Kỳ 2: Đường đi đến cụm công nghiệp

07:05, 28/05/2013

Nhiều cụm công nghiệp (CCN) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đến nay hầu hết chỉ dừng lại ở đó, kể cả các CCN điểm.

>> Kỳ 1: Từ Chương trình hành động 07


Nhiều cụm công nghiệp (CCN) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đến nay hầu hết chỉ dừng lại ở đó, kể cả các CCN điểm.


CCN điểm Trường Thọ (Quới An), tuy có Đường tỉnh 902 chạy qua nhưng so với yêu cầu phát triển CN thì chưa “đủ tải”.

Không thiếu nhà đầu tư (NĐT), chỉ thiếu... vốn

Theo quy hoạch CCN đến năm 2020 Vĩnh Long sẽ xây dựng 19 CCN, với tổng diện tích 884ha, giai đoạn 2011- 2015 13 CCN và giai đoạn năm 2016- 2020 là 6 CCN. Theo quy hoạch này, các CCN rải đều khắp các huyện, thị, thành và các địa phương hầu hết đều “trải thảm đỏ” mời gọi NĐT bằng sự cầu thị nhất.

CCN Phú An (Phú Thịnh- Tam Bình) có thể coi là CCN đầu tiên của tỉnh, được phê duyệt quy hoạch chi tiết tháng 11/2007, do Công ty Cát Thành làm chủ ĐT. UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất năm 2009 và đến năm 2010 giao đất cho NĐT Cát Thành thực hiện.

Phương án bồi hoàn, giải phóng mặt bằng, công bố ra dân được thống nhất cao. Được đánh giá là NĐT có quyết tâm thiện chí, nhưng theo ông Dương Văn Thới- Phó Phòng Công thương Tam Bình, do rơi vào thời kỳ khủng hoảng, NĐT không thể cân đối vốn nên cứ hẹn lần hẹn lượt, một số hộ dân khiếu nại yêu cầu bồi thường thiệt hại vì quy hoạch “treo” làm hạn chế quyền sử dụng đất của họ. Đến tháng 8/2012, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi quyết định giao đất của NĐT này.

Ông Dương Văn Thới cho biết thêm, hiện NĐT Nam Mê Kông ngắm nghé một phần CCN Phú An dự kiến xây nhà xưởng và gần đây nhất, NĐT Cát Thành trở lại xin chủ trương tái ĐT CCN Phú An vì tìm được nguồn vốn hợp tác ĐT.

Đối với 4 CCN được UBND tỉnh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư, đã xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500.
 
Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư và thực hiện Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ (chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu CN, CCN), trung tâm đã kiến nghị UBND tỉnh tạm dừng triển khai 3 CCN: CCN Song Phú (Tam Bình), CCN Mỹ Lợi (Thiện Mỹ, Trà Ôn), CCN Ấp 3 (Chánh Hội- Mang Thít), để tập trung thực hiện CCN điểm Trường Thọ (Quới An- Vũng Liêm đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500) theo Chương trình 07 của Tỉnh ủy.

Trong khi đó, CCN- tiểu thủ CN Long Thuận B (Long Phước- Long Hồ) có NĐT là Công ty TNHH Vĩnh Lộc, CCN Tân Hòa (Tân Quới, Bình Tân) có Công ty CP Phương Thảo làm NĐT… Vì không đủ năng lực tài chính để triển khai theo tiến độ cam kết, nên UBND tỉnh đã thu hồi chứng nhận ĐT. Còn CCN- tiểu thủ CN Thuận An (Bình Minh) do Công ty ĐT Tài chính Nam Việt làm chủ ĐT, đang xem xét thu hồi chứng nhận ĐT.

Có thể thấy, ngoài CCN Công Thanh (Bình Tân) do Công ty Công Thanh làm chủ ĐT “có chuyển động” được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 và đang xúc tiến giải tỏa bồi hoàn cho người dân. 6 CCN còn lại có điểm tương đồng là đường đi đến thành lập CCN khá trắc trở, có NĐT “xí đất” nhưng đều không đủ năng lực tài chính.

Giao thông chưa sẵn sàng

Nắm quy hoạch CCN, nhiều địa phương nhanh chóng bắt tay kêu gọi NĐT với kỳ vọng CN- tiểu thủ CN là động lực thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội. Nhưng thực tế nhiều bất cập, nhất là hạ tầng giao thông yếu và thiếu, khiến con đường đi đến CCN hãy còn xa xôi.

Sở hữu trong tay quy hoạch 4 CCN, nhưng đến nay Trà Ôn chưa có CCN triển khai “để gọi là”. CCN Mỹ Lợi (Thiện Mỹ) từng lọt vào tầm ngắm của một NĐT lớn tưởng đã đi đến quyết định ĐT, nhưng khi khảo sát sâu về đường vận chuyển đã “rút êm” vì đường bộ nhỏ hẹp, sông Hậu bồi lắng.

Chủ ĐT CCN này là Trung tâm Phát triển quỹ đất cũng đã trình UBND tỉnh kiến nghị tạm dừng triển khai. Trong khi đó, ông Trần Hữu Nguyên- Trưởng Phòng Công thương huyện- tỏ vẻ tiếc nuối khi đề cập tới 3 CCN: Vĩnh Tắc (Vĩnh Xuân), Vĩnh Thành (Hựu Thành), Ngãi Hòa (Hòa Bình), vì “không giữ được NĐT, có khoảng 8 NĐT đã tới tìm hiểu, họ gật đầu chịu vị trí đẹp, phù hợp. 1 dự án của NĐT Đài Loan dự kiến thu hút cả ngàn lao động, đồng ý ĐT vào CCN Vĩnh Tắc, nhưng đường hẹp, cầu yếu kém không thể triển khai”.

Tuy nằm trên trục Quốc lộ 54, nhưng đoạn qua Trà Ôn có đến 3 cây cầu “rất yếu”, trong đó cầu Vĩnh Xuân và Cây Điệp đang là “nút thắt” lớn cản bước NĐT. Tải trọng đường 15 tấn, cầu yếu chỉ 4,5 tấn, xe container 20- 30 tấn làm sao vận chuyển hàng hóa? Các NĐT tới khảo sát, họ sẵn lòng ăn với mình bữa cơm rồi… tạm biệt mà không hẹn ngày trở lại, vì đường sá quá yếu kém”- ông Nguyên cho biết.

Đường đến CCN điểm Trường Thọ ở Quới An có Đường tỉnh 901, 902, tuy nhiên tải trọng đường chỉ phục vụ dân sinh là chủ yếu chứ chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển CCN. Ông Bùi Văn Nghiêm- Chủ tịch UBND, Quyền Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, cho rằng:
 
“Nhiều NĐT đặt vấn đề ĐT ven Quốc lộ 53 chứ không muốn chỗ khác, như 1 doanh nghiệp giày xuất khẩu xin chủ trương ĐT ở Trung Hiếu không được mà phải đưa vào CCN, huyện rất khó giải quyết. Trong khi để thành lập CCN, kinh phí nhà nước phải ĐT nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ CCN không hề nhỏ”.

Có vị trí thuận lợi, tiềm năng phát triển lớn, lại là 1 trong 3 CCN điểm ưu tiên ĐT, nhưng sau gần 5 năm được ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch CCN Tân Hòa (Tân Quới- Bình Tân) vẫn chưa động tĩnh gì.

Nằm cạnh sông Hậu thuận lợi đường thủy, nhưng đường bộ khó khăn (đường mòn, đường đan), hạ tầng kỹ thuật- xã hội còn hạn chế, NĐT hạ tầng không đủ năng lực tài chính triển khai… là những nguyên nhân khiến UBND huyện Bình Tân từng định “sẽ trình tỉnh cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch hoặc hủy bỏ CCN Tân Quới”.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bình Tân muốn hủy quy hoạch sẽ mất đi cơ hội phát huy tiềm năng kinh tế địa phương. Được biết, đường Chòm Yên vào CCN này đã có dự án, nhưng chưa có vốn thực hiện.

Có một thực tế từ Trà Ôn, trong khi CCN đã quy hoạch gần như bất động, thì các điểm CN bên ngoài lại đang rất sôi động. Điển hình như điểm CN thuộc xã Xuân Hiệp- do NĐT tự tìm “bến đỗ” thỏa thuận bồi hoàn cho người dân- hình thành các ngành sản xuất lương thực thực phẩm, nhựa gia dụng.

Địa thế ven sông Măng, cách không xa Quốc lộ 53, có Đường tỉnh 901, cầu cơ bản đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa là những yếu tố “dẫn” NĐT đến đây. Tương tự, đoạn Đường tỉnh 901 thuộc xã Tân An Luông (Vũng Liêm) cũng nhiều nhà máy xay xát lúa gạo quy mô lớn hình thành.

Từ đây đặt ra vấn đề tính khả thi của quy hoạch CCN “dàn đều” huyện nào cũng có, trong khi đường đến các CCN hãy còn xa, thì thực tế các NĐT đã “tự quy hoạch” theo yêu cầu của mình.

Tiến sĩ Trần Văn Sáu- nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ:

Quy hoạch là một kế hoạch dài hạn. Hiện nay, làm quy hoạch không ai dự đoán chính xác 100% những gì diễn biến trong tương lai. Cho nên, một trong những tính chất của quy hoạch là phải điều chỉnh. Có nhiều ý kiến rất thực tiễn của địa phương, sở, ban, ngành tỉnh phải bàn bạc với từng địa phương, đồng thời phải có kế hoạch điều chỉnh để bảo đảm tính thực tiễn và theo quy định.

Tuy vậy, quy hoạch không thể điều chỉnh mãi, không phải mỗi cái mỗi điều chỉnh, như vậy còn ai tin quy hoạch nữa. Chúng ta phải lựa chọn những khâu then chốt nhất.


Kỳ sau: “Bên ngoài” những con số tăng trưởng

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh