Vài ký thịt, cá hay mớ rau cải, bầu bí… chất đầy trên chiếc xe đẩy 3 bánh là đủ trở thành “chợ di động”. Đây là phương tiện, kế sinh nhai của nhiều người nghèo ở miền quê.
Công việc rất cực, bắt đầu từ khi mọi người còn đang ngủ, họ đến các chợ đầu mối lấy hàng thiết yếu, thực phẩm chất đầy lên xe rồi gồng mình đẩy đi khắp các con đường quê. Cùng với tiếng rao trong trẻo, họ mong một ngày mua may bán đắt để có ít đồng tiền lời về lo cuộc sống gia đình.
Trên đường mưu sinh
Những ai có dịp đi trên Đường tỉnh 904 nối dài từ ngã ba Long Hiệp (Long An- Long Hồ) đến QL 54 sẽ bắt gặp hình ảnh nhiều phụ nữ gồng mình đẩy xe chất đầy thực phẩm nặng trịch cùng với tiếng rao lanh lảnh.
Sáng sớm, tiết trời se lạnh nhưng chị Bảy Hạnh (Bình Ninh) đã lấm tấm mồ hôi trên trán. Gia đình ít đất canh tác, chị Hạnh đi “chợ di động” kiếm thu nhập.
Công việc của chị bắt đầu từ 3- 4 giờ khuya. Lúc mọi người còn ngon giấc, chị đến chợ lớn mua thịt, cá, rau cải, dầu ăn, đường, bột ngọt,… chất đầy lên xe. Đến sáng là chị bắt đầu đẩy xe dọc theo Đường tỉnh 904 bán, tới khi hết đồ mới trở về nhà. Công việc này gắn bó với chị gần chục năm nay.
Chị Hạnh lấy khăn lau mồ hôi: “Đâu có nghề nào ở nông thôn kiếm ra tiền mà không cực khổ, đổ mồ hôi. Cái nghề “chợ di động” còn cực hơn vì phải thức khuya dậy sớm, lúc nắng bóng cây ven đường là nơi che mát, mưa thì ướt sũng cứ đi đến khi khô áo quần. Hồi mới vào nghề, đi bán về tới nhà chân tay như rã rời, nhưng riết cũng quen thôi…”
Tâm sự giây lát, chị Hạnh tiếp tục đẩy xe đi bán cho kịp buổi sáng, để thực phẩm, rau cải còn tươi, ngon. Do cái nghề hàng ngày phải đội nắng dầm mưa, chị Hạnh trông già hơn tuổi, dáng người lại nhỏ, yếu hơn chiếc xe cũ kỹ nặng nề kia, tôi cảm phục cái tính chịu thương chịu khó lo cuộc sống gia đình của người phụ nữ.
Trên con đường vào xã Loan Mỹ (Tam Bình), vì xe còn khá nhiều hàng, nên chị Ánh cố đẩy xe sâu vào các con hẻm, hy vọng mau bán hết. Chị Ánh than: “Hôm nay, trời mưa gió nhiều ế ẩm quá”. Người dân làm nghề “chợ di động” này đa phần nghèo, đồ ế để qua đêm sẽ không còn tươi, có loại phải bỏ không bán được thì cầm chắc lỗ vài lần là kể như đứt vốn…
Có lẽ vì lo lỗ lã, nên chị Ánh không dám nói chuyện với chúng tôi thêm, tranh thủ đẩy xe cùng với tiếng rao lanh lảnh sao nghe nặng lòng lo lâu…
Ở quê, những người buôn bán theo kiểu “chợ di động” giúp cho người dân sống xa chợ tiện lợi hơn, ít thời gian. Còn họ bỏ công sức, mồ hôi đem đến cho mọi người ký thịt ngon, bó rau tươi… để đổi lấy tiền lời về lo cho cuộc sống gia đình.
Cực nhưng sống được
Có lẽ vốn tính chịu thương, chịu khó nên đa số người bán “chợ di động” là phụ nữ. Trước đây, “chợ di động” thường là ghe hàng chèo len lỏi trên sông, rạch. Họ thường dùng tiếng kèn để thay thế tiếng rao và họ đi bán khá đúng lịch trình thời gian tạo thói quen cho người mua. Ngày nay, đường đan, đường nhựa vào tận thôn xóm thì “chợ di động” bằng xe 3 bánh tiện lợi hơn nhiều.
Tuy đội nắng dầm mưa cực khổ nhưng theo các chị, họ vẫn sống được với nghề. Bà Tư (Thanh Đức- Long Hồ) cùng với con gái tên Loan buôn bán “chợ di động” đã gần 20 năm.
Bà Tư cho biết: “Hồi mới vào nghề, tui dùng chiếc xe đạp cà tàng sáng ra chợ mua rau, cải mỗi thứ một ít để trong chiếc giỏ treo ở ghi- đông và yên xe rồi chạy vào trong xóm bán lại cũng kiếm tiền đủ sống trong ngày. Giờ có đường nhựa, sắm xe 3 bánh đẩy chở đồ nhiều hơn và tiền lời cũng khá hơn. Bây giờ, tui lớn tuổi rồi không còn sức, đứa con gái đi theo phụ đẩy. Tuy cực, không biết lời chính xác bao nhiêu tiền, nhưng cũng sống được…”
“Chợ di động”- dịch vụ tiện ích cho người dân vùng quê.
Còn theo tính toán của chị Ánh, mỗi ngày đẩy xe đi bán lời khoảng 100 ngàn đồng. Ở nông thôn, gạo sẵn có trong nhà, rau sau vườn, cá cua ngoài đồng dưới mương, chỉ chi tiêu lặt vặt và lo con đi học thì bấy nhiêu đó cũng đủ xoay xở.
Chị Hạnh thì bộc bạch: Gia đình chỉ có 2 công ruộng, đâu đủ lo cho 2 vợ chồng và 2 đứa con. Ở nông thôn, phụ nữ hết mùa rảnh rỗi, thiếu việc làm. Mấy năm qua, nhờ “chợ di động” mà có thêm thu nhập.
Lao động vất vả như thế nên đồng tiền kiếm được với họ vô cùng quý giá. Tuy có cực nhưng các chị vẫn vui vì góp sức tạo dựng hạnh phúc gia đình. Thế nên ở nông thôn vẫn thấy bóng dáng người phụ nữ với nghề “chợ di động” ngày ngày không mỏi chân trên con đường mưu sinh, và họ luôn mong muốn con cái mình phải biết trân trọng những đồng tiền cực khổ làm ra mà cố gắng ăn học đàng hoàng.
“Chợ di động” là chiếc xe đẩy 3 bánh với vốn khoảng 2 triệu đồng. Đây là kế sinh nhai và cải thiện được cuộc sống của người dân nghèo ở nông thôn. Mỗi ngày, họ thu nhập khoảng 100 ngàn đồng, đủ chi tiêu gia đình lúc nông nhàn. Hiện “chợ di động” khá phổ biến ở vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu nhiều gia đình sống xa chợ. |
Bài, ảnh: NGỌC THUẬN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin