Họ là những người gắn bó tâm huyết với làng nghề. Gặp khó khăn, họ tìm tòi đổi mới công nghệ, kiên trì cùng làng nghề vượt khó. Đặc biệt, họ luôn giữ vững niềm tin: làng nghề gạch gốm Vĩnh Long sẽ phát triển, vươn xa.
Làng gạch gốm Vĩnh Long đang trong quá trình chuyển đổi công nghệ
để tồn tại và phát triển. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Họ là những người gắn bó tâm huyết với làng nghề. Gặp khó khăn, họ tìm tòi đổi mới công nghệ, kiên trì cùng làng nghề vượt khó. Đặc biệt, họ luôn giữ vững niềm tin: làng nghề gạch gốm Vĩnh Long sẽ phát triển, vươn xa.
Tình yêu sâu sắc với làng nghề
Vào nghề từ năm 1987, ông Bùi Hữu Mai- Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai (Mang Thít)- cơ sở đã chuyển đổi công nghệ thành công với lò nung liên hoàn, đang được triển khai nhân rộng- cho biết:
“Đã có lúc tôi phải làm thêm nhiều nghề nhỏ lẻ khác để “nuôi” gạch gốm nhưng không nản lòng. Tôi đã đi nhiều nơi như Úc, Trung Quốc và các nước Châu Âu… để tìm hiểu thị trường, học hỏi công nghệ rồi so sánh với công nghệ mình. Từ đó, cải tiến công nghệ nhưng vẫn giữ được cái gốc, nền tảng truyền thống”.
Ông Mai cho biết thêm, hiện doanh nghiệp đang hoạt động ở 2 lĩnh vực chính là may mặc và sản xuất gạch, gốm. Trong đó, gạch tiêu thụ nội địa, gốm xuất khẩu. “Lò nung liên hoàn có thể nung đa dạng sản phẩm gạch và gốm. Hiện cơ sở đã thử nghiệm nung gốm thành công, cho ra những sản phẩm đầu tiên”- ông Mai phấn khởi.
Nhiều lần gặp khó nhưng chưa bao giờ vương quốc gạch lại suy tàn như lúc này, số lò ngưng hoạt động lên đến 70% (từ 1.082 cơ sở sản xuất gạch, ngói với 2.284 miệng lò và 45 cơ sở sản xuất gốm với 380 miệng lò, nay chỉ còn 334 cơ sở (737 miệng lò) hoạt động cầm chừng). Tình cảnh đó khiến nhiều người con tâm huyết nhất của làng nghề cũng nao lòng.
Là một trong “bộ ba” (Ba Nghĩa, Ba Khiêm, Sáu Lộc) từng đi đến Bình Dương để tìm hiểu công nghệ mới cho làng gốm, anh Ba Khiêm (Hồ Hữu Lộc)- chủ Doanh nghiệp Mỹ Đức Hưng trầm ngâm: “Làng gạch gốm đã qua nhiều thăng trầm nhưng khó khăn lần này thật sự đã làm nhiều doanh nghiệp đuối sức, không trụ được nữa”.
Doanh nghiệp anh cũng gặp không ít khó khăn: “Từ đầu năm nay, cơ sở phải thu hẹp quy mô sản xuất. Từ 12 lò (sản lượng sản xuất khoảng 170.000– 180.000 sản phẩm/năm) hiện chỉ còn hoạt động 8 lò. Đơn đặt hàng so với cùng kỳ giảm một nửa”.
Dù vậy, khi chúng tôi hỏi về định hướng sắp tới, anh cho biết: “Cơ sở đang sắp xếp lại sản xuất, xây dựng đề án cải tiến công nghệ, dự kiến đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống lò nung liên hoàn với 10 buồng.
Hướng tới, sau khi cải tiến công nghệ, anh dự kiến nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới là gốm men trên đặc điểm nguyên liệu đất đỏ của Vĩnh Long để đa dạng dòng sản phẩm, nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Anh cũng cho biết thêm, hiện đã vào mùa gốm, đơn hàng đến cuối năm khoảng 20.000 sản phẩm. Dự kiến sản lượng sản xuất cả năm đạt 50.000 sản phẩm.
Bà Hồ Thị Thắm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long cho biết: “Ngoài những tên tuổi quen thuộc như Ba Nghĩa, Ba Khiêm, Sáu Lộc… là những người nghiên cứu công nghệ gốm đầu tiên. Nhiều anh em khác trong hội rất gắn bó với nghề, khó khăn thế nào cũng không nản lòng”.
Niềm tin mãnh liệt
Bà Thắm nói: “Anh em có tâm huyết đều rất tin tưởng vào tương lai làng gạch gốm. Có anh em vì quá khó, cơ sở phải ngưng hoạt động nhưng gặp tôi vẫn đinh ninh “Nhất định có một ngày ngành gạch gốm phục hồi tốt”.
Ông Bùi Hữu Mai thì nói: Nhiều người định bỏ nghề nhưng có công nghệ mới, họ đang ngấp nghé trở lại. Hiện tôi đã nhận được trên 30 đơn gửi ngành công thương xin chuyển đổi. Theo ông, làm ăn thịnh suy là chuyện thường tình. Khó khăn thì cũng vượt qua được thôi. Quan trọng là cần có ý chí, đủ bản lĩnh, luôn tìm tòi đổi công nghệ mới phù hợp, chuyển đổi đúng thời điểm.
Cũng theo ông Mai, với lò nung liên hoàn, sắp tới không chỉ có gốm xuất khẩu mà sẽ phát triển thêm gốm nội địa, gốm dành cho du lịch hoặc gốm tráng men trên nền đất đỏ. Những ý tưởng sản phẩm này đã có từ lâu nhưng do công nghệ cũ chưa làm được, giờ xem như cơ hội đang tới.
Sinh ra và lớn lên ở làng nghề, anh Bùi Văn Phước- chủ DNTN Chín Phước (sản xuất gạch) cho biết, đa số người làng nghề đều gắn bó mấy đời. Riêng anh, trước làm nghề mua bán gạch, 1990 mới chuyển qua sản xuất.
“Hơn 20 năm gắn bó, tôi luôn tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất sản phẩm phù hợp nhu cầu. Tôi rất yêu nghề này, sắp tới con tui cũng nối nghiệp cha”- anh Phước nói.
Anh cũng cho biết thêm: Cơ sở hiện có 5 lò với 30 công nhân, bình quân sản xuất 7.000– 8.000 sản phẩm/ngày (gạch ống, gạch thẻ). Trước tình hình giá nguyên liệu, nhân công tăng cao trong khi giá bán không tăng do chịu sự cạnh tranh của sản phẩm gạch nung các tỉnh, anh mạnh dạn đầu tư 1,3 tỷ đồng chuyển đổi công nghệ lò nung liên hoàn.
Hệ thống lò nung 14 buồng đã đi vào hoạt động 3 tháng, công suất 12.000 sản phẩm/ngày. Nhờ rút ngắn chu kỳ nung gạch nên cơ sở của anh giảm được giá thành sản phẩm, cạnh tranh được với gạch các tỉnh. Sản phẩm sản xuất được tiêu thụ mạnh trong và ngoài tỉnh.
Hướng tới, anh tiếp tục đầu tư thêm 1 hệ thống lò nung nữa để duy trì và phát triển nghề truyền thống, góp phần khôi phục thương hiệu gạch Vĩnh Long.
Anh Ba Khiêm cho rằng, để ngành gốm đỏ Vĩnh Long duy trì và phát triển, cùng với nỗ lực đổi mới của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và thông tin thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Chị Hương- chủ một cơ sở gạch vui vẻ: Hễ rảnh rảnh là tui chạy qua cơ sở anh Mười Mai học hỏi cách chuyển đổi công nghệ mới liền. Nhiều người nói vui là tui “mê nghề hơn mê… chồng”. Theo ông Mai, luôn học hỏi chuyển giao công nghệ và cân đối cung cầu… Tin rằng, ngành gạch gốm của Vĩnh Long sẽ tồn tại và phát triển lâu dài.
Ông Bùi Hữu Mai- Công ty TNHH Tân Mai
“Luôn học hỏi chuyển giao công nghệ và cân đối cung cầu… Tin rằng, ngành gạch gốm của Vĩnh Long sẽ tồn tại và phát triển lâu dài”.
Ông Bùi Văn Phước- DNTN Chín Phước
“Hơn 20 năm gắn bó, tôi luôn tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất sản phẩm phù hợp nhu cầu. Tôi rất yêu nghề này, sắp tới con tui cũng nối nghiệp cha”.
Ông Hồ Hữu Lộc- Doanh nghiệp Mỹ Đức Hưng
Để ngành gạch gốm duy trì và phát triển, cùng với nỗ lực đổi mới của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, thông tin thị trường và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
|
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin