Hoạt động của doanh nghiệp trong các khu- tuyến công nghiệp (CN) ổn định và phát triển, cho thấy Vĩnh Long đã và đang trở thành điểm đến đầu tư bền vững lâu dài. Và để trở thành như thế, cần quan tâm đúng mức những vấn đề từ thực tiễn đang đặt ra.
>> Kỳ 1: Từ Chương trình hành động 07
>> Kỳ 2: Đường đi đến cụm công nghiệp
Một khu nhà trọ sinh viên- công nhân khá đẹp, thoáng đãng với sân cỏ nhân tạo cạnh Khu CN Hòa Phú. Phát triển khu- tuyến CN rất cần những khu nhà ở xã hội hóa như thế này đồng hành.
Hoạt động của doanh nghiệp trong các khu- tuyến công nghiệp (CN) ổn định và phát triển, cho thấy Vĩnh Long đã và đang trở thành điểm đến đầu tư bền vững lâu dài. Và để trở thành như thế, cần quan tâm đúng mức những vấn đề từ thực tiễn đang đặt ra.
Những con số “biết nói”
Theo Ban quản lý các khu CN, dù chỉ mới phát triển Khu CN Hòa Phú giai đoạn 1, Khu CN Bình Minh, khu IV tuyến CN Cổ Chiên nhưng đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phát triển kinh tế chung của tỉnh, qua những con số “biết nói”.
Chiếm 43,7% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm 41,2%. So năm 2005, chỉ 5 doanh nghiệp đầu tư vào các khu- tuyến CN (118 tỷ đồng và 10 triệu USD), thì đến nay đã tiếp xúc 234 nhà đầu tư, ký biên bản ghi nhớ 40 dự án và có 31 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó 10 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (121,1 triệu USD) và 21 dự án trong nước (3.126 tỷ đồng) là kết quả đáng ghi nhận trong mời gọi thu hút đầu tư.
Tốc độ thuê đất ở các khu- tuyến CN tăng 46%/ năm, suất đầu tư bình quân của các doanh nghiệp thứ cấp trong Khu CN Hòa Phú là 24 tỷ đồng/ha, tương đương khu vực. Tổng vốn trong nước đăng ký tăng bình quân 77%/ năm, vốn ngoại tệ tăng 56%/ năm. Từ đây cho thấy, Vĩnh Long đã và đang trở thành điểm đến đầu tư bền vững lâu dài.
Các khu- tuyến CN hình thành đã tạo nhịp sống CN năng động trên vùng đất thuần nông. Thị trường lao động có xu hướng “chảy ngược” từ các thành phố lớn về lập nghiệp tại quê hương. Trong gần 15.000 lao động tại các khu- tuyến CN, có đến hơn 80% lao động trong tỉnh. Mục tiêu giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương đang dần rõ nét hơn.
Theo ông Đặng Quang Tấn- Phó trưởng Ban quản lý các khu CN, các khu- tuyến CN còn tác động lan tỏa đến các xã lân cận khu CN. Quanh khu CN Hòa Phú, các xã Hòa Phú, Phú Quới và Lộc Hòa đã hình thành những khu vệ tinh dịch vụ thương mại.
Sản xuất CN- tiểu thủ CN tăng trên 200 cơ sở, trong đó nhiều cơ sở đóng vai trò phụ trợ cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu, gia công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ khu CN. Người dân có điều kiện làm dịch vụ phát triển kinh tế gia đình, với 700 cơ sở thương mại dịch vụ, trong đó 536 cơ sở nhà trọ (trên 5.200 phòng).
Dù vậy, sự phát triển khu- tuyến CN thời gian qua còn nhiều vấn đề bất cập, bỏ ngõ.
Đối mặt những phát sinh ngoài hàng rào
31 dự án đầu tư đăng ký thuê đất tại các khu- tuyến CN, đưa tỷ lệ lấp đầy 100% đất CN khu CN Hòa Phú– giai đoạn I, 55% Khu CN Bình Minh. Tuy nhiên, hiện chỉ mới 23 dự án đi vào hoạt động sử dụng 51% đất CN đăng ký thuê, và còn đến 49% diện tích “còn ở không”, trong đó có dự án nhiều năm không triển khai xây dựng gây lãng phí nguồn đất sạch, hiệu quả khai thác đất CN chưa cao. Song thực tế, vấn đề đáng quan tâm hơn ở các khu- tuyến CN là những phát sinh bên ngoài hàng rào.
Con số hơn 15.000 lao động nói lên môi trường làm việc của tỉnh ngày càng cải thiện, người lao động được đáp ứng nhiều hơn công việc phù hợp trình độ, năng lực, điều kiện của mình. Nhưng nó cũng đặt ra yêu cầu cơ bản, một khi hạ tầng kỹ thuật các khu- tuyến CN tốt cho sản xuất, thì cũng cần phải xây dựng hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa tương ứng phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của hàng ngàn lao động đó.
Mục tiêu đến năm 2015 lấp đầy 100% diện tích đất CN có thể cho thuê (Khu CN Hòa Phú giai đoạn II và Khu CN Bình Minh), đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực để đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng 3 khu CN mới (theo thứ tự Đông Bình, Bình Tân và An Định).
|
Chuyện tiền lương, tăng ca nhiều ít dường như không còn là bận tâm của những cặp vợ chồng gắn bó ở khu CN. Mà quan tâm hàng đầu của họ là nhà trẻ gửi con nhỏ, chợ thuận tiện mua thức ăn sau giờ tan ca ít tốn thời gian nhất, nhà trọ đủ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu giá cả hợp lý, bệnh viện để chạy đến khi nhức đầu sổ mũi, điểm vui chơi giải trí với người thân bạn bè,…
“Bất cập hiện nay của tỉnh là phát triển khu- tuyến CN không đồng bộ với hạ tầng xã hội. Các dịch vụ phục vụ kèm theo như nhà trọ công nhân đều tự phát người dân làm, không đúng chuẩn. Môi trường xã hội trở nên phức tạp với tệ nạn đi kèm. Các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động chưa có… Lẽ ra phải ước lượng được khu- tuyến CN bao nhiêu công nhân, họ có gia đình, con cái, cần đáp ứng những gì? Những vấn đề này trước khi thành lập khu- tuyến CN đã nhìn thấy, nhưng làm không nổi, hoặc chỉ phát sinh tới đâu giải quyết tới đó”- ông Lâm Thanh Vũ- Trưởng Phòng CN- tiểu thủ CN (Sở Công thương) cho biết.
Thực tế ở Khu CN Hòa Phú, sau khi thành lập đi vào hoạt động với hàng loạt vấn đề xã hội phát sinh, thì mới bước đầu giải quyết từng vấn đề về chợ, dự kiến xây nhà văn hóa công nhân, trường mẫu giáo, xây cầu vượt an toàn giao thông…
Ông Đặng Quang Tấn cũng cho rằng, hạ tầng xã hội bên ngoài khu- tuyến CN như khu tái định cư, trường học, chợ, bệnh viện, nhà trẻ gắn liền nhà ở công nhân, nhà văn hóa… phải được quy hoạch từ giai đoạn đầu. Vì thế, tới đây phát triển khu CN mới sẽ quy hoạch theo hướng đồng bộ hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội.
Ông Lâm Thanh Vũ đề xuất: “Nên chăng khu- tuyến CN cũng cần xây khu nhà ở công nhân như ký túc xá sinh viên, đúng chuẩn. Ở đó, có quản lý đảm bảo an ninh trật tự, tài sản, giá thuê hợp lý. Có nhà trẻ, bệnh viện, chợ… thuận lợi nhất, giảm bớt thời gian không đáng có”.
Bởi theo ông, các vấn đề xã hội ảnh hưởng lớn đến công việc, chất lượng năng suất lao động. Những nhu cầu cơ bản của người lao động phải được đáp ứng đầy đủ, là điều kiện để họ gắn bó lâu dài, góp phần vào phát triển bền vững và chất lượng của khu- tuyến CN.
Thiếu nguồn nhân lực trình độ cao
Ông Đặng Quang Tấn cho biết, các nhà đầu tư luôn đặt vấn đề đáp ứng nguồn nhân lực trình độ cao của tỉnh. Yêu cầu nhiều, nhưng hiện nay Vĩnh Long chưa đáp ứng được. Đã có nhiều doanh nghiệp như Nhà máy chiếu xạ An Phú, Trung tâm 3S Hino khu vực ĐBSCL (Công ty Trường Long) ở Khu CN Bình Minh rất cần lao động có trình độ cao tại địa phương nhưng đành phải tìm nguồn từ TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, một số dự án công nghệ tương đối cao ở Khu CN Hòa Phú thì lao động địa phương cũng chưa thể đáp ứng. |
Kỳ sau: Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin