Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn (GTNT) đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, “mạch máu” GTNT đã được nối liền, rộng khắp.
Phát triển giao thông- điểm tựa vững chắc để phát triển kinh tế.
Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn (GTNT) đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, “mạch máu” GTNT đã được nối liền, rộng khắp.
Đẩy mạnh phát triển GTNT
Xã Thành Đông (Bình Tân) có nhiều khả năng là xã đầu tiên hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn xã hiện có 2,6km đường liên xã, 4,7km đường liên ấp được nhựa hóa, 5,1km đường đan liên xóm. Trong đó, huy động sức dân đóng góp 1.328 ngày công lao động cũng như hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc với tổng giá trị trên 8 tỷ đồng.
Nổi bật trong năm 2011, xã đã thi công cầu Ngã Cạn (qua 2 ấp Thành Khương và ấp Thành Quới), láng nhựa đường Ngã Cạn đến khu dân cư ấp Thành Tân, đường Thành Đông- Thành Tân, xây dựng mới 2 cầu. Năm 2012, xã tiếp tục triển khai xây dựng kiên cố hóa 2 đập, láng nhựa đường kinh Bông Vải (ấp Thành Khương).
Tổng kinh phí thực hiện các công trình trên 40 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 5,2 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2011, xã đã được UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng GTNT.
Theo ông Lê Tiến Dũng- Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, hệ thống GTNT của huyện từng bước được hoàn thiện và tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và giao thương hàng hóa. Theo đó, từ năm 2008 đến nay, huyện đã thi công 65 công trình GTNT với tổng mức đầu tư trên 243 tỷ đồng.
Riêng từ năm 2011 đến nay, huyện đã đưa vào sử dụng 16 công trình với tổng mức đầu tư trên 66 tỷ đồng. Bên cạnh huyện cũng đã kêu gọi nhà đầu tư ứng vốn để thực hiện một số công trình với tổng vốn trên 8,5 tỷ đồng.
Trong đó nhân dân đóng góp trên 485.000m2 đất, ước tổng giá trị trên 72 tỷ đồng. Hiện huyện đang tiếp tục hoàn thiện 11 công trình còn lại theo kế hoạch ước tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng.
Còn tại Vũng Liêm, việc đầu tư xây dựng công trình GTNT đã mang lại lợi ích thiết thực về phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong 2 mùa mưa nắng.
Ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, cho biết: Từ năm 2008- 2012, huyện đã thi công 72 tuyến đường với chiều dài 126km, xây dựng mới 43 cầu, lắp đặt 50 cống với tổng kinh phí trên 202 tỷ đồng, trong đó nhân dân hiến trên 592.000m2 đất, giá trị ước trên 41 tỷ đồng.
Riêng từ năm 2011 đến nay, huyện đã xây dựng 19 tuyến đường nhựa, xây dựng 18 cầu, lắp đặt 14 cống, kinh phí thực hiện trên 116 tỷ đồng và trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của nhân dân với giá trị khoảng 22,5 tỷ đồng.
Dọn đường phát triển kinh tế nông thôn
Toàn tỉnh hiện có 2.693km đường GTNT gồm: 441km đường huyện, 131km đường liên ấp, 2.151km đường liên xóm.
Trong giai đoạn từ 2008- 2013, mạng lưới giao thông bộ đã được đầu tư xây dựng mới cũng như cải tạo nâng cấp. Tính đến cuối năm 2012, số xã có đường ôtô đến trung tâm đạt 100%, xóa cầu khỉ đạt 100%, số km đường ôtô: 1.138km, số ấp có đường dân sinh tốt: 815.
Toàn tỉnh có 227km đường ôtô khu vực nông thôn, trong đó có 73km đường huyện (đường ôtô đến trung tâm xã, đường liên xã), 131km đường ôtô liên ấp, 23km đường trong các khu tái định cư vùng ngập lũ và từ giải phóng mặt bằng các dự án và 65 cầu ôtô. Ngoài ra, còn cải tạo nâng cấp 40km đường huyện.
Xe 2 bánh có thể lưu thông thuận tiện với tổng số 566km đường và cơ bản xóa hết cầu khỉ trên các tuyến dân cư. Tổng kinh phí đầu tư GTNT giai đoạn 2008- 2013 là 1.264 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 925 tỷ đồng, các tổ chức và cá nhân đóng góp 339 tỷ đồng.
Giao thông nông thôn ngày càng khởi sắc.
Năm 2013, tỉnh đã ghi kế hoạch vốn cho dự án đường ôtô đến trung tâm xã là 27,5 tỷ đồng. Tỉnh bố trí vốn cho các huyện, thị xây dựng GTNT là 113 tỷ đồng, các địa phương đang vận động tổ chức, nhân dân đóng góp tiền, vật tư, hiến đất…
Xác định xây dựng GTNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, từ nay đến năm 2015, tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực, hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTNT; xây dựng và hoàn thành đạt chất lượng 500km đường GTNT, trong đó tập trung hỗ trợ 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí về giao thông, các xã còn lại đạt từ 40% trở lên. Theo đó, bình quân mỗi năm tỉnh xây dựng 171km đường GTNT.
Bên cạnh, tiếp tục lồng ghép các dự án hạ tầng tại các huyện để nâng cao hiệu quả đầu tư, phát huy tính đồng bộ kết cấu hạ tầng, mạng lưới GTNT với các đường huyện và kết hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất làm đường. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phát triển GTNT.
Tại hội nghị biểu dương xã điển hình tiên tiến trong phát triển GTNT vừa qua, ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý cần tập trung tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện tốt quy chế dân chủ trên cơ sở nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ và phải tạo sự đồng thuận cao của toàn thể người dân trong vùng dự án, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả hơn. Bên cạnh, cần quan tâm công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, giám sát thi công, nghiệm thu quyết toán, quản lý duy tu, bảo dưỡng công trình. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin