Hướng đến môi trường an toàn

01:03, 26/03/2013

Hiệp hội Du lịch Vĩnh Long đang chuẩn bị hội nghị chuyên đề: “Tìm giải pháp liên kết khai thác, phát huy du lịch sinh thái, văn hóa sông nước miệt vườn”.


Đội tàu của Công ty CP Du lịch Cửu Long được đầu tư đạt chuẩn an toàn, lịch sự.

Hiệp hội Du lịch Vĩnh Long đang chuẩn bị hội nghị chuyên đề: “Tìm giải pháp liên kết khai thác, phát huy du lịch sinh thái, văn hóa sông nước miệt vườn”.

Nhân dịp này, chúng tôi góp nhặt một số ý kiến từ những người làm du lịch địa phương. Không hẳn là bám theo chủ đề rộng lớn đó, mà chỉ là những vấn đề nho nhỏ song vô cùng cần thiết để chúng ta có thể xây dựng nên những sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn.

Đặt vấn đề liên kết, đó là xu hướng tất yếu của du lịch đồng bằng hiện nay. Trong khu vực ĐBSCL, chúng ta đang hướng đến 2 dạng liên kết chủ yếu, đó là: liên kết vùng và liên kết cụm. Liên kết vùng có tính chất tổng thể tạo nên sự liên tuyến, liên tour giữa những địa phương có tài nguyên khác biệt, hình thành nên những sản phẩm phong phú, đa dạng.
 
Liên kết cụm là sự “xích lại” gần nhau giữa những doanh nghiệp, địa phương có cùng định hướng kinh doanh; điều này tránh sự cạnh tranh không lành mạnh về giá cả, chất lượng sản phẩm.

Do đó, ngay trên cùng 4 xã cù lao, các công ty, các nhà vườn đang khai thác cùng loại sản phẩm, cũng rất cần thiết phải liên kết lại với nhau dưới sự điều phối của một đơn vị “cầm trịch” đủ mạnh, uy tín. Điều này giúp tránh sự làm ăn manh mún, vô tổ chức và không chuyên nghiệp.

Thời gian gần đây, phải ghi nhận sự đóng góp, hỗ trợ nhiều mặt từ đơn vị chủ quản là Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, sự ra đời của Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch như một “cú hích” tạo nên động lực kết nối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp ngoài tỉnh; bên cạnh đó là sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương.

Đã có rất nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, nhiều lớp tập huấn cho nhà vườn, các lớp nghiệp vụ về buồng, bếp… Đây là những hoạt động thiết thực, cần tổ chức liên tục, thường xuyên và ngày càng nâng cấp hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn những “khoảng trống”, cần quan tâm nếu chúng ta muốn hướng đến sự phục vụ chuyên nghiệp hơn. Đó là môi trường an toàn, trong quá trình xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn.

An toàn sông nước là vấn đề số một, nhưng xem ra hoạt động này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù, gần đây các doanh nghiệp lớn đã đầu tư nhiều tàu thuyền chất lượng cao, như Công ty CP Du lịch Cửu Long có những tàu trị giá hàng tỷ đồng.

Song, vẫn còn “đội quân” tàu bên ngoài chuyên bắt khách lẻ, nhưng hiện nay hoạt động khá khép kín, có phối hợp với các khách sạn, đại lý du lịch trên TP Hồ Chí Minh, tự tổ chức tour trọn gói có cả dịch vụ homestay.

Trong đó, có những chiếc tàu chỉ cần nhìn bằng “mắt thường” đã thấy không an toàn rồi. Việc này không khó kiểm tra. Tai nạn chìm tàu ở Vĩnh Long không phải là chưa xảy ra, dù chưa có sự cố chết người như bên Cần Thơ.

Tuy nhiên trong lĩnh vực khai thác khách quốc tế chúng ta không được chủ quan. Các anh chị hướng dẫn viên lâu năm, nhiều kinh nghiệm còn có chung băn khoăn là lực lượng hướng dẫn viên “sông nước” hiện nay đa phần… không biết bơi thì nói gì đến những kỹ năng ứng phó, ứng cứu khi tình huống xảy ra.

Chưa kể, người đồng bằng chưa có “khái niệm” bão trong khi thực tế vùng ĐBSCL không thể là vùng an toàn về bão. Những năm gần đây đã chứng minh điều đó, như cơn bão số 5 năm 1997 đi vào bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu gây thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản vùng này, đặc biệt cho ngư dân; cơn bão số 9 năm 2006 đổ bộ trực tiếp vào Tiền Giang, Bến Tre và nội đồng ĐBSCL đã gây thiệt hại lớn.

Do đó, khi cơn bão năm 2006 đã vào đến Bến Tre thì ở Vĩnh Long vẫn điều hướng dẫn qua Cái Bè… đón khách.


Tour xe đạp có hướng dẫn viên đi kèm.

Theo anh Trương Công Hào (Du lịch Đường Mòn Mekong), một vấn đề đáng ngại nữa là an toàn về tai nạn giao thông. Đối với tour xe đạp, luôn có hướng dẫn địa phương đi cùng và phần lớn du khách là những người đạp xe chuyên nghiệp, có ý thức an toàn giao thông, có sự nhắc nhở của hướng dẫn về “tập quán” đi xe của người Việt Nam .

Còn những du khách tự đạp xe lang thang, từ các con đường nông thôn bên cù lao, cho đến các con lộ lớn, thì thật sự là rất nguy hiểm. Đối với người cho khách thuê xe, cần phải dặn dò cẩn thận, thuyết minh kỹ về tình hình an toàn giao thông ở Việt Nam … Có những tai nạn chưa xảy ra, không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra.

Anh Trần Hoàng Vũ, gắn bó với nghề hướng dẫn đã 20 năm, đặt vấn đề về an ninh cho khách lưu trú, cũng như tự đi tham quan trên 4 xã cù lao: Cho đến nay, chúng ta chưa lưu ý đến việc bảo đảm an toàn về tài sản, thân thể cho du khách.
 
Với trên 20 điểm có tổ chức homestay, chúng ta chưa có hệ thống phối hợp trong những trường hợp khẩn cấp. Thí dụ đơn giản như vấn đề an toàn cho khách nữ; những người địa phương uống rượu say xỉn quậy phá; trường hợp khách bệnh cần cấp cứu hay đột tử…

Ngoài sự phối hợp thường trực có hệ thống, trong những trường hợp khẩn cấp thì liên lạc với ai, đường dây nóng ra sao?

Còn vấn đề ảnh hưởng thường trực đến sức khỏe khách hàng, có thể ảnh hưởng đến uy tín của du lịch địa phương, đó là việc vệ sinh an toàn thực phẩm. Một chủ doanh nghiệp lớn, hàng ngày có khi hàng trăm khách, nhưng mỗi sáng sớm đảo chợ Vĩnh Long mua rau cải loại rẻ tiền dưới lề đường.

Đương nhiên, nhiều nhà vườn cũng chưa bao giờ phải vào siêu thị để chọn mua thực phẩm an toàn. Vấn đề sản phẩm hạ giá rẻ, nên người kinh doanh phải chi li từng đồng rau cải, thịt cá. Chưa kể nhiều nhà vườn dùng chén, đũa nhựa Trung Quốc, nhìn rất nhếch nhác và phản cảm.

Để du lịch cù lao phát triển, rất cần có tầm nhìn xa, hướng đến sự liên kết cụm, liên kết vùng, tạo nên sức hấp dẫn mới. Nhưng trước hết, cần phải bắt đầu từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất, là tạo nên ý thức của người kinh doanh về môi trường an toàn trong xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch.

Có những chuyện nhỏ như cây cầu tàu lên xuống an toàn cho du khách, nhưng mấy mươi năm nó vẫn còn rất “bập bênh”, thì khoan hãy bàn đến những chuyện mang tầm vĩ mô.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh