Lãi suất cho vay và vấn đề tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp

02:09, 26/09/2013

Mặc dù lãi suất cho vay giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng (NH), ít DN vay được vốn với lãi suất thấp. Để đạt được “những chuyển biến đáng kể” trong tiếp cận vốn, thì phải có sự chung sức của nhiều ngành và chính sự nỗ lực của DN.


DN không có phương án vay vốn khả thi, thiếu các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thì NH rất khó cho vay vì rất dễ dẫn đến rủi ro.
Ảnh minh họa: LÝ AN

Mặc dù lãi suất cho vay giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng (NH), ít DN vay được vốn với lãi suất thấp. Để đạt được “những chuyển biến đáng kể” trong tiếp cận vốn, thì phải có sự chung sức của nhiều ngành và chính sự nỗ lực của DN.

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ, trong 7 tháng đầu năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành nhiều thông tư điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhằm giúp các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí huy động vốn để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.

Lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao) và cho vay phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng chế biến thủy sản theo chỉ đạo của Chính phủ cũng được NHNN điều chỉnh giảm từ 12%/năm (5 lĩnh vực ưu tiên) và 11%/năm (đối với chăn nuôi, thủy sản) ở đầu năm xuống còn 9%/năm.

Đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với DN và hộ dân trong vòng 3 năm qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù lãi suất cho vay giảm mạnh nhưng các DN gặp nhiều khó khăn tiếp cận vốn NH, ít DN vay được vốn với lãi suất thấp.

Theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, doanh số cho vay trong 7 tháng đầu năm 2013 của tỉnh đạt 21.307 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước 5.599 tỷ (+31,26%). Trong đó, các DN vay 8.821 tỷ, chiếm 41,39% trong tổng doanh số cho vay.

Dư nợ cho vay toàn địa bàn đến cuối tháng 7 đạt 14.462 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 1.108 tỷ đồng (+8,3%), tăng 7,4 điểm % so với cùng kỳ năm 2012 (dư nợ cho vay 7 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 0,9% so đầu năm), trong đó dư nợ cho vay DN chiếm 52%.

Tỷ trọng dư nợ lãi suất từ 13%/năm trở xuống so với tổng dư nợ tại các NHTM tăng từ 39,93% (đầu năm) lên 82,44% vào cuối tháng 7/2013 (kể cả cho vay mới và dư nợ cũ được điều chỉnh giảm lãi suất), trong đó dư nợ lãi suất đến 10%/năm là 3.011 tỷ đồng (27%).

Nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn cho biết, thời gian qua các NH đã nỗ lực trong việc tìm kiếm khách hàng nhằm mở rộng tín dụng kể cả đưa ra một số chương trình tín dụng ưu đãi; thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ và tiếp tục cho vay mới với lãi suất 9%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, chương trình cho vay chăn nuôi, thu mua, tạm trữ lương thực để hỗ trợ DN và giảm bớt rủi ro do đọng vốn.

Tuy nhiên, giảm lãi suất cho vay chỉ là một nhân tố giúp DN tiếp cận vốn NH với chi phí thấp hơn để giảm bớt khó khăn, còn nhân tố quyết định DN có khả năng tiếp cận vốn tín dụng hay không phụ thuộc vào năng lực quản lý, điều hành, kết quả hoạt động của bản thân DN và các nhân tố về thị trường mà trọng tâm là đầu ra của sản phẩm.

Hiện một thị trường mà hoạt động sản xuất trầm lắng là do sức mua giảm sút và đầu ra bế tắc, kinh tế phục hồi chậm, DN không có phương án vay vốn khả thi, thiếu các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thì NH rất khó cho vay vì nếu cho vay sẽ rất dễ dẫn đến rủi ro.

Đối với nền kinh tế hiện nay vừa phải thúc đẩy đầu tư đồng thời với tăng chi tiêu, nhưng một mình hệ thống NH không thể tạo ra được những chuyển biến đáng kể mà phải là sự chung sức của nhiều ngành và sự nỗ lực giải quyết khó khăn của chính các DN (nâng cao năng lực quản trị điều hành, cơ cấu lại tài chính, tài sản, quy mô hoạt động; tìm kiếm nguồn vốn, thị trường,…)
 
Đứng trên góc độ khác, NHTM cũng là một DN và nguồn vốn hoạt động của NHTM chủ yếu được hình thành từ nguồn vốn huy động của các tổ chức, dân cư.

Vì vậy, trong đầu tư tín dụng, NHTM cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật về nguyên tắc, điều kiện cho vay, giới hạn đảm bảo an toàn vốn và phải có trách nhiệm bảo toàn vốn cho các tổ chức, cá nhân gửi tiền tại ngân hàng (trả đủ tiền gốc và lãi cho người gửi tiền cùng các khoản chi phí khác).

Thực tế bài học từ hoạt động cho vay dưới chuẩn dẫn đến đổ vỡ các NH lớn có kinh nghiệm trên 100 năm hoạt động ở Mỹ vào năm 2008 làm cho kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong hoạt động của các NH Việt Nam. Sự an toàn trong hoạt động NH là góp phần đảm bảo cho huyết mạch của nền kinh tế được thông suốt và ổn định xã hội.

HẢI YẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh