Khó khăn xử lý nợ thuế

01:10, 03/10/2013

“Cơn bão” suy thoái đã tràn qua làng nghề gạch- gốm và tác động lớn đến các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực này. Sản xuất khó khăn, DN nợ thuế lại ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu ngân sách.

“Cơn bão” suy thoái đã tràn qua làng nghề gạch- gốm và tác động lớn đến các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực này. Sản xuất khó khăn, DN nợ thuế lại ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu ngân sách.


Cỏ đã mọc trên những miệng lò- khó khăn của làng gạch, gốm vẫn còn đó.

Sản xuất khó khăn, DN nợ thuế

Theo báo cáo của UBND huyện Mang Thít, tính đến ngày 31/8/2013, tổng nợ đọng thuế của DN ngoài quốc doanh đã lên trên 49,5 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở DN gạch- gốm, đóng tàu, trong đó có trên 22,5 tỷ đồng được xác định là nợ khó thu. Số nợ thuế trên bao gồm 35 tỷ đồng nợ gốc và trên 14 tỷ đồng là tiền phạt chậm nộp. Cứ sau 1 năm thì số tiền phạt này tăng thêm 2 tỷ đồng.

Ngay cả con số 23,9 tỷ đồng được cho là số nợ có khả năng thu theo tiêu chí của Tổng cục Thuế, nhưng theo ngành thuế địa phương thì khả năng thu lại rất thấp bởi hầu hết các DN đều hoạt động cầm chừng, có DN đã “chết lâm sàng” nhưng không làm thủ tục phá sản.

Do đó, số nợ thuế khó thu thực tế sẽ phải cộng thêm trên 15 tỷ đồng tại 57 DN, hộ khấu trừ. Riêng số nợ thuế có khả năng thu thật sự chỉ khoảng 4 tỷ đồng tại 179 DN, hộ khấu trừ.

Chia sẻ khó khăn này, thời gian qua huyện Mang Thít cũng đã thực hiện các chính sách giãn, giảm thuế cho DN. Tuy nhiên, đến nay số thuế được gia hạn còn ở mức khiêm tốn, khoảng 3,9 tỷ đồng.

Còn tại Long Hồ, số nợ đọng thuế 6 tháng đầu năm nay trên 20,5 tỷ đồng và một nửa trong số đó là nợ khó thu. Đến nay, việc giãn, giảm thuế cũng chỉ được thực hiện khoảng 600 triệu đồng. Toàn huyện hiện có khoảng 300 DN, nhưng tỷ lệ kê khai nộp thuế chỉ khoảng 30%.

Trong khi nguồn thu ngày càng hạn hẹp thì những ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế đã tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách.

Theo ông Nguyễn Văn Phích- Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Long Hồ: DN gạch- gốm cũng nằm trong danh sách khó thu nợ thuế. Do tình hình xuất khẩu khó khăn nên số thu thuế từ một số DN lương thực trên địa bàn cũng đã giảm đáng kể, sau mỗi năm thì số tiền thu thuế từ các DN này lại giảm đi một nửa.

Đáng kể nhất là sự xuất hiện của các DN “ma” thực tế không sản xuất kinh doanh mà chỉ mua bán hóa đơn. Khi bị phát hiện thì các DN này bỏ trốn, để lại khoản nợ thuế chiếm khoảng 80% trong tổng số nợ thuế khó thu.

Khó khăn xử lý nợ thuế

Nhằm giải quyết những khó khăn trong xử lý nợ thuế, thời gian gần đây, các địa phương đã thành lập BCĐ chống thất thu thuế và xử lý nợ thuế. Theo đó, sau khi đã thực hiện các bước tuyên truyền pháp luật về thuế đến người nộp thuế, khảo sát tận cơ sở các DN có nợ thuế cũng như thông báo đôn đốc thu nợ thuế, ngành chuyên môn sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế. Cụ thể, đối tượng bị cưỡng chế sẽ bị trích tiền từ tài khoản, khấu trừ tiền lương hoặc tiền công, thu nhập, thực hiện kê biên bán đấu giá tài sản hay đình chỉ sử dụng hóa đơn. Trình tự pháp lý là vậy nhưng kết quả bước đầu cho thấy vẫn chưa có tín hiệu lạc quan trong việc giải tỏa những khoản nợ này.

Ông Trương Thành Phi- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít, cho biết: Khi các tổ vận động thu nợ thuế đến khảo sát tại các cơ sở có nợ thuế thì chỉ có khoảng 1/5 đơn vị có thông tin phản hồi, số còn lại không tiếp xúc hoặc cửa đóng then cài vì phải bỏ nhà đi nơi khác làm ăn để tránh nợ.


Hiện các lò gạch chỉ hoạt động 20% công suất.

Khảo sát mới đây tại các cơ sở sản xuất gạch- gốm của huyện, trong số các lò còn hoạt động thì hiện chỉ vận hành 20% công suất. Từ 48 DN sản xuất gốm xuất khẩu thì nay chỉ còn 12 DN hoạt động cầm chừng, 10 DN đóng tàu đã ngưng hoạt động, hiện chỉ còn 2 DN sửa chữa nhỏ.

Từ thực tế trên cho thấy, phần đông các DN đã kiệt quệ, không còn khả năng phục hồi sản xuất bởi những khoản nợ chất chồng. Do đó, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN xem như bế tắc.

Những khó khăn trong cưỡng chế thu hồi nợ thuế được nhìn nhận là do hầu hết các DN có tài sản đều đã thế chấp ngân hàng để vay vốn. Trong khi DN nợ thuế luôn thay đổi tài khoản giao dịch ở ngân hàng và thực hiện hóa đơn bán hàng dưới 20 triệu đồng nên khó áp dụng các biện pháp xử lý.
 
Ngành thuế cũng đã áp dụng biện pháp đình chỉ sử dụng hóa đơn đối với DN nợ thuế nhưng khi đó DN lại làm đơn tạm ngưng hoạt động và không chấp hành thanh toán nợ thuế.

Ở một góc nhìn khác, ông Trương Thành Phi cho rằng: Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế đúng về lý nhưng cần cân nhắc đến hiệu quả của việc làm này. Bởi các chính sách giãn, giảm thuế chưa giúp DN kịp phục hồi sản xuất thì việc cưỡng chế thu hồi nợ thuế nhiều khả năng đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của DN.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh