Hiện nay, nhiều chợ trong tỉnh được chuyển đổi mô hình quản lý đã mang lại hiệu quả khả quan, vì vừa huy động được nguồn vốn, vừa tiết kiệm ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện tốt tiêu chí số 7 về xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, nhiều chợ trong tỉnh được chuyển đổi mô hình quản lý đã mang lại hiệu quả khả quan, vì vừa huy động được nguồn vốn, vừa tiết kiệm ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện tốt tiêu chí số 7 về xây dựng nông thôn mới.
Chuyển đổi mô hình quản lý đã mang lại nhiều hiệu quả khả quan.
Chuyển đổi để khai thác hiệu quả
Là một trong 2 chợ được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp khai thác quản lý chợ, chợ Vĩnh Xuân (Trà Ôn) đã dần đi vào hoạt động ổn định và đạt được nhiều kết quả.
DNTN Xuân Vĩnh đã đầu tư cải thiện, nâng cấp chỉnh trang lại chợ, xây dựng 60 ki-ốt mới, cải tạo nâng cấp nhà lồng khu B, nâng cấp sân chợ, hệ thống thoát nước… với tổng đầu tư trên 1,8 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho kinh doanh.
Qua 5 năm hoạt động, doanh nghiệp đã đạt nhiều lợi nhuận. Cụ thể, nguồn thu bình quân tăng 340- 390 triệu đồng/năm, tăng 300% so với mô hình ban quản lý. Bộ máy quản lý khai thác hiện nay là 7 người, nhẹ hơn 3 người so với trước, thu nhập bình quân trên 1,2 triệu đồng/tháng.
Trong khi, đối với mô hình cũ, hàng năm ngân sách phải cấp bù cho ban quản lý từ 40- 70 triệu đồng/năm thì lợi nhuận trong năm 2011- 2012 đạt trên 30 triệu đồng.
Với mô hình doanh nghiệp khai thác quản lý chợ, các hộ tiểu thương quen dần và thích nghi cơ chế quản lý mới, xóa bỏ tư tưởng trông chờ bao cấp, xây dựng mối quan hệ tín nhiệm giữa các hộ tiểu thương và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước không phải chi trả lương cho cán bộ ban quản lý chợ và đầu tư nâng cấp sửa chữa chợ, ngược lại, doanh nghiệp còn tăng nguồn thu cho ngân sách từ các khoản đăng nộp khấu hao tài sản hàng năm là 74 triệu đồng.
Cùng với chợ Vĩnh Xuân, chợ thị trấn Tam Bình (Tam Bình) được chuyển cho Hợp tác xã (HTX) Hoàn Thiện quản lý, hiện cũng đang hoạt động hiệu quả. Nhiều tiểu thương cho biết, trước đây cơ sở vật chất chợ thị trấn Tam Bình còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của tiểu thương.
Tháng 6/2009, chợ được chuyển đổi sang cho HTX Hoàn Thiện quản lý với tổng số vốn góp trên 1,1 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, HTX đã chú trọng công tác tổ chức, quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn minh thương mại của 350 hộ kinh doanh.
HTX đã đầu tư nâng cấp chợ khang trang, làm mái che, nhà vệ sinh công cộng, nhà giữ xe, xe rác… đáp ứng nhu cầu của tiểu thương. Chợ mới hiện đại và đẹp lên, cách bố trí hợp lý, thông thoáng, tiểu thương phấn khởi, người vào chợ cũng thích hơn, có thể ngắm nghía và thoải mái lựa chọn các mẫu hàng hóa đa dạng đang được bày bán.
Sự đồng thuận lớn
Toàn tỉnh hiện có 110 chợ: 1 chợ loại I, 16 chợ loại II, 85 chợ loại III, 8 chợ tạm. Đến nay, có 8 doanh nghiệp, 5 HTX tham gia đầu tư xây dựng kinh doanh, khai thác quản lý 16 chợ. Trong đó, chuyển đổi từ ban quản lý chợ sang doanh nghiệp là 2 chợ, sang HTX là 7 chợ và 7 chợ do doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng khai thác quản lý.
Cô Nguyễn Thị Tư- chủ quầy quần áo- Trung tâm thương mại Tam Bình phấn khởi: “Trước đây, buôn bán an ninh không đảm bảo, vệ sinh kém, sau khi được chuyển đổi quản lý, môi trường sạch sẽ hơn, có nhà vệ sinh, điện nước đầy đủ, an ninh được đảm bảo hơn”.
Tương tự, chú Phan Triệu Hùng- chủ quầy tạp hóa Trần Phát nói: “HTX thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… Qua đó, ý thức của tiểu thương cũng dần nâng lên”.
Nhờ chỉnh trang lại bộ mặt chợ, tiểu thương thấy thoải mái và an tâm mua bán hơn.
Ông Lương Minh Hoàng- Chủ nhiệm HTX Hoàn Thiện cho biết: Chuyển đổi mô hình quản lý chợ đã nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt hơn hoạt động buôn bán của tiểu thương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân.
Bên cạnh tăng nguồn thu cho ngân sách, HTX còn duy trì và thực hiện tốt phong trào xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, tham gia tốt các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, góp phần giúp cho các tiểu thương đoàn kết, gắn bó hơn trong kinh doanh.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít khó khăn đối với doanh nghiệp và HTX quản lý do chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa thực hiện tốt quy chế phối hợp và sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ quan liên quan trong công tác tổ chức quản lý chợ, phong trào xây dựng nếp sống văn minh khu vực chợ chưa được quan tâm đúng mức, chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng để đầu tư mở rộng dịch vụ…
Phát huy kết quả đã đạt được, trong kế hoạch xây dựng phát triển chợ và chuyển đổi mô hình quản lý chợ năm 2013, ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh: Sẽ tập trung thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển chợ và chuyển đổi mô hình quản lý chợ năm 2013.
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin