Chương trình hành động 07-CTr/TU của Tỉnh ủy cụ thể hóa mục tiêu này, đã triển khai sâu, rộng và nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tuy nhiên, hiệu quả khu CN còn thấp, tiến độ triển khai các cụm CN chậm nên chưa phát huy, khai thác hết thế mạnh, tiềm năng để tạo thế tăng trưởng nhất định.
Phát triển công nghiệp (CN) đã tạo bước tăng trưởng ngoạn mục trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một tỉnh thuần nông như Vĩnh Long. Đặc biệt, các khu- tuyến CN ổn định và phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế- xã hội.
Tỉnh cũng đã hoàn thành và công bố Quy hoạch phát triển CN- tiểu thủ CN giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020. Phát triển khu- cụm- tuyến CN đã trở thành mục tiêu lớn nhằm tạo bước đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng tỷ trọng CN- xây dựng trong GDP.
Chương trình hành động 07-CTr/TU của Tỉnh ủy cụ thể hóa mục tiêu này, đã triển khai sâu, rộng và nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Tuy nhiên, hiệu quả khu CN còn thấp, tiến độ triển khai các cụm CN chậm nên chưa phát huy, khai thác hết thế mạnh, tiềm năng để tạo thế tăng trưởng nhất định. Từ quy hoạch đến thực tiễn phát triển khu- tuyến CN của Vĩnh Long đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và nhất là, cần một tầm nhìn dài hạn cho phát triển bền vững.
Đoàn giám sát của Ban Kinh tế- Ngân sách của HĐND tỉnh Vĩnh Long do ông Nguyễn Khắc Nhu- Trưởng ban làm trưởng đoàn, khảo sát Cụm CN điểm Phước Thọ (Quới An, Vũng Liêm) vào đầu tháng 4 vừa qua.
Chương trình hành động số 07-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển khu- cụm- tuyến CN giai đoạn 2011- 2015 đã tạo chuyển biến tích cực, từng bước đi tới mục tiêu gắn phát triển khu- cụm- tuyến CN với phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hoạt động khu CN đã vào đường ray
Đến nay, Khu CN Hòa Phú giai đoạn I quy mô 122,16ha, đã hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Khu CN Hòa Phú giai đoạn I, đã đăng ký lấp đầy 100% đất CN với 16 doanh nghiệp (DN), tổng vốn đầu tư 99,74 triệu USD và 644,29 tỷ đồng.
Đóng góp khoảng 30% giá trị sản xuất ngành CN, với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng/năm. Khu CN này hướng tới trở thành khu CN “kiểu mẫu” khi được nhiều tỉnh bạn tham quan, học hỏi mô hình. Đáng chú ý, Nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 4.000 m3/ngày-đêm đi vào hoạt động từ năm 2009, hiện vận hành khoảng 25% công suất, bảo đảm xử lý nước thải toàn khu trong sạch trước khi thải ra môi trường.
“Hình mẫu” đó tiếp nối xây dựng Khu CN Hòa Phú giai đoạn II quy mô 129,91ha, đến nay san lấp mặt bằng đạt trên 25%. Hiện sẵn sàng đáp ứng cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để triển khai xây dựng nhà máy.
Sở hữu nhiều lợi thế cận kề TP Cần Thơ trung tâm đồng bằng, Khu CN Bình Minh quy mô 131,5ha, nhanh chóng “lọt mắt xanh” nhiều nhà đầu tư. Hiện 10 DN đã thuê 55% đất CN, với tổng vốn 14 triệu USD và trên 1.087 tỷ đồng.
Hạ tầng kỹ thuật đạt 75%, hoàn thành nhà máy cấp nước công suất 1.000 m3/ngày-đêm, cơ bản đáp ứng được yêu cầu hoạt động của DN. Bên cạnh, Nhà máy xử lý nước thải tập trung 5.000 m3/ngày-đêm cơ bản hoàn thành xây dựng modun 1- 2.200 m3/ngày-đêm, sẽ đưa vào hoạt động trong quý II/2013.
Khu IV Tuyến CN Cổ Chiên có 30ha với 2/5 DN hoạt động, san lấp đạt 72% khối lượng; khu V 16,6ha san lấp đạt 80% đã tái bố trí 27 DN.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN tại khu- tuyến CN ổn định và phát triển, giá trị sản xuất tăng trưởng khá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Giá trị sản xuất CN chiếm 43,7%, kim ngạch xuất khẩu chiếm 41,2%, giải quyết việc làm ổn định cho gần 15.000 lao động (trên 80% trong tỉnh), tiền lương bình quân từ 2,8- 6 triệu đồng/người/tháng). Qua đó, tác động góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội trong khu vực lân cận phát triển.
Cụm CN khởi động
Tiến độ triển khai các cụm CN còn chậm, đến nay chưa có cụm CN được thành lập và đi vào hoạt động.
Dù vậy, ông Lâm Thanh Vũ- Trưởng Phòng CN- tiểu thủ CN (Sở Công thương) cho biết, đã có nhiều cụm CN khởi động. Hiện đã hoàn thành và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 7 cụm CN. Một số chủ đầu tư đã khẩn trương khởi động dự án, như Cụm CN Công Thanh (Bình Tân) đang thực hiện các thủ tục bồi hoàn giải tỏa.
Sau thời gian không thể triển khai dự án Cụm CN Phú An (Tam Bình), Công ty Cát Thành đã trở lại xin chủ trương tái đầu tư. Theo ông Lâm Thanh Vũ, tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng đủ năng lực vào cụm CN và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN triển khai dự án.
Theo quy hoạch, giai đoạn 2011- 2015 phát triển 13 cụm CN và giai đoạn 2016- 2020 là 6 cụm CN. Vĩnh Long phấn đấu đến cuối năm 2013, tập trung thực hiện các thủ tục hoàn thành xây dựng hạ tầng Cụm CN Phước Thọ (Quới An, Vũng Liêm) để xúc tiến kêu gọi đầu tư.
Dù chưa bố trí được kinh phí xây dựng, song cụm CN này rất được kỳ vọng là mô hình thí điểm nhân rộng thực hiện cho Cụm CN Thuận Tiến (Thuận An, Bình Minh) và Cụm CN Tân Hòa (Tân Quới, Bình Tân). Mục tiêu phát triển cụm CN góp phần phát triển CN nông thôn, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Những điểm sáng thu hút đầu tư
Từ Chương trình hành động 07, đánh giá của Tỉnh ủy cho thấy, phát triển khu- cụm- tuyến CN giai đoạn 2011- 2015 đã được triển khai sâu, rộng đến các đoàn thể, các ngành, các cấp tạo được sự nhận thức đúng và sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân.
Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1301 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 07, cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy. Từ đó tạo chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khu- cụm- tuyến CN.
Một góc Khu CN Hòa Phú giai đoạn 1, đến nay đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng và được doanh nghiệp lấp đầy.
Đây chính là bước tạo đà vững vàng để tỉnh vạch ra lộ trình giải pháp phát triển CN tiếp theo, là cơ sở thu hút đầu tư căn cơ. Những nhiệm vụ đó là: mạnh dạn xóa quy hoạch những cụm CN chưa phù hợp, không thuận tiện và chia ra nhiều giai đoạn để thực hiện đối với những cụm CN có diện tích lớn (40- 50ha).
Đồng thời, lựa chọn những cụm CN phù hợp với quy hoạch, vị trí thuận tiện đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Tiến tới xây dựng môi trường đầu tư năng động, cạnh tranh gắn với cải cách thủ tục hành chính, mà cụ thể là duy trì và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ các DN như: lập quy hoạch, đầu tư hạ tầng 3 cụm CN ưu tiên... Điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư chung và đầu tư vào các khu- cụm- tuyến CN. Đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư.
Trong quá trình thực hiện dự án, quan điểm của Vĩnh Long là giải quyết hài hòa lợi ích của các bên, đặc biệt chú ý đến lợi ích của người dân. Dù vậy, Vĩnh Long không phát triển CN bằng mọi giá, mà khuyến khích DN thực hiện các công nghệ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
Phát triển các khu- cụm- tuyến CN phấn đấu giá trị sản xuất CN giai đoạn 2011- 2015 tăng bình quân 24%/năm là định hướng hoàn toàn đúng đắn, tạo được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề hóc búa không phải dễ dàng tìm ra đáp số.
Kỳ sau: Đường đi đến cụm CN
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin