Du lịch Sóc Trăng “trỗi dậy”

01:06, 18/06/2013

Trong năm 2012, Sóc Trăng đón đến 954 ngàn lượt khách, nhưng doanh thu chỉ đạt 170 tỷ đồng. Một lượng khách “trong mơ” và nguồn thu quá khiêm tốn. Điều này cho thấy, du lịch Sóc Trăng quá hấp dẫn, nhưng còn rất tự phát, sơ khai và chưa chuyên nghiệp.


Trái cây “góp mặt” trong ngày hội văn hóa sông nước miệt vườn Sóc Trăng.

Trong năm 2012, Sóc Trăng đón đến 954 ngàn lượt khách, nhưng doanh thu chỉ đạt 170 tỷ đồng. Một lượng khách “trong mơ” và nguồn thu quá khiêm tốn. Điều này cho thấy, du lịch Sóc Trăng quá hấp dẫn, nhưng còn rất tự phát, sơ khai và chưa chuyên nghiệp.

Trong khi, đây là vùng đất hội tụ đủ các yếu tố, tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng từ sông nước miệt vườn, cù lao, cửa biển, cho đến thắng cảnh, di tích kiến trúc chùa chiền, với nhiều lễ hội văn hóa, tâm linh…

Du lịch cộng đồng

Nhân dịp Tết Đoan ngọ vừa qua, Sóc Trăng đã tổ chức lễ hội trên cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách) và buổi tọa đàm “Nâng cao công tác tổ chức tuyến tour du lịch sinh thái miệt vườn”. Từ đây, làm cơ sở để phát triển hạ tầng kỹ thuật, kết hợp với người dân xây dựng các điểm lưu trú homestay, phát triển mạnh du lịch cộng đồng.

Tiến sĩ Trần Công Lý- Giám đốc Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch Sóc Trăng- cho biết:
 
“Trước hết có thể thực hiện thí điểm tại cồn Mỹ Phước. Sau đó, sẽ nhân rộng ra ở huyện Cù Lao Dung, cù lao Long Phú,… Hiện nay, quy hoạch tuyến du lịch hạ lưu sông Hậu đã được UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt. Do đó, cần tiếp tục có quy hoạch chi tiết địa điểm, khu vực tổ chức loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng trên cơ sở quy hoạch tổng thể và phát triển chung của tỉnh”.

Trong những năm qua, huyện Kế Sách đã đầu tư xây dựng hạ tầng điểm du lịch và văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước bằng nguồn vốn tỉnh bổ sung có mục tiêu, với tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng.

Theo bà Hồ Thị Thanh Thủy- Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Kế Sách: “Nhằm phát huy hạ tầng cơ sở đã được đầu tư, tạo điều kiện thu hút khách tham quan điểm du lịch sinh thái Mỹ Phước, UBND huyện đã chủ trương tổ chức các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội. Trong đó, nổi bật là ngày hội sông nước miệt vườn vào dịp Tết Đoan ngọ mùng 5/5 âl”.

Người dân địa phương cho biết, từ xưa cồn Mỹ Phước đã trở thành điểm tập trung vui chơi, tắm sông, mua bán trái cây vào dịp Tết Đoan ngọ. Hàng năm, có trên 10.000 lượt người từ các nơi đổ về đây, tham quan, vui chơi.

Hiện đã có 20 nhà vườn trên cồn Mỹ Phước đồng ý tham gia làm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, từ góp ý của những đại biểu đến từ Vĩnh Long, Bến Tre, báo chí… cho thấy Sóc Trăng cần có những bước đi thận trọng. Đồng thời, cần xác định đâu là thế mạnh, là tiềm năng thực sự, để có thể xây dựng tuyến du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn và thuyết phục được các hãng lữ hành đưa khách về đây.


Ghe xuồng của người dân địa phương trong ngày Tết Đoan ngọ trên cồn Mỹ Phước.

Xác định thế mạnh thực sự

Đường Nam sông Hậu hoàn thành, đã rút ngắn con đường từ cầu Cần Thơ xuống Kế Sách trên 30 cây số, so với đi theo Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, nếu đặt trong thế cạnh tranh trực tiếp về sản phẩm sông nước miệt vườn, loại hình lưu trú homestay, thì Kế Sách vẫn còn “xa vời vợi” so với Mỹ Tho, Cái Bè (Tiền Giang), Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ.
 
Xét về thực tế, cồn Mỹ Phước cũng không thể hấp dẫn hơn những địa phương trên, cũng như khó có thể so bì về kinh nghiệm tổ chức đã được tích lũy gần 3 thập kỷ qua. Do đó, để thuyết phục các hãng lữ hành của TP Hồ Chí Minh, kéo dài thêm hành trình hàng trăm cây số để đến Mỹ Phước ngủ đêm, là rất không khả thi.

Đứng về góc độ lễ hội, con số chục ngàn lượt khách đến cồn Mỹ Phước, thật ra chỉ là cư dân địa phương, và chỉ diễn ra có 2- 3 ngày trong năm.

Phong tục tắm cồn ngày mùng 5/5 âl thì có rất nhiều ở ĐBSCL. Mặt khác, lễ hội này không thể có độ “phủ sóng” và tính hấp dẫn, để đẩy lên thành lễ hội cấp khu vực, cấp quốc gia, như các lễ hội: Óoc Om Bok, đua ghe ngo, lễ hội nghinh Ông, lễ Phước biển… vốn đã trở thành “thương hiệu” độc đáo của Sóc Trăng.

Thêm một ý kiến cần lưu ý nữa, chợ nổi Ngã Năm còn rất nhộn nhịp và lưu giữ được nhiều nét đẹp của sông nước Nam Bộ thuở xưa và đây mới chính là thế mạnh của Sóc Trăng. Do đó, cần thiết xem xét để phát triển tour tuyến theo hướng Quốc lộ 1A, từ đó có thể kết nối vào với các kiến trúc chùa chiền, khám phá nét đẹp của đời sống cộng cư của 3 dân tộc Kinh- Khmer- Hoa, cùng với văn hóa ẩm thực đa dạng của vùng đất có lịch sử hình thành rất đặc thù này.

Tiềm năng, lợi thế đã sẵn có, vấn đề là định hướng khai thác để xây dựng sản phẩm hấp dẫn. Nhưng, để “thẩm định” sản phẩm, không phải xuất phát từ ý kiến chủ quan của “người bán”, mà phụ thuộc phần lớn vào “khách hàng”.

Do đó, trong các buổi tọa đàm, cũng như trong quá trình xây dựng, thiết kế tour tuyến, Sóc Trăng nên có sự tham gia, góp ý của các địa phương đi trước; đặc biệt, là các hãng lữ hành đến từ TP Hồ Chí Minh.

Những góp ý ban đầu của những người làm nghề, đều có chung mong muốn du lịch Sóc Trăng sớm “trỗi dậy”, xứng với tiềm năng đa dạng, phong phú của địa phương mình.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh