Kỳ 1: Đã yếu còn gặp khó

06:04, 23/04/2013

Cuối tháng 3/2013, Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long kết hợp với huyện Long Hồ, tổ chức hội nghị “Tìm giải pháp liên kết khai thác phát huy du lịch sinh thái, văn hóa sông nước miệt vườn”. Nhiều ý kiến, đề xuất đưa ra tại hội nghị, tuy chưa thể ngay lập tức có một giải pháp tổng thể, nhưng là điều rất đáng lưu tâm cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong quá trình điều


Khu Du lịch Vinh Sang thành công trong việc thu hút nguồn khách nội địa.

Cuối tháng 3/2013, Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long kết hợp với huyện Long Hồ, tổ chức hội nghị “Tìm giải pháp liên kết khai thác phát huy du lịch sinh thái, văn hóa sông nước miệt vườn”.

Nhiều ý kiến, đề xuất đưa ra tại hội nghị, tuy chưa thể ngay lập tức có một giải pháp tổng thể, nhưng là điều rất đáng lưu tâm cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong quá trình điều hành, định hướng kinh doanh.

Hạn chế chung

Lãnh đạo huyện Long Hồ nhận định: “Từ lợi thế thiên nhiên, người dân 4 xã cù lao đã chuyển dịch kinh tế từ làm ruộng, làm vườn sang chuyên canh cây ăn trái và làm dịch vụ cho khách vào vườn cây theo mùa vụ”.

Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng thực tế cho thấy trong điều kiện cây trái bấp bênh về giá cả, thì chính du lịch là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để nông dân có thể “xuất khẩu” trái cây tại chỗ, thu về đồng ngoại tệ trực tiếp.

Trong số 900.000 lượt khách đến Vĩnh Long, có trên 200.000 lượt khách quốc tế thì tiền thu từ trái cây là nguồn thu đáng kể từ “xuất khẩu lao động” tại chỗ. Với gần 30 điểm vườn phục vụ các dịch vụ du lịch, đã giải quyết việc làm đáng kể cho lao động nông thôn. Hiện tổng số lao động trực tiếp trong ngành là 1.300 người, trong đó, chủ yếu là người dân thuộc huyện Long Hồ.

Lượng khách du lịch bằng đường thủy có lưu trú dài ngày trên tuyến sông Mekong đi Campuchia có chiều hướng tăng mạnh. Đây là nguồn khách có chi tiêu cao và luôn có lịch trình dừng chân trên địa bàn Vĩnh Long.

Nhưng cho đến nay, cũng chưa có sản phẩm đặc trưng nào dành riêng để thu hút mạnh nguồn khách này tăng ngày lưu trú, tăng các dịch vụ tiêu xài, mua sắm. Vĩnh Long cũng là một trong 4 tỉnh của cả nước được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch chọn để xây dựng làng du lịch cộng đồng. Đây cũng là điều rất đáng quan tâm, là cơ hội để đẩy mạnh du lịch trên 4 xã cù lao.

Tuy nhiên, cho đến nay việc tiến hành khảo sát, triển khai kế hoạch vẫn còn nhiều khó khăn. Không khai thác, phát huy hết lợi thế, tức chúng ta đã lãng phí cơ hội, đánh mất nguồn thu đáng kể.

Đánh giá về những hạn chế trong khai thác khách, ông Phạm Văn Hưởng- Quyền Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho rằng: “Phần lớn các đơn vị du lịch trong tỉnh hoạt động với tính chất hộ kinh doanh, do vậy việc mở rộng quy mô còn hạn chế, chưa mạnh dạn đầu tư, hạn chế sức cạnh tranh, khả năng phục vụ chủ yếu giới hạn những đoàn khách nhỏ, với số lượng từ 15- 20 khách”.

Ngoài ra, còn một hạn chế cơ bản đối với loại hình lưu trú là dịch vụ trong các cơ sở lưu trú còn đơn điệu, doanh số chủ yếu từ phục vụ lưu trú và ăn uống, thiếu những sản phẩm bổ trợ để làm phong phú sản phẩm điểm đến, các sản phẩm lưu niệm đa số là mua lại từ các địa phương khác, thiếu sản phẩm đặc trưng của cơ sở, địa phương mình.

Tiếng nói của doanh nghiệp

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp cũng có nhiều đề xuất, cần được quan tâm, hỗ trợ của địa phương. Ông Nguyễn Hoàng Vinh- Doanh nghiệp Vinh Sang kiến nghị: “Chúng tôi cần có đường giao thông, hệ thống cung cấp điện nước nhưng đề xuất Nhà nước hỗ trợ quá lâu vẫn chưa thấy”.


Du lịch xây nhà cho hộ nghèo là một trong những sản phẩm ấn tượng trong nhiều năm qua.

Doanh nghiệp Mekong Travel thì đề nghị cần có bến đỗ khách an toàn, lịch sự trên bộ lẫn đường thủy: “Bến tàu du lịch tại Vĩnh Long đã và đang xuống cấp trầm trọng. Nếu so sánh với bến tàu 26 tỷ đồng của Tiền Giang, thì trên 10 năm nay bến tàu du lịch Vĩnh Long chưa được nâng cấp gì. Bến đỗ cho xe đưa đón khách thì nằm ngay trên con đường đông đúc của trung tâm thành phố, nên không an toàn cho du khách và có khi gây ùn tắc giao thông”.

Ông Nguyễn Trí Nghiệp (Điểm du lịch Tám Hổ), than phiền rằng: “Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nhiều yếu kém. Đường bộ thì chật chội, không an toàn.

Đường sông vốn là thế mạnh nổi bật khi nhắc đến du lịch 4 xã cù lao, nhưng hàng năm cứ vào tháng Giêng đến tháng 5 âm lịch, những ngày nước cạn kiệt luôn là nỗi ám ảnh khi phải đi tàu ngang rạch Cái Muối, kinh Mương Lộ đoạn giáp ranh 3 xã Hòa Ninh, Đồng Phú, Bình Hòa Phước”.

Ngoài ra, ông Nghiệp cho rằng, với trên 80% các đơn vị kinh doanh du lịch là nhà vườn nên vốn ít ỏi, giới hạn, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ chiến lược đầu tư ở các tổ chức tín dụng là khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không có cơ hội mời gọi đầu tư, hợp tác… Vốn kinh doanh du lịch rất cần- nhất là nguồn vốn dài hạn.

Mặc hoàn cảnh kinh tế thế giới khó khăn, lượng khách du lịch đến Vĩnh Long chưa hề giảm. Dù sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhưng doanh thu 200 tỷ đồng của năm 2012 từ du lịch, cho thấy đây là một “kênh thu nhập” đáng kể cho kinh tế địa phương. Cho nên rất cần “gỡ khó” để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Con số mấy trăm tỷ đồng chưa phải là lớn, nhưng cái được là nguồn thu không “gom” về một doanh nghiệp, mà nó được “chia đều” cho nhiều thành phần lao động, khi chúng ta làm tốt du lịch cộng đồng.

Kỳ 2: Tìm những giải pháp khả thi

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh