Để hương bánh trung thu Vĩnh Long bay xa

06:09, 19/09/2013

Mùa Trung thu này, các cơ sở sản xuất bánh trung thu (BTT) ở Vĩnh Long vui hơn, bởi UBND TP Vĩnh Long vừa công bố 16 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2013. Trong đó, có 5 sản phẩm BTT, bánh ngọt của các cơ sở sản xuất bánh Tân Quang, Hải Ký và Vĩnh Xương (Phường 1).


Ông Trần Duy Linh với lò nướng điện vừa được đầu tư.

Mùa Trung thu này, các cơ sở sản xuất bánh trung thu (BTT) ở Vĩnh Long vui hơn, bởi UBND TP Vĩnh Long vừa công bố 16 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2013. Trong đó, có 5 sản phẩm BTT, bánh ngọt của các cơ sở sản xuất bánh Tân Quang, Hải Ký và Vĩnh Xương (Phường 1).

Nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở giữ vững công thức làm bánh gia truyền, thâm nhập sâu rộng thị trường… là mục tiêu của các cơ sở này đang hướng tới.

Giữ công thức gia truyền

Lớn lên ở Vĩnh Long, kế tục nghề làm bánh của cha vợ từ năm 1985, ông Trần Duy Linh- chủ Cơ sở Hải Ký cho biết: Từ làm thủ công, đã tìm tòi học hỏi, mạnh dạn cải tiến máy móc thiết bị: “Mỗi năm cải tiến một ít nhưng từ 2010 đến nay thì mạnh dạn đầu tư vốn để trang bị thêm các loại máy móc chuyên dùng như: lò nướng điện, máy xào nhân, đổ khuôn bánh bằng công nghệ dây chuyền... Tóm lại, từ nấu củi, than, gas, giờ thì hầu hết các khâu đều “điện hóa và tự động hóa”.

Bên cạnh đó, đội ngũ thợ thầy cũng được tập huấn, khám sức khỏe định kỳ. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra ngày càng đảm bảo vệ sinh, mẫu mã đẹp và tinh xảo hơn.

Cũng là nghề gia truyền, ông Lưu Chung Hiền- chủ Cơ sở sản xuất bánh Tân Quang gắn bó nghề làm bánh từ những năm còn chiến tranh “bưng sề đi bán”.

Ông cho biết: “Máy móc thiết bị đều đã được đầu tư thay thành máy sử dụng điện để tăng năng suất, cải tiến mẫu mã và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chẳng hạn, trước đây sử dụng máy nướng bằng gas 2 ngăn giờ thì chuyển sang máy tự động xài điện 16 ngăn, cũng trong 1 giờ nhưng sản phẩm làm ra nhiều gấp 8 lần. Riêng máy nướng bánh tây thì cơ sở cũng vừa đầu tư khoảng 80 triệu đồng mua máy nướng, công suất tăng gấp 3 lần so với máy cũ”.

Tương tự, chủ Cơ sở Vĩnh Xương Đinh Văn Khang cũng cho biết: “Các khâu làm bánh đã được trang bị máy móc hiện đại mấy năm nay. Riêng lò nướng điện hơn 200 triệu đồng cũng được đầu tư từ năm 2009”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện các khâu làm bánh đã được các cơ sở đầu tư máy móc hiện đại. Riêng chất lượng sản phẩm, các cơ sở đều cho biết: Có cải tiến nhưng trên cơ sở giữ vững công thức gia truyền.
 
Mấy chục năm gắn bó với nghề, ông Đinh Văn Khang khẳng định: Bánh Vĩnh Xương vẫn giữ nguyên mùi vị truyền thống. Ông Trần Duy Linh tâm huyết:

“Cơ sở luôn lắng nghe ý kiến khách hàng về những ưu khuyết điểm để có hướng điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, phải trên cơ sở giữ vững kiểu làm bánh truyền thống”. Ông Lưu Chung Hiền thì cho biết thêm, năm 2010 ông đã cải tiến bao bì bằng cách tăng cường số lượng chữ Việt, giảm chữ Tàu. Hương vị bánh cũng thay đổi để phù hợp hơn: “Nhân bánh cũng là các nông sản như: hạt sen, hạt dưa, đậu xanh, thịt heo, thịt gà… mua tại địa phương nhưng vị bánh thì có đậm đà hơn để phù hợp với người miền Tây”.

Thâm nhập thị trường sâu rộng

Theo ông Lưu Chung Hiền, ngoài thị trường trong tỉnh, sản phẩm bánh Tân Quang hiện có mặt ở Trà Vinh, Đồng Tháp, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh…

Các điểm này đều lấy bán trực tiếp, không qua trung gian nên người tiêu dùng có thể mua bánh với giá gốc. Bánh Hải Ký cũng đã đi ra Tiền Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh,… Chủ Cơ sở Vĩnh Xương thì nói: Bánh Vĩnh Xương đi khắp nơi trong ngoài tỉnh, thậm chí ra nước ngoài nhưng hầu hết là làm theo đơn đặt hàng chớ chưa tự do ra thị trường.

Nói về kế hoạch mở rộng sản xuất, phát triển thương hiệu, các cơ sở đều cho biết, đang mơ ước một dây chuyền công nghệ khép kín nhưng còn… ngán vốn và thiếu mặt bằng.

Ông Nguyễn Thanh Hà- Trưởng Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, Phó Chủ tịch Hội đồng bình xét sản phẩm cho biết: Đây là năm đầu tiên TP Vĩnh Long tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Có gần 30 cơ sở với trên 30 sản phẩm tham gia bình chọn. 16 sản phẩm được công nhận đều đạt điểm trung bình từ 70/100 điểm trở lên.

Ông Võ Hữu Xuân- Phó Trưởng Phòng Kinh tế thì cho biết: Sau khi công nhận sản phẩm tiêu biểu, phòng sẽ phối hợp với Sở Công thương Vĩnh Long đăng ký trang web cho các cơ sở để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường; hỗ trợ một phần kinh phí để các cơ sở trang bị thiết bị máy móc.

Bên cạnh, sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ xúc tiến thương mại (bằng cách tạo điều kiện để họ tham gia hội chợ), hỗ trợ đào tạo nguồn nhân công.


Bánh Vĩnh Xương được mang đến triển lãm tại buổi công bố sản phẩm tiêu biểu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hà, để giữ vững niềm tin cho khách hàng, các cơ sở phải xây dựng thương hiệu, nâng chất lượng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, trở thành sản phẩm đặc trưng của TP Vĩnh Long.

Ông Trần Duy Linh nói đơn giản: “Là người con của quê hương Vĩnh Long tui chỉ mong muốn sản phẩm mình làm ra có thể tiêu thụ mạnh tại quê nhà, đủ sức cạnh tranh và không bị các thương hiệu lớn khác tràn về lấn át”.
 
Ông cho biết thêm, chất lượng bánh do chính mình quyết định và người tiêu dùng luôn là giám khảo sáng suốt và công bằng nhất. Do đó, cơ sở luôn lắng nghe ý kiến khách hàng. Chiếc bánh nóng hổi ra đời cũng bắt nguồn từ đó.

Ông Nguyễn Văn Nhuần- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, Chủ tịch Hội đồng bình xét cho biết: Các sản phẩm đạt giải góp phần quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu TP Vĩnh Long, góp phần đấu tranh bài trừ sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm nhái gây tổn hại đến người tiêu dùng.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh