Cấp bách bảo vệ tài nguyên nước

07:04, 11/04/2013

Không phải đợi đến mùa khô hạn, xâm nhập mặn thì mới thấy “một phần tất yếu của cuộc sống” trở nên đáng quan tâm. Bảo vệ nguồn tài nguyên nước (TNN) đang làm nóng các diễn đàn trong nước và cả quốc tế.


Nuôi thủy sản trên sông đang đặt ra vấn đề phối hợp liên vùng để bảo vệ nguồn nước.

Không phải đợi đến mùa khô hạn, xâm nhập mặn thì mới thấy “một phần tất yếu của cuộc sống” trở nên đáng quan tâm. Bảo vệ nguồn tài nguyên nước (TNN) đang làm nóng các diễn đàn trong nước và cả quốc tế.

“Nguồn tài nguyên chiến lược toàn cầu mới”

Sự cấp bách thể hiện qua mối quan tâm đặc biệt của đại diện 51 nước thành viên Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM), Liên Hợp Quốc, các tổ chức khu vực, quốc tế tham dự hội thảo ASEM về “quản lý nước và lưu vực sông- cách tiếp cận tăng trưởng xanh” nhân Ngày Nước thế giới do Việt Nam đăng cai tổ chức gần đây.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Sự kiện này khẳng định quyết tâm của tất cả chúng ta cùng hành động để bảo vệ nguồn nước- nguồn tài nguyên chiến lược toàn cầu mới”.

Cũng tại hội thảo này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Các thách thức liên quan đến nguồn nước đã tồn tại xuyên suốt lịch sử phát triển của nhân loại.

Song, ngày nay thách thức này đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu hơn bao giờ hết, vì nguồn nước tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của từng quốc gia, từng người dân. Biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và khó lường.

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng đang làm suy thoái nguồn nước. Trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý các vấn đề về môi trường chưa được coi trọng. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và khả năng tiếp cận nước sạch của người dân.

Hiện nay có khoảng 150 quốc gia đang cùng chia sẻ và sử dụng chung các nguồn nước để phục vụ nhu cầu đời sống, kinh tế và phát triển. Các nguồn nước đi qua nhiều quốc gia đòi hỏi phải có sự hợp tác, chung sức xử lý các vấn đề liên quan, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng.

Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, việc bảo vệ nguồn TNN đã trở thành một ưu tiên của mỗi quốc gia. Nhiều phương pháp và cách tiếp cận quản lý mới đã được nghiên cứu, ứng dụng như phương pháp quản lý tổng hợp nguồn TNN, quản lý nước theo lưu vực sông, cách tiếp cận theo hệ thống quản lý nước- năng lượng- lương thực…

Quản lý nước cũng là chủ đề hợp tác ưu tiên của các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Năm 2013 cũng được Liên Hợp Quốc chọn là “Năm hợp tác quốc tế về nguồn nước”.

Bảo vệ nguồn tài nguyên nước: Cấp bách!

Kết quả quan trắc môi trường năm 2012 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho thấy, chất lượng nước mặt tại đa số các điểm quan trắc trên các sông, rạch chính có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp. Mức độ ô nhiễm nước mặt trên các sông lớn (sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Hậu) ô nhiễm thấp hơn so với các sông, rạch nội đồng.

Nước thải đô thị bị ô nhiễm bởi 4 thông số (BOD5, TSS, amoni, tổng coliform); vi sinh và amoni có mức độ ô nhiễm cao (hơn 93% điểm quan trắc vượt quy chuẩn môi trường từ 5 lần trở lên). Nước thải tại các khu vực chợ có mức độ ô nhiễm cao hơn so với các khu vực khác.

Với mức độ ô nhiễm nêu trên, nước thải đô thị đã góp phần làm suy giảm chất lượng nguồn nước mặt, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi sử dụng nguồn nước mặt trên các sông để sinh hoạt.

Chất lượng nước ngầm tại hầu hết các điểm quan trắc đạt quy chuẩn môi trường, riêng thông số vi sinh và amoni bị ô nhiễm ở mức độ cao tại đa số các điểm quan trắc. Đa số các giếng tại các trạm cấp nước có chất lượng khá tốt; một số giếng hộ gia đình thuộc các xã vùng sâu có chất lượng kém về hàm lượng vi sinh, độ cứng, mangan, amoni và clorua.

Để quản lý tốt nguồn TNN, thời gian qua, việc cấp giấy phép khai thác nguồn tài nguyên này được tỉnh Vĩnh Long thực hiện theo đúng quy định. Trong năm 2012, toàn tỉnh đã cấp 31 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, nước dưới đất và 2 giấy phép xả thải vào nguồn nước.


Công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước. Trong ảnh: Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Phú có công nghệ xử lý hiện đại bậc nhất trong các khu công nghiệp ở ĐBSCL.

Bên cạnh, nhằm phục vụ cho nhu cầu khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt đề cương thực hiện dự án điều tra và quy hoạch TNN trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020. Đến nay, đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, ban, ngành liên quan và dự kiến hoàn thành trong quý II/2013.

Làm việc với tỉnh Vĩnh Long gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Quang Minh đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường của tỉnh thời gian qua, đồng thời lưu ý địa phương cần chú trọng quản lý, khai thác, sử dụng có kiểm soát nguồn tài nguyên, trong đó có TNN.

Đặc biệt, việc khai thác, sử dụng quá mức nguồn nước ngầm tại nhiều địa phương hiện nay đang làm suy giảm nguồn nước nghiêm trọng, khiến xâm nhập mặn gia tăng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Cũng tại buổi làm việc này, tỉnh Vĩnh Long kiến nghị bộ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để Luật TNN hiện hành được áp dụng đồng bộ và nhanh chóng đi vào thực tiễn.
 
Vĩnh Long thuộc hạ lưu sông Mekong, các vấn đề liên vùng về môi trường như: xử lý chất thải công nghiệp, quản lý chất lượng nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông Mekong, nuôi thủy sản trên sông,… vẫn chưa được hướng dẫn của Trung ương, nên chưa có sự phối hợp đồng bộ. Do đó, bộ cũng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về vấn đề này.

Nhằm tăng cường công tác quản lý TNN, trong tháng 3/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý TNN trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đó, các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng TNN (nước dưới đất, nước mặt) không được lợi dụng hành nghề khoan nước dưới đất để khai thác khí thiên nhiên; không chôn lấp, đổ chất thải vào các lỗ khoan, giếng khoan, các nguồn nước hoặc các công trình thu nước khác, không thải nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường tràn lan ra môi trường; không đưa nước thải, chôn lấp các chất độc hại, xác động vật bị dịch bệnh và chất thải nguy hại khác vào trong các nguồn nước không đúng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường; hủy hoại nguồn nước dưới đất,…

Bên cạnh, hạn chế cấp phép khai thác nước dưới đất đối với các khu vực có nguồn nước mặt dồi dào, vùng có các hệ thống cung cấp nước tập trung, các khu- cụm- tuyến công nghiệp, nơi xử lý chất thải nguy hại, các bãi chôn lấp rác thải, xác động vật…


Bài, ảnh: THÀNH LONG


 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh