Góp phần chuyển dịch kinh tế ở nông thôn

06:11, 07/11/2013

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, từ khi thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP (NĐ 41) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN-NT), tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay NN-NT theo NĐ 41 hàng năm đều cao hơn dư nợ tín dụng chung của toàn tỉnh; góp phần tác động chuyển dịch kinh tế NN-NT và đời sống người dân.


Những năm qua, nguồn vốn cho NN-NT đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi bộ mặt NT.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, từ khi thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP (NĐ 41) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN-NT), tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay NN-NT theo NĐ 41 hàng năm đều cao hơn dư nợ tín dụng chung của toàn tỉnh; góp phần tác động chuyển dịch kinh tế NN-NT và đời sống người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, UBND tỉnh đã có Chỉ thị 18 ngày 27/8/2010 về đẩy mạnh cho vay NN-NT. NHNN tỉnh đã ban hành Văn bản 743 ngày 7/10/2010 chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) lập kế hoạch cho vay phát triển NN-NT.

Đầu tư tín dụng phục vụ NN-NT

Theo NHNN tỉnh, mục tiêu chính sách tín dụng của ngành NH nói chung và của Vĩnh Long nói riêng luôn ưu tiên đầu tư phát triển NN-NT, quan tâm chỉ đạo các TCTD mở rộng đầu tư về NT.

Trong đó, vai trò chủ đạo là NHTM nhà nước đã thực hiện đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tín dụng ở NT, cho vay hầu hết các nhu cầu vốn hợp lý và đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng trong lĩnh vực NN-NT. Từ đó, tạo thuận lợi để tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở nông thôn tiếp cận vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Điều này thể hiện qua doanh số cho vay giai đoạn 2010- 2013 đạt 24,75%/năm, tăng hơn gấp đôi giai đoạn 2005- 2010 (chỉ 10,68%).
 
Nguồn vốn được đầu tư vào sản xuất NN, thủy sản, sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ NN, thủy sản… đến tháng 8/2013, dư nợ cho vay NN-NT theo NĐ 41 đạt 6.844 tỷ đồng, tăng gần 64% so cuối năm 2010, chiếm hơn 46%/tổng dư nợ toàn tỉnh với 176.955 khách hàng còn dư nợ, so với cuối năm 2010 tăng 26.468 khách hàng.
 
Ước đến cuối năm 2013, đạt 7.200 tỷ đồng, tăng hơn 72% so với cuối năm 2010, tốc độ tăng trưởng dư nợ hàng năm giai đoạn 2010- 2013 là 19,9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung và cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay NN-NT hàng năm giai đoạn 2005- 2010 (chỉ 13,9%).

Một số lĩnh vực cho vay chính như: sản xuất nông- ngư nghiệp dư nợ là 2.650 tỷ đồng chiếm hơn 38%; cho vay chế biến, tiêu thụ nông- thủy sản là 1.359 tỷ đồng chiếm gần 20%; cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi NN là 659 tỷ đồng chiếm hơn 5,2%.

Trong đó, một số sản phẩm chủ yếu trong NN như cho vay thu mua lúa gạo xuất khẩu; nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản; mua máy móc, thiết bị, vật tư NN, nhà ở NT và giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản, thủy sản…

Để NĐ 41 tác động sâu rộng

Đánh giá của NHNN tỉnh Vĩnh Long cho thấy, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay NN-NT theo NĐ 41 hàng năm đều cao hơn dư nợ tín dụng chung của toàn tỉnh. Tỷ trọng dư nợ cho vay NN-NT/tổng dư nợ tăng đều qua các năm. Ví dụ, năm 2010 là 42%, năm 2012 tăng lên 48% và đến tháng 8/2013 tăng lên 49,8%, trong đó dư nợ cho vay theo NĐ 41 chiếm 94%.

Mạng lưới giao dịch của các chi nhánh TCTD phát triển mạnh và đều khắp về địa bàn các huyện. Đến nay, có 59 điểm giao dịch của các TCTD tại các huyện, bình quân 1,5 xã có 1 điểm giao dịch của NH phục vụ. Giúp người dân và các doanh nghiệp ở NT tiếp cận được nhiều dịch vụ NH nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Cùng với đó, lãi suất cho vay lĩnh vực NN-NT được điều chỉnh giảm từ 16- 19%/năm vào cuối năm 2011, xuống ở mức 9%/năm từ ngày 28/6/2013. Việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân qua giảm lãi suất các khoản cho vay cũ, cơ cấu lại nợ được các TCTD thực hiện tốt.

Trong đó, vai trò chủ đạo là hệ thống NHTM nhà nước như NH NN và PTNT, NH TMCP Công thương, NHTM CP Ngoại thương…

Bên cạnh, nhiều NH TMCP tham gia tích cực như NH TMCP Sài Gòn Thương tín, NH TMCP Kỹ thương, NH TMCP Sài Gòn… đã giúp cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình giảm áp lực về tài chính để trả nợ NH và có điều kiện tiếp cận nguồn vốn mới với lãi suất thấp hơn.

Kết quả đáng chú ý của việc cung ứng vốn cho NN-NT, là đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở NT, công nghiệp hóa và hiện đại hóa NN-NT của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân và từng bước làm thay đổi bộ mặt NT, xóa đói, giảm nghèo (hơn 5.000 hộ thoát nghèo).

Ngoài ra, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ ngành NN theo hướng sản xuất hàng hóa, dịch vụ đa dạng, nhiều mô hình kinh tế tổng hợp, kinh tế trang trại, cánh đồng mẫu lớn hiệu quả ra đời và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đã tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu trong NN có giá trị như: gạo, thủy sản, trái cây…

Tuy đạt những kết quả nhất định, nhưng tín dụng trong lĩnh vực NN-NT vẫn chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế. Sức hấp thụ vốn trong NN-NT còn thấp, chưa có nhiều dự án nên chưa tạo được sức bật về tăng trưởng tín dụng.

Do đó, NHNN Vĩnh Long cho rằng, trong đầu tư NN cần có sự phối hợp đồng bộ, liên kết giữa sản xuất, chế biến và đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, các NHTM cần nghiên cứu các sản phẩm tín dụng cho khách hàng liên kết thực hiện chuỗi sản phẩm như cung cấp thức ăn, nuôi trồng, chế biến sản phẩm trong NN, thủy sản nhằm khép kín quy trình đầu tư tín dụng.

Các ngành liên quan, cần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là lúa, gạo, thủy sản và các loại hàng hóa có giá trị khác như hàng thủ công, gốm mỹ nghệ để người dân và doanh nghiệp an tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm NN, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa sản xuất, tiêu thụ và chế biến đảm bảo phát triển bền vững.

Đồng thời, NHNN tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi cơ chế để nông dân sản xuất NN ở những địa bàn không phải NT theo NĐ 41 vẫn được hỗ trợ.
 
Sửa đổi NĐ 41 theo hướng bổ sung thêm đối tượng được vay vốn là doanh nghiệp có ký kết và thực hiện các hợp đồng chế biến các sản phẩm từ NN hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, cung ứng dịch vụ phi NN (không phân biệt địa bàn hoạt động).
 
Sửa đổi quy định theo hướng máy móc phục vụ NN trong nước hay do nước ngoài sản xuất đều được hỗ trợ lãi suất để tách bạch chính sách hỗ trợ sản xuất NN với chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Có chính sách hỗ trợ liên kết thực hiện chuỗi sản phẩm trong NN…

Dư nguồn vốn cho vay

Số dư huy động vốn đến cuối tháng 8/2013 đạt 15.758 tỷ đồng, tăng 67% so với cuối năm 2010.
 
Tốc độ tăng tưởng giai đoạn 2010- 2013 tăng bình quân 19,34%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng nên các TCTD trên địa bàn từng bước chủ động được nguồn vốn để cho vay và luôn đảm bảo không thiếu nguồn vốn đối với nhu cầu cho NN-NT.

Cuối năm 2009, vốn huy động địa bàn chỉ đáp ứng 63,17% dư nợ cho vay, nhưng đến cuối tháng 8/2013 đã đáp ứng được 108% dư nợ cho vay, có nghĩa các TCTD dư nguồn vốn cho vay.


Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

 


 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh