Đây là sự hợp tác nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng tính phong phú, đặc sắc cũng như làm thế nào để các chương trình tour mang được chất tinh túy, hồn cốt của đời sống cư dân vùng hạ lưu sông Mekong; tôn vinh giá trị tinh thần, những di sản phi vật thể, tạo nên sự khác biệt, độc đáo của các sản phẩm du lịch giữa các địa phương?
Ao Bà
Đây là sự hợp tác nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng tính phong phú, đặc sắc cũng như làm thế nào để các chương trình tour mang được chất tinh túy, hồn cốt của đời sống cư dân vùng hạ lưu sông Mekong; tôn vinh giá trị tinh thần, những di sản phi vật thể, tạo nên sự khác biệt, độc đáo của các sản phẩm du lịch giữa các địa phương?
Giàu tiềm năng, nghèo sản phẩm
Theo ông Trần Duy Phương- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) Bến Tre, tiềm năng du lịch nơi đây đa dạng và phong phú về cảnh quan thiên nhiên, cũng như tập quán sinh hoạt của cư dân địa phương, với các sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử cách mạng.
Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh của cụm vẫn chưa khai thác đúng mức và hiệu quả, sự đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế tỉnh còn thấp.
“Nhìn lại hơn 10 năm qua, việc phát triển du lịch các tỉnh trong cụm bộc lộ nhiều hạn chế, còn bất cập trên nhiều phương diện như: cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất vừa mới đầu tư, quy mô nhỏ; sản phẩm du lịch chưa phong phú, còn đơn sơ; chất lượng sản phẩm thấp, nguồn nhân lực còn yếu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở một số địa phương chưa được xem trọng. Đặc biệt, việc quảng bá ra nước ngoài chưa thực hiện được”- ông Phương cho biết.
Tát mương bắt cá ở vườn mận Ngọc Lý (Vĩnh Long).
Cho đến nay, chúng ta phải nhìn nhận rằng, hiệu quả du lịch của cụm còn thấp. Trong năm 2012, cụm chỉ đón được 1,7 triệu lượt khách nội địa so với 17,8 triệu lượt khách nội địa vùng ĐBSCL và chỉ khoảng 1,1 triệu lượt khách quốc tế.
Tính đến năm 2012, cụm duyên hải phía Đông có 73 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Trong đó, có 24 lữ hành quốc tế, 385 cơ sở có dịch vụ lưu trú với 837 phương tiện vận chuyển đường thủy (337 đò chèo) và 316 hướng dẫn viên du lịch (151 hướng dẫn viên du lịch quốc tế). |
Ông Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư- thương mại và du lịch tỉnh Tiền Giang- cho rằng: Nguyên nhân chính là chưa tạo được sự liên kết, mạnh ai nấy làm.
Điểm dễ nhận thấy là các công ty du lịch ở đây chỉ mới tập trung vào các nội dung tham quan, chưa tạo điều kiện tốt cho các hoạt động tiếp cận văn hóa của du khách, thực sự tiếp cận hòa nhập vào đời sống của cư dân địa phương, cũng như các dịch vụ khác.
Còn ông Lưu Hoàng Minh- Giám đốc Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long thì cho rằng: Chương trình phục vụ du khách gần đây, tuy đã được sự đầu tư, chăm chút, có đặc sắc nhưng vẫn trùng lắp, dễ gây nhàm chán, nên thời gian lưu giữ du khách ở lại phổ biến là 1 ngày đêm chứ không hơn…
Mối liên kết chiều sâu
Chỉ rõ được những yếu kém, chính là “bắt mạch” đúng căn bệnh mạn tính của du lịch hiện nay. Và một trong những “phương thuốc” khả dĩ, mang lại sức sống mới cho ngành chính là mối liên kết được phân chia theo từng cụm nhỏ, nhằm phát huy hết thế mạnh đặc thù của từng địa phương.
Việc liên kết hoạt động du lịch giữa 4 tỉnh, sẽ tạo điều kiện để mỗi địa phương phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế của từng tỉnh; học tập trao đổi kinh nghiệm; phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch; nối dài tuyến du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Từ đó, ngành du lịch 4 tỉnh mới tạo thêm sức mạnh tổng hợp đưa ngành du lịch của cụm nói chung và mỗi tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Để làm được điều đó, Sở VH, TT và DL tỉnh Bến Tre đề xuất: Cần tập trung vào việc quản lý nhà nước, xúc tiến kêu gọi đầu tư, quảng bá du lịch, liên kết nối tuyến, nối tour du lịch của các doanh nghiệp lữ hành.
Sông nước Cái Bè (Tiền Giang).
Còn theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư- thương mại và du lịch tỉnh Tiền Giang, 4 tỉnh cần thống nhất chương trình hợp tác phát triển du lịch; các sở VH, TT và DL cần trao đổi, thảo luận sâu để cùng xây dựng chương trình xúc tiến quảng bá du lịch.
Các trung tâm phải tiến hành khảo sát, lấy ý kiến các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn của 4 tỉnh để làm căn cứ đáp ứng nhu cầu của các đơn vị này. Đồng thời, thành lập tiểu ban xúc tiến quảng bá du lịch của 4 tỉnh để phục vụ cho việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước…
Theo dự báo, đến năm 2015, nhu cầu nhân lực trong ngành du lịch ĐBSCL cần khoảng 128.000 lao động; đến năm 2020 là 208.000 người. Song, thực tế trong năm 2012- 2013, toàn vùng chỉ có 23.509 người làm nghề du lịch, chỉ chiếm 18% so với nhu cầu năm 2015 và 11% đến năm 2020. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin