Thông tư số 09/2012/TT-BXD, ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định kể từ ngày 15/1/2013, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN). Thực hiện chủ trương này, tỉnh Vĩnh Long cũng đang gấp rút chuẩn bị cho việc ứng dụng vật liệu mới này vào các công trình xây dựng trên địa bàn.
Vật liệu xây không nung có độ rỗng lớn hơn 30% và vật liệu xây không nung loại nhẹ được khuyến khích sử dụng tại các công trình.
Thông tư số 09/2012/TT-BXD, ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định kể từ ngày 15/1/2013, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN). Thực hiện chủ trương này, tỉnh Vĩnh Long cũng đang gấp rút chuẩn bị cho việc ứng dụng vật liệu mới này vào các công trình xây dựng trên địa bàn.
Cụ thể, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước theo quy định hiện hành được cấp phép xây dựng hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án từ ngày 15/1/2013 tại TP Vĩnh Long (đô thị loại III) phải sử dụng 100% VLXKN. Công trình xây dựng tại các khu vực còn lại trong tỉnh phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.
Riêng các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 sử dụng tối thiểu 50% VLXKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây dựng). Đối với những công trình xây dựng không sử dụng nguồn vốn nhà nước và có số tầng nhỏ hơn 9 tầng thì được khuyến khích sử dụng VLXKN.
Trường hợp các công trình đã được cấp phép xây dựng hoặc được các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án trước ngày 15/1/2013 thì thực hiện như giấy phép đã được cấp hoặc quyết định đã được phê duyệt; bên cạnh khuyến khích chủ đầu tư thay đổi thiết kế để sử dụng VLXKN.
Riêng những công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận. Ngoài ra, VLXKN có độ rỗng lớn hơn 30% và VLXKN loại nhẹ được khuyến khích sử dụng tại các công trình.
Mặc dù thực hiện theo lộ trình nhưng việc ứng dụng VLXKN đang đặt ra vấn đề nguồn cung. Theo ông Trần Hoài Hiệp- Phó Giám đốc Sở Xây dựng, mặc dù trên địa bàn tỉnh hiện tại chưa có doanh nghiệp sản xuất loại vật liệu này nhưng nguồn cung VLXKN hiện nay có khả năng đáp ứng được nhu cầu của tỉnh vì thị trường cung ứng VLXKN đã có ở nhiều địa phương lân cận như: Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp,…
Tuy nhiên việc mua VLXKN từ những địa phương khác thì chi phí sẽ tăng lên nên suất đầu tư của những dự án có sử dụng loại vật liệu này cũng sẽ tăng theo. Vấn đề hiện nay là tỉnh cần có chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư phát triển công nghệ mới này.
Ông Đặng Quang Tấn- Phó Trưởng Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Hiện Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Hải Long đã đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN tại Khu công nghiệp Hòa Phú với tổng vốn đầu tư là 51 tỷ đồng. Trong đó doanh nghiệp đã được vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Vĩnh Long là 20 tỷ đồng.
Dự kiến đầu quý III/2013, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành và cho ra lò dòng sản phẩm đầu tiên. Công suất của dây chuyền ở giai đoạn 1 là 12 triệu viên gạch mỗi năm. Giai đoạn 2 và 3 của dây chuyền dự kiến hoàn thành vào năm 2014 và 2015, khi đó tổng công suất sẽ lên đến 36 triệu viên/năm.
Cũng theo ông Đặng Quang Tấn, nhiều khả năng tại Khu công nghiệp Bình Minh cũng sẽ có 1 nhà máy sản xuất VLXKN, bởi thời gian qua đã có 1 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đã tìm hiểu đầu tư công nghệ này với khả năng cung ứng khoảng 100 triệu viên gạch mỗi năm.
Tại hội nghị triển khai công tác xây dựng cơ bản năm 2013, ông Trương Văn Sáu- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành xây dựng, công thương tham mưu việc thực hiện chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng về sử dụng VLXKN, trong đó tập trung tại TP Vĩnh Long và TX Bình Minh.
Bên cạnh, các ngành liên quan cần tích cực hướng dẫn và phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu này nhằm chủ động nguồn cung, đồng thời cân đối số lượng hợp lý để tránh khủng hoảng thừa.
Trước mắt, tỉnh sẽ xem xét đến việc ứng dụng công nghệ này trên cơ sở tính toán tỷ lệ và tìm kiếm nguồn cung thích hợp.
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin