Quá trình phát triển khu- cụm- tuyến công nghiệp (CN) của Vĩnh Long vừa qua, với những vấn đề đặt ra từ thực tiễn là kinh nghiệm quý giá để vận dụng, tạo bước phát triển đột phá cho hành trình đi tới tương lai.
>> Kỳ 2: Đường đi đến cụm công nghiệp
>> Kỳ 3: “Bên ngoài” những con số tăng trưởng
Vị trí CCN Tân Hòa (Tân Quới, Bình Tân), hiện người dân canh tác rau màu, phía xa là sông Hậu.
Quá trình phát triển khu- cụm- tuyến công nghiệp (CN) của Vĩnh Long vừa qua, với những vấn đề đặt ra từ thực tiễn là kinh nghiệm quý giá để vận dụng, tạo bước phát triển đột phá cho hành trình đi tới tương lai.
Vừa mừng, vừa lo
Cụm CN (CCN) Thuận Tiến hội tụ những yếu tố hình thành CCN: cạnh Quốc lộ 1A, sông Chà Và, có bãi trung chuyển hàng hóa và không vướng giải phóng mặt bằng, đất ruộng chủ yếu trồng lúa lợi nhuận không cao, chỉ có 2- 3 nhà người dân sinh sống. Từ khi công bố quy hoạch, người dân đã cho thuê đất trồng khoai, chuyển làm nghề khác.
Theo ông Phạm Hữu Đức- Chủ tịch UBND xã Thuận An (TX Bình Minh): “CCN Thuận Tiến nếu khai thác nguồn nguyên liệu địa phương như khoai lang, bưởi, rau màu… làm tăng giá trị nông sản thì rất tốt. Người dân ở đây nhà có 5- 7 công đất làm ruộng, rẫy, cần có thêm 1 ngành nghề tăng thu nhập gia đình, cuộc sống mới ổn. Hiện 10.440 người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 50% dân số của xã, số đông đi làm ăn xa”.
Xuất phát từ thực trạng “Trà Ôn có nguồn hàng trái cây, rau, củ… lớn, nhưng khâu bảo quản chưa tốt nên vấn đề chế biến, sơ chế đóng gói nông sản rất bức xúc. Bên cạnh nhu cầu thức ăn gia súc, gia cầm phục vụ ngành chăn nuôi rất lớn. Nguồn lao động tại chỗ dồi dào…”- ông Trần Hữu Nguyên- Trưởng Phòng Công thương Trà Ôn, nhận định:
“Quy hoạch các CCN trên địa bàn là hợp lý và Phòng Công thương đang tham mưu cho UBND huyện xác định lại ngành nghề các CCN. Như CCN Mỹ Lợi cặp sông Hậu, gần nguồn nguyên liệu nên ngành nghề chủ lực sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khu vực Vĩnh Xuân, Hựu Thành dân cư đông, phù hợp ngành may mặc”.
Trên đây là số ít trong 19 CCN được quy hoạch đến năm 2020 nhìn thấy “đầu ra” rõ ràng cho CCN tương lai. Ở hầu hết các CCN, địa phương còn lúng túng trong cơ chế quản lý, xác định ngành nghề và quan trọng hơn “ai tới đầu tư?”
Ông Nguyễn Đức Thắng- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất sạch, cho rằng triển khai các CCN cần tính toán kỹ, vì ngay cả khu đất sạch 20ha ở Trường An (TP Vĩnh Long) khá thuận tiện nhưng “mời gọi hoài vẫn chưa ai vô”.
Ông Bùi Văn Nghiêm- Chủ tịch UBND, Quyền Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, nói rằng: “CN của huyện phát triển rất chậm, chủ yếu gia công may mặc, nhà máy xay xát, cơ khí nhỏ. CN rất khó phát triển, vì hạ tầng giao thông nhỏ, xe container chở hàng không được”. “Có đất sạch rồi kêu gọi đầu tư thế nào?” là vấn đề đặt ra, không chỉ cho CCN điểm Trường Thọ (Quới An).
Chủ trương của tỉnh là không đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mà kêu gọi đầu tư hạ tầng, rồi kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, lãi suất tín dụng cao kéo dài cùng với khả năng tài chính có hạn, việc kêu gọi nhà đầu tư (vào 3 CCN điểm) không đơn giản.
Theo khái toán hiệu quả kinh tế dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN, với vốn ngân sách đầu tư, lãi suất bằng 0; suất đầu tư 14 tỷ đồng/ha thì 24 năm sau mới thu hồi được vốn. Nếu sử dụng vốn vay đầu tư dài hạn thì chi phí đầu tư rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn thường rất dài. Hiệu quả thấp, trong khi các ưu đãi hiện hành của Nhà nước chưa khuyến khích đầu tư vào CCN.
Để hài hòa lợi ích người dân
Trong quá khứ, việc phát triển khu, cụm, tuyến CN không tránh khỏi vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đã từng xảy ra xung đột giữa người dân mất đất và chủ đầu tư dự án đưa đến những vụ khiếu kiện kéo dài.
Và bài học đắt giá nhất là phải làm sao hài hòa lợi ích của người dân- nhà đầu tư. Dù vậy, ở tuyến CN Cổ Chiên, việc giải phóng mặt bằng vẫn trì trệ do 32 hộ dân ở khu IV và V chưa nhận bồi hoàn, làm chậm tiến độ triển khai dự án của nhà đầu tư.
Bài học đó không hề cũ, nói như bà Huỳnh Kim Nguyên- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh: “Khi triển khai quy hoạch cần đứng trên tâm lý của người dân, xem họ được hưởng lợi gì, có nhu cầu ra sao và chúng ta đáp ứng tới đâu. Cần quan tâm đời sống người dân bị di dời, phải đảm bảo cuộc sống, an cư cho họ”.
Từ thực tế một số CCN công bố quy hoạch, nhưng chưa trả lời được những câu hỏi cơ bản của người dân, ông Nguyễn Việt Thanh- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho rằng: Quy hoạch công bố phải kèm phương án bồi hoàn như thế nào, tái định cư ở đâu để trả lời cho dân. Cần xem nó có phù hợp, người dân đồng tình hay không”.
95% người dân đồng tình dự án CCN Trường Thọ, nhưng quy hoạch công bố rồi “treo”, khiến “người dân băn khoăn khi nào thực hiện. Chờ thực hiện quy hoạch nhà cửa chỉ sửa chữa tạm thời để ở. Chuyển đổi, sang nhượng đất đai không được, mà cải tạo đất, cây trồng cũng không xong”- ông Bùi Văn Nghiêm nêu thực trạng tại địa phương mình.
CCN Thuận Tiến chậm triển khai cũng gây khó cho người dân, theo ông Phạm Hữu Đức, “người dân muốn chuyển nhượng mua bán, lấy tiền làm công chuyện khác không được”. Đó cũng là cái khó của chính quyền huyện Trà Ôn, khi CCN Mỹ Lợi đã cắm mốc, họp dân đồng ý và “treo” quy hoạch.
Việc khiếu nại yêu cầu bồi thường thiệt hại do quy hoạch, quyết định thu hồi đất quá lâu, không bồi hoàn, làm hạn chế quyền sử dụng đất của người dân, đã xảy ra ở Tam Bình.
Chiến lược phát triển đồng bộ và bền vững
Giải quyết giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường từ sản xuất CN tại các KCN Hòa Phú, Bình Minh hiện nay cơ bản đáp ứng được. Nhưng đối với các CCN lại là mối lo ngại lớn. Lãnh đạo huyện Vũng Liêm đã nhìn xa: ô nhiễm môi trường do nguồn nước, không khí, chất thải rắn tại CCN sẽ góp phần làm suy thoái môi trường, đe dọa đời sống kinh tế- xã hội, cũng như tổn hại sức khỏe người dân nếu không được quan tâm ngay từ đầu.
Chương trình hành động 07 đặc biệt chú ý vấn đề này, qua việc khuyến khích các cơ sở sản xuất CN triển khai thực hiện các công nghệ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn quy định, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Một trong những giải pháp thực hiện quy hoạch của tỉnh là “tiến hành rà soát quy hoạch các CCN trên địa bàn tỉnh, mạnh dạn xóa quy hoạch những CCN chưa phù hợp, không thuận tiện và chia ra nhiều giai đoạn để thực hiện đối với những CCN có diện tích lớn (40- 50ha).
Đồng thời, lựa chọn những CCN phù hợp với quy hoạch, vị trí thuận tiện đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư”. Vấn đề này liên quan đến hiệu quả của các khu- CCN. Do vậy, ông Đặng Quang Tấn- Phó trưởng Ban quản lý các KCN, đúc kết: “Mở KCN mới phải hết sức tiết kiệm đất, đắn đo vì đất mình hầu hết là đất phì nhiêu”.
Ban Kinh tế- Ngân sách của HĐND tỉnh giám sát, khảo sát thực địa vị trí triển khai quy hoạch CCN.
Ở góc nhìn địa phương, ông Phạm Hữu Đức nói rất thật lòng: “Làm CN phải hiệu quả hơn nông nghiệp. Tôi chỉ lo xây dựng CCN rồi không ai đầu tư, bỏ trống nuôi trâu thì lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước và cho dân”. Phải hiệu quả hơn nông nghiệp, vì vùng rẫy Bình Minh chuyên trồng “đặc sản” xà lách xoong, khoai lang, như giá khoai tím Nhật xuất khẩu hiện nay 750.000 đ/tạ đã cầm chắc lời trên 20 triệu đồng/vụ/công.
Trên cơ sở Quy hoạch phát triển CN- tiểu thủ CN tỉnh giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020; Chương trình 07 của Tỉnh ủy, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, thực hiện phát triển khu- cụm- tuyến CN trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển bền vững. Vĩnh Long cũng đã kịp thời chấn chỉnh những bất cập từ thực tiễn bằng nhóm giải pháp trong Chương trình 07.
Với sự quyết tâm hành động, hành trình đi tới các mục tiêu hoàn toàn trong tầm tay. Một trong những mục tiêu đó là: xây dựng các khu- cụm- tuyến CN đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Gắn phát triển khu- cụm- tuyến CN với phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tiến sĩ Bùi Văn Sáu- nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ:
Làm quy hoạch là kế hoạch dài hạn, nên việc đạt mục tiêu quy hoạch trong tương lai là do các giải pháp về cơ chế và chính sách ban hành sắp tới để bảo đảm mục tiêu quy hoạch. Theo tôi, quan trọng nhất là các sở ban ngành cấp tỉnh nghiên cứu quy hoạch phát triển CCN, đề ra cơ chế phù hợp để đảm bảo quy hoạch này được thực hiện trong tương lai.
Ví dụ, muốn quy hoạch, trước hết chúng ta cần cơ sở hạ tầng, vốn, đất. Muốn có những thứ đó phải quan hệ rất nhiều ngành. Vì thế, cần có sự tham gia tích cực, có những cơ chế hết sức cụ thể đề xuất UBND tỉnh thì mục tiêu quy hoạch mới thực hiện được.
Ông Nguyễn Đức Thắng:
Quy hoạch CCN cần khảo sát từng loại hình ngành nghề, địa bàn huyện có bao nhiêu cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, cơ sở không có điều kiện mở rộng và có nhu cầu tập trung vào 1 cụm, để xác định cần bao nhiêu diện tích. CCN phải có chính sách khuyến khích kèm theo, nếu không thì khó mời nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Châu- Trưởng Phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng):
Nếu đã công bố quy hoạch thì quyền sử dụng đất của người dân bị hạn chế. Triển khai quy hoạch CCN hiện nay kẹt nguồn vốn, kêu gọi đầu tư là vấn đề rất lớn. Phải xác định được nguồn vốn từ đâu. Nếu nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho hạ tầng, nguồn phải đủ mạnh hoặc 50% đầu tư từng phần. Nếu không có kế hoạch, quy trình hẳn hoi, thì rất mù mờ không xác định được hướng đi.
Ông Lâm Thanh Vũ- Trưởng Phòng Quản lý CN- tiểu thủ CN (Sở Công thương):
Kinh tế thế giới còn đang suy thoái, chưa có dấu hiệu phục hồi, cũng ảnh hưởng tốc độ phát triển khu- cụm- tuyến CN. Đầu tư CN hiệu quả phải tính thời gian lâu dài, nhưng hiện nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư hạn chế. Sản xuất CN- tiểu thủ CN muốn phục hồi, phải kéo giảm lãi suất mạnh hơn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin