Để tồn tại trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, thay đổi phong cách mua bán là một trong những cách làm hữu hiệu để tiểu thương (TT) thu hút và giữ khách hàng.
Thay đổi thái độ phục vụ là cách để tiểu thương “kéo” khách hàng về phía mình. Ảnh: TL
Để tồn tại trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, thay đổi phong cách mua bán là một trong những cách làm hữu hiệu để tiểu thương (TT) thu hút và giữ khách hàng.
Muôn kiểu bán hàng
Không nói thách, bán đúng giá, vui vẻ với khách là những mong muốn rất đỗi bình thường của người tiêu dùng mỗi khi mua sắm. Song, không phải TT nào, chợ nào cũng thực hiện được.
“Có lần tôi đi mua đồ thể thao ở một tiệm nọ. Bước vào chưa kịp xem, cô bé chừng 15 tuổi hỏi “muốn mua gì”. Dù gì tôi cũng hơn cô bé chục tuổi, mà không thêm được tiếng chị hay cô.
Thấy khó chịu, tôi không còn hứng thú mua hàng. Cô bé đó trừng mắt rồi quay ngoắt đi vào trong. Tôi tự nhủ sẽ không ghé tiệm đó lần nào nữa”- chị Nguyễn Xuân Thảo (Tam Bình) chia sẻ câu chuyện. Có phần gay cấn hơn là câu chuyện của chị Trần Thúy Mai (Phường 2- TP Vĩnh Long):
“Tôi ghé mua quần áo, hỏi giá, bà chủ shop nói 150.000 đ/cái. Tôi thấy chất liệu cũng bình thường mà giá cao nên không mua. Chủ tiệm trợn mắt hỏi: “Sao không trả giá?” Tôi nói thẳng: “Biết bao nhiêu mà trả, vì trả giá nào cũng dính. Nói thách chi rồi kêu khách trả giá”.
Những câu chuyện “khiếm nhã” với khách như vậy hiện vẫn còn, nhưng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Ở nhiều chợ truyền thống, TT đã “học cách” để giữ khách. Niềm nở tiếp chuyện với chúng tôi, chị Lê Ngọc Loan- bán rau chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) bảo:
“Hồi mới bán, khách đến chọn hàng mà không mua là tôi khó chịu, cằn nhằn… Sau này nhận thấy kiểu bán đó không phù hợp nữa vì người mua họ sợ, ghét là một đi không trở lại, mà ở chợ đâu có mỗi quầy của mình. Tôi dễ chịu hơn, để ý đến thói quen mua của khách, dần dần có nhiều mối ruột. Hễ đi chợ là ghé quầy của tôi”.
Cô Mai Thị Nhiều- bán rau củ chợ Phường 2 (TP Vĩnh Long) cho biết: “Mặc dù quầy của tôi nằm khuất phía trong nhưng nhiều khách hàng vẫn tìm đến. Không nên tỏ thái độ khó chịu khi khách không mua. Mình bán đúng giá, hàng chất lượng, vui vẻ, niềm nở là khách ghé hà”.
Việc niêm yết giá rõ ràng tại các chợ đã dần tạo được bước chuyển biến mới, tác động tích cực đối với người mua. Chị Trần Thị Thúy Lan- TT chợ thị trấn Tam Bình cho biết: “Tôi luôn niêm yết giá cho các mặt hàng và cam kết bán đúng giá, tạo được lòng tin cho người mua”.
Phải thay đổi
Đó là ý kiến của nhiều TT sau lớp bồi dưỡng “Kiến thức kinh doanh cho hộ gia đình quy mô hộ gia đình” tại TP Vĩnh Long. Trước đây, nhiều TT có tâm lý bán hàng theo kiểu nói thách, khách sang thì tiếp, khách… hơi lôi thôi thì mặc kệ, cũng không quan tâm đến việc trưng bày hàng hóa, bảng hiệu. Nhiều chương trình khuyến mãi, nhưng TT không chuyển đến người tiêu dùng mà lấy sản phẩm khuyến mãi bán lấy lời.
Giờ đây, TT còn được hướng dẫn cách tạo ra chương trình khuyến mãi riêng cho khách như giao hàng tận nơi, mua nhiều tặng thêm sản phẩm kèm theo hay có thể bớt giá trên sản phẩm vài ngàn đồng để làm vui lòng khách hàng… “Lời ít một chút nhưng có thêm nhiều khách, vậy là mừng rồi”- cô Lương Thị Toán- TT chợ Vĩnh Long cho biết.
PGS. TS Đinh Văn Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại: TT cần có kiến thức văn minh thương mại, vận dụng vào kinh doanh để tăng hiệu quả bán hàng. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế địa phương. |
Thực hành buôn bán kiểu “khách hàng là thượng đế” đâu có khó. Thực tế cho thấy, văn minh thương mại là một trong những yếu tố quan trọng trong việc tồn tại của TT. Một số TT chia sẻ, từ trước đến nay họ thường bán hàng theo thói quen, vẫn có những tật xấu như không hài lòng khi khách hỏi mà không mua hàng, chưa chăm sóc khách hàng…
Nhiều TT nhận thấy để hàng Việt từng bước đi vào đời sống, thì TT chính là đầu mối quan trọng cho việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt. Do đó, TT phải không ngừng nâng cao nhận thức. “Người Việt thì phải dùng hàng Việt. Tôi thường tư vấn cho khách như vậy để góp phần cho doanh nghiệp nước nhà phát triển”- cô Hòa- TT chợ Vĩnh Long nói.
Theo khảo sát của Bộ Công thương, hiện ở các chợ truyền thống, nhóm hàng lương thực, thực phẩm đã chiếm từ 80- 85%, hóa mỹ phẩm 70%...
Các lớp bồi dưỡng “Kiến thức kinh doanh quy mô hộ gia đình” sẽ tiếp tục được Bộ Công thương thực hiện từ nay đến hết năm 2015 ở tất cả các tỉnh, thành phố. Dự kiến, khoảng 10.000 hộ kinh doanh được bồi dưỡng. Đến nay, đã triển khai ở hơn 20 tỉnh, thành. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin