giá bán sản phẩm là một trong những yếu tố cạnh tranh thị trường.
 
Và việc phải gánh thêm giá điện, giá xăng tăng khiến hàng hóa giảm sức cạnh tranh, DN sẽ khó khăn hơn trong việc giải quyết hàng tồn kho, phát triển sản xuất.

Theo ông Phan Thanh Hùng- Phó Giám đốc Xí nghiệp Xi măng 406 (phường Thành Phước- TX Bình Minh), tăng giá điện sẽ tác động trực tiếp đến hầu hết các DN sản xuất nhỏ và vừa. Đối với DN lớn, công nghệ hiện đại thì cầm cự khá hơn. Hiện hầu hết các khâu sản xuất của Xí nghiệp Xi măng 406 đều có sử dụng điện.
 
Kinh nghiệm của ông Phan Thanh Hùng là DN luôn chú trọng bố trí sản xuất vào giờ thấp điểm đồng thời phải đảm bảo hệ thống vận hành liên tục, hạn chế khởi động lại máy vì việc làm này sẽ tiêu tốn điện năng rất cao.

Nhiều DN kinh doanh sản xuất nhỏ cũng e ngại việc tăng giá điện gây sức ép làm tăng chi phí đầu vào, trong khi đó, đầu ra còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên DN chưa tính đến tăng giá sản phẩm do tình hình cạnh tranh trên thị trường khốc liệt, sức tiêu thụ sản phẩm còn chậm.

Trong tình hình này, nhiều DN đang phải tìm mọi cách để hoạt động sản xuất, kinh doanh, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng. Anh Trần Văn Quý- Giám đốc Marketing DN Chế biến thực phẩm Đại Phát (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: Chủ động được nguồn nguyên liệu nhưng vẫn còn chịu thiệt phần nào phí vận chuyển.
 
Dù vậy, DN không dám tăng giá để giữ mối khách hàng. Có rục rịch về giá là khách hàng lên tiếng liền. Năm nay, tình hình kinh doanh khả quan hơn nhưng cuối năm bị nhiều đợt tăng giá đồng loạt khiến DN không còn lời nhiều.

Chị Phan Kim Hoàn- cơ sở sản xuất nước rửa chén Chín Rồng (Phường 5- TP Vĩnh Long) cho hay: Việc tăng giá xăng đã ảnh hưởng phần nào đến việc vận chuyển, sản xuất. Do chủ động tích cực tham gia hội chợ ở các nơi nên phí vận chuyển lại tăng thêm.


Chưa hết sốc khi giá gas bất ngờ tăng thì nay đến lượt xăng làm giá.

Là một đơn vị sản xuất, hầu hết các khâu vận hành của Công ty Liên doanh Xi măng Việt Hoa (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) đều liên quan đến điện, xăng dầu.

Ông Lương Thanh Bình- Giám đốc Điều hành công ty cho biết: Chi phí xăng dầu ở khâu vận chuyển nguyên liệu, xuất bán sản phẩm của DN khá lớn, do đó khi mặt hàng này tăng giá khiến giá thành sản xuất tăng lên, riêng khâu vận chuyển thì giá thành sản xuất mỗi bao xi măng đã tăng lên vài ngàn đồng. Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh thì giá bán luôn được giữ vững. Điều này đã tạo sức ép không nhỏ lên DN.

Ông Nguyễn Văn Toàn- DNTN Lê Toàn (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) kinh doanh xăng dầu gas, vật tư nông nghiệp cho biết: Giá xăng tăng làm bất ngờ chưa chuẩn bị vốn kịp để nhập hàng. Giờ một chuyến hàng vận chuyển 7.000 lít phải cơi lên thêm vài triệu đồng.

Xăng, dầu, điện, gas là năng lượng thiết yếu đối với người dân và là năng lượng đầu vào của DN. Giá các loại nhiên liệu này tăng ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu của người dân và chi phí sản xuất của DN.

Theo nhiều DN, trong giai đoạn khó khăn hiện nay cộng thêm việc điện, xăng, dầu, gas tăng giá khiến các DN phải chịu sức ép từ chi phí đầu vào lẫn sức tiêu thụ.

Bài, ảnh: THÀNH LONG- THẢO NGUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh