Kỳ vọng liên kết vùng

06:07, 04/07/2013

ĐBSCL giàu tiềm năng phát triển, nhưng vẫn là “vùng trũng” thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cải thiện môi trường đầu tư, tạo hình ảnh mới về vùng đất năng động, tăng cường hợp tác, liên kết vùng để khắc phục những yếu kém được kỳ vọng mở ra cơ hội cho các tỉnh ĐBSCL.


Là vựa trái cây, vựa thủy sản, vựa lúa của cả nước, nhưng ĐBSCL vẫn còn là “vùng trũng” thu hút đầu tư.

ĐBSCL giàu tiềm năng phát triển, nhưng vẫn là “vùng trũng” thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cải thiện môi trường đầu tư, tạo hình ảnh mới về vùng đất năng động, tăng cường hợp tác, liên kết vùng để khắc phục những yếu kém được kỳ vọng mở ra cơ hội cho các tỉnh ĐBSCL.

Hoạt động xúc tiến sôi động

Số liệu tổng hợp của CLB Xúc tiến thương mại- đầu tư- du lịch các tỉnh ĐBSCL (Mêkông PC) cho thấy, 6 tháng qua, hoạt động xúc tiến diễn ra khá sôi động. ĐBSCL đã đón “làn sóng” nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, các nước Châu Âu, Thái Lan và Campuchia… đến khảo sát.

Trong đó, các ngành nghề được quan tâm chủ yếu: nhà đầu tư Nhật Bản chú trọng công nghiệp phụ trợ như dây dẫn điện ôtô tại Khu công nghiệp Cổ Chiên (Trà Vinh), sản xuất ống thép dùng trong chế tạo xe hơi. Hàn Quốc và Singapore quan tâm chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau sạch và xử lý rác thải. Campuchia và Thái Lan đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác về thương mại và du lịch.

Theo ông Nguyễn Trúc Sơn- Phó Chủ nhiệm Mêkông PC, chỉ Vĩnh Long và Sóc Trăng không có dự án FDI mới trong 6 tháng qua, còn lại các tỉnh ĐBSCL đều thu hút ít nhất 1 dự án. Nhiều nhà đầu tư ngành may mặc từ Nhật, Đài Loan đến ĐBSCL nhiều.
 
Ông cho rằng các thành viên Mêkông PC lưu ý nhà đầu tư Thái Lan , Singapore , cần có các hoạt động xúc tiến đầu tư và cân nhắc xúc tiến dự án phù hợp cho họ. Đặc biệt, phải nhanh chóng phúc đáp thông tin dự án của nhà đầu tư càng sớm càng tốt.

Bên cạnh, các trung tâm xúc tiến đẩy mạnh xúc tiến thương mại đưa hàng Việt về nông thôn, doanh nghiệp tham gia ngày càng đông.
 
Đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, tích cực tham gia các hội chợ nước ngoài như Boston (Mỹ), Brussel (Bỉ) nhằm quảng bá và xúc tiến thủy sản địa phương. Xúc tiến du dịch cũng được quan tâm nhiều hơn, tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho du lịch ĐBSCL.

Mêkông PC- kỳ vọng liên kết vùng

Tăng cường mối liên kết ngang giữa các trung tâm xúc tiến là một trong những mục tiêu mà Mêkông PC hướng đến. Đại diện của Trung tâm Xúc tiến đầu tư- thương mại và du lịch tỉnh Cà Mau đặt vấn đề: Cà Mau là vùng thủy- hải sản lớn cần liên kết các vùng trái cây, vùng chế biến để trao đổi nguyên liệu, hàng hóa.

Trước hết cần tạo liên kết chặt giữa các thành viên Mêkông PC, để hoạt động chuyên nghiệp và đoàn kết hơn. Ông Trịnh Công Lý- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Sóc Trăng, cũng cho rằng các tỉnh ĐBSCL cần tăng cường mở rộng hợp tác, nối kết với nhau để có sự tương tác nhiều hơn.


Để khai thác tiềm năng kinh tế, du lịch các tỉnh ĐBSCL cần liên kết, hợp tác nhiều hơn.

Tại Mêkông PC, chia sẻ kinh nghiệm trong xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên. Chẳng hạn, theo ông Trần Thanh Mộc- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã khai thác tới đa phương tiện truyền thông trong và ngoài nước mở đường cho các nhà đầu tư. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp với việc tìm kiếm mở rộng thị trường.

Ông Huỳnh Thế Phiên- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư- thương mại và du lịch Đồng Tháp cho biết: “Hiện chúng tôi có công ty đặc sản Đồng Tháp chuyên giới thiệu thương hiệu các sản phẩm, đặc sản đưa hàng vào siêu thị. Đồng thời, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại TP Cao Lãnh”.

Vì sao thu hút FDI vào vùng ĐBSCL còn hạn chế?

Đây là chủ đề hội thảo do VCCI chi nhánh Cần Thơ dự kiến phối hợp Mêkông PC tổ chức. Để đánh giá đầy đủ, khách quan nhằm tìm hiểu nguyên nhân vì sao thu hút FDI còn ít và có những giải pháp thích hợp để nhanh chóng tiếp nhận làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản, Singapore , Hàn Quốc… trong thời gian tới.


Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng- Chủ nhiệm Mêkông PC, Giám đốc Phòng Công nghiệp và thương mại (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, MêKông PC tạo được sân chơi để các CLB giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến một cách thiết thực nhất và liên kết vùng ngày càng thể hiện rõ hơn.

Các tỉnh ĐBSCL ngày càng cho thấy đây là khu vực giàu tiềm năng kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. 

Đặc biệt, qua kết quả đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vùng ĐBSCL có 3 tỉnh nằm trong top 5 tỉnh- thành đứng đầu cả nước là Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long. Điều đó cho thấy chính quyền các tỉnh này đã có những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến làm ăn lâu dài.

Các tỉnh ĐBSCL có nhu cầu thu hút đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp, du lịch, giao thông thủy- bộ- hàng không, giáo dục, y tế, chế biến nông- thủy sản. Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào vùng còn rất thấp, nguyên nhân chủ yếu do ĐBSCL thiếu liên kết, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thủ tục hành chính nhiêu khê,…

Chính vì thế, để phát huy lợi thế tiềm năng, đồng thời mở những “nút thắt” yếu kém, các tỉnh ĐBSCL cần tiến tới loại bỏ tình trạng cạnh tranh cục bộ, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong vùng, giữa ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo phân tích của VCCI chi nhánh Cần Thơ, ĐBSCL được xem là vùng kinh tế lớn. Mặc dù kinh tế tăng trưởng cao, mức tăng trưởng bình quân 5,5% trong các năm 2011 và 2012, nhưng vốn FDI đầu tư vào ĐBSCL còn rất ít. Tính lũy kế đến hết năm 2012, 13 tỉnh- thành ĐBSCL thu hút 757 dự án còn hiệu lực với tổng vốn 10.733 tỷ USD, chỉ bằng 5,16% so cả nước.

Là vùng có lợi thế nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động, hạ tầng giao thông được cải thiện nhiều hơn, môi trường đầu tư được đánh giá cải thiện đáng kể trong 5 năm trở lại đây. Nếu xét đến khía cạnh lĩnh vực ngành nghề, nhu cầu, định hướng đầu tư hay văn hóa tương đồng thì lẽ ra ĐBSCL là vùng có rất nhiều lợi thế thu hút các nhà đầu tư như Đài Loan, Hàn Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác, tuy nhiên những quốc gia và vùng lãnh thổ đó chưa có nhiều dự án ở ĐBSCL.


Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh