Kỳ cuối: Tìm những giải pháp khả thi

06:04, 24/04/2013

Để tăng sức hấp dẫn của những dòng sản phẩm mới, đặc trưng, cần có sự đầu tư lớn về kinh phí, chất xám, thời gian. Nhưng cũng có những thay đổi không phải mất đồng bạc nào, vấn đề là ở nhận thức, là sự hợp tác hiệu quả từ cộng đồng cho đến các cấp chính quyền địa phương.

>> Kỳ 1: Đã yếu còn gặp khó


Homestay- dịch vụ ăn- nghỉ tại nhà dân được du khách nước ngoài cho là độc đáo.

Để tăng sức hấp dẫn của những dòng sản phẩm mới, đặc trưng, cần có sự đầu tư lớn về kinh phí, chất xám, thời gian. Nhưng cũng có những thay đổi không phải mất đồng bạc nào, vấn đề là ở nhận thức, là sự hợp tác hiệu quả từ cộng đồng cho đến các cấp chính quyền địa phương.

Những việc cụ thể trước mắt

Đại diện của Saigontourist và Bến Thành tourist- những doanh nghiệp trực tiếp đưa lượng lớn du khách đến Vĩnh Long- đề xuất những vấn đề rất cụ thể, nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm du lịch địa phương. Đó là vấn đề an toàn cho du khách, an toàn trên nhiều yếu tố, mà chúng ta chưa quan tâm trong nhiều năm qua.

Trước hết là bảo đảm an ninh địa bàn, tránh xảy ra trộm cắp, hay xâm hại đến du khách, vì phạm vi tham quan không chỉ gói gọn ở những điểm vườn, điểm lưu trú, mà nó diễn ra rộng khắp trên 4 xã cù lao. Kế đến là vấn đề an toàn sức khỏe, chuyện khẩn cấp chúng ta sẽ xử lý như thế nào?

Đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm, món ăn phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn. Đây là điều mà nhiều nhà vườn thiếu quan tâm, thậm chí chưa ý thức hết được tầm quan trọng của nó.

Ngoài ra, còn là chuyện an toàn trong quá trình vận chuyển, vì đặc thù các tour tuyến của Vĩnh Long đều gắn với sông nước, điều này nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của du khách, mà tai nạn tàu bè thì đã từng xảy ra rồi.

Ngay chuyện nhỏ như bến tàu, cây cầu lên xuống cũng chưa được đầu tư một cách an toàn, lịch sự, có nơi còn quá sơ sài, tạm bợ. Những chuyện tưởng nhỏ như thế này, tạo nên một hình ảnh không hay trong mắt khách tham quan, do đó khó lòng mà vươn đến tầm cao mới, bàn đến vấn đề mang tầm vĩ mô hơn khi chưa thể cải thiện những điều này.

Ông Nguyễn Trí Nghiệp đề xuất việc quản lý tốt hơn, để người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Những hành vi hủy hoại môi trường cần phải được xử lý nghiêm.

Theo thói quen, người dân thường vứt rác, xác động vật, gia cầm… xuống sông, rạch. Việc đánh bắt thủy sản bằng xiệc điện… những hình ảnh này diễn ra ngay trước mắt du khách, tạo nên tâm lý phản cảm và làm mất đi tình cảm rất nhiều đối với nông thôn Việt Nam .

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thanh đặt vấn đề ở tầm khái quát hơn. Đó là vấn đề ngoại giao nhân dân, đó là thái độ, cách ứng xử văn hóa của cả cộng đồng, chớ không riêng gì ở 28 điểm du lịch có đón tiếp khách.

Tạo nên một cộng đồng có văn hóa, thể hiện được bản chất con người đồng bằng chân tình, hiếu khách, thể hiện được nét đặc trưng của con người, làng quê của văn minh sông nước miệt vườn. Chỉ cần một hành vi xấu sẽ gây phản cảm, ảnh hưởng đến toàn bộ cư dân trên 4 xã cù lao. Cụ thể là ảnh hưởng xấu đến sản phẩm du lịch của chúng ta.

Tầm nhìn xa hơn

Đặc biệt quan tâm vấn đề quảng bá sản phẩm, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, đây là khâu khá yếu đối với khu vực ĐBSCL.

Riêng Vĩnh Long, lợi thế của 4 xã cù lao đã thấy rõ, nhưng chúng ta còn xem nhẹ, chưa đẩy mạnh những chiến dịch truyền thông, quảng cáo trực quan, chưa xây dựng được chiến lược quảng bá sản phẩm ở quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng rộng ra khu vực, cả nước và thế giới.
 
Và chuyên nghiệp hơn, dài hơi hơn, địa phương cần có đánh giá, hệ thống một cách khoa học để nêu bật được văn hóa, văn minh của cộng đồng cư dân sống ven sông Tiền. Đây là đề tài khoa học lớn, nó giúp việc quảng bá thương hiệu du lịch sinh thái miệt vườn rõ nét hơn, đặc trưng hơn.


Tát mương bắt cá.

Là địa phương “sở hữu” một tài sản quý mà thiên nhiên ban tặng, lãnh đạo huyện Long Hồ luôn mong muốn, quyết tâm đẩy mạnh sự tăng trưởng của ngành du lịch.

Cho nên, để trả lời những câu hỏi khó và để tạo môi trường an toàn, văn minh du lịch, an ninh trật tự an toàn xã hội trên 4 xã cù lao, UBND huyện đề ra một số giải pháp, trước mắt là kêu gọi các nguồn lực trong và ngoài huyện để đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh, từ hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú (homestay), đầu tư trang thiết bị phương tiện vận chuyển khách đối với các doanh nghiệp, và các cơ sở kinh doanh du lịch.
 
Tập trung nâng cấp các tuyến đường, nạo vét các sông, rạch bị bồi lắng, tạo điều kiện thuận lợi nhất, an toàn nhất cho du khách đến tham quan.

Bên cạnh đó, là tăng cường giáo dục và nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư về giữ gìn bảo vệ môi trường.

Qua đó, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trong việc xử lý các loại chất thải phát sinh, khắc phục tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn, phòng chống các tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh du lịch.

Đó là những việc làm thiết thực trước mắt, là cơ sở để tiến tới mở rộng liên doanh, liên kết vùng để tạo nên những gói sản phẩm mang tính đa dạng, phong phú của ĐBSCL.
 
Việc đẩy mạnh tăng trưởng du lịch địa phương, bằng những đề xuất, giải pháp cụ thể trên đây, cũng chính là nền tảng để 4 xã cù lao nhanh chóng xây dựng nông thôn mới một cách bền vững. Đặc biệt, là tiêu chí khó và quan trọng nhất, đó là tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh