
Qua 2 tháng đầu năm, nền kinh tế của tỉnh càng bộc lộ nhiều thách thức tạo áp lực rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Sản xuất chưa có nhiều tín hiệu khả quan, hàng tồn kho lớn, nợ xấu… vẫn là những khó khăn cần phải vượt qua.
Qua 2 tháng đầu năm, nền kinh tế của tỉnh càng bộc lộ nhiều thách thức tạo áp lực rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Sản xuất chưa có nhiều tín hiệu khả quan, hàng tồn kho lớn, nợ xấu… vẫn là những khó khăn cần phải vượt qua.
Hàng tồn kho vẫn cao
Việc thu mua lúa tạm trữ đã góp phần thúc đẩy tăng giá lúa gạo, giá thu mua lúa tươi tại ruộng đối với lúa IR 50404 từ 4.400- 4.500 đ/kg, lúa hạt dài từ 4.700- 4.900 đ/kg, phần nào đã tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định nhưng giá cả của các mặt hàng này đang giảm.
Giá heo hiện đang ở mức 40.000 đ/kg, giảm 5% so với đầu năm, giá gà công nghiệp cũng giảm khoảng 10%, giá trứng gà, vịt đã giảm 14%. Giá cá tra nguyên liệu dao động từ 20.000- 22.000 đ/kg trong khi giá thành sản xuất từ 23.000- 24.000 đ/kg nên người nuôi đang lỗ từ 2.000- 2.500 đ/kg.
Nguồn vốn huy động tăng thêm 1,82% là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế (ảnh minh họa).
Do nghỉ Tết Nguyên đán nên chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (CN) đã giảm khoảng 13,57% so với đầu năm. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, tính chung trong 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất CN tăng 10,26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành CN khai khoáng tăng 2,8%; CN chế biến, chế tạo tăng 10,21%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 21,11%; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,49%.
Tuy nhiên, đó chỉ là chút điểm sáng “nhỏ”, bên cạnh nhiều ngành có mức sản xuất giảm mạnh: sản xuất sản phẩm gốm sứ, dầu mỏ tinh chế, xi măng, thuốc lá, hóa dược và dược liệu, đóng tàu và cấu kiện nổi… Ở lĩnh vực thương mại, sức mua tăng không cao so với cùng kỳ năm trước, chỉ tăng mạnh tập trung vào những ngày cận tết. Xuất khẩu do ảnh hưởng của tết nên giảm trong tháng 2.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.390 tỷ đồng, tăng 4,5% so với tháng trước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 21,14 triệu USD, giảm trên 38% so với tháng trước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt mức tăng khá như: xuất khẩu gạo tăng gấp 2,2 lần về sản lượng và tăng 73,45% về giá trị, giày da tăng 35,31%, hàng thủy sản tăng 88,37%, hàng dệt may tăng 61,91%, nhưng vẫn có một số nhóm hàng giảm mạnh.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm đầu tháng 2/2013 của CN chế biến, chế tạo tăng 68,33% so với cùng thời điểm năm trước. Một số sản phẩm tồn kho cao như: sản xuất cấu kiện làm sẵn cho xây dựng bằng xi măng, bê tông, dầu mỏ tinh chế, giày thể thao… đã ảnh hưởng đến mức tăng chỉ số tồn kho chung.
Để kinh tế vượt khó
Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Long, giá trị sản xuất CN trong các khu- tuyến CN trong tháng 2 ước đạt 301 tỷ đồng, giảm 8,36% so với tháng trước, tổng doanh thu chỉ đạt 674 tỷ đồng, giảm trên 22%.
Trong tình hình khó khăn chung, một số dự án thứ cấp trong KCN Hòa Phú giai đoạn 1 và KCN Bình Minh vẫn tiếp tục được đầu tư xây dựng mới cũng như triển khai xây dựng phần diện tích còn lại theo kế hoạch. Tuy nhiên trong tháng 2, vẫn chưa có dự án mới nào được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Để nâng cao hiệu quả công tác này, bên cạnh xúc tiến đầu tư vào các khu- tuyến CN hiện hữu, sẽ phối hợp mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực để đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng 3 KCN mới (An Định, Bình Tân, Đông Bình).
Ngoài ra, xem xét điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh trong giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh và địa điểm thực hiện dự án tại một số doanh nghiệp (DN) thuộc các khu- tuyến CN, cảng Bình Minh.
Các KCN trong năm 2013 tiếp tục được đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Ảnh: Trần Phước
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt
Ông Nguyễn Trọng Nghiệp- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long: Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN và giải quyết nợ xấu, hướng tới sẽ xem xét cơ cấu lại nợ của các DN có khả năng và điều kiện phát triển, đối với các DN gặp khó nhưng có hướng vươn lên mà sử dụng tài sản chưa hợp lý thì ngân hàng tư vấn cho DN bán bớt tài sản để thanh toán nợ.
Riêng những DN không còn khả năng sản xuất kinh doanh thì phải bán tài sản để hoàn thành nghĩa vụ tài chính với ngân hàng.
Tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh vừa qua, ông Trương Văn Sáu- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu giải pháp thành lập hẳn một BCĐ theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có giải quyết nợ xấu.
Ông Nguyễn Văn Diệp- Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất điều này và cho đây là một trong những phần việc trọng tâm thực hiện trong tháng 3 này nhằm hỗ trợ kịp thời để DN phát triển ổn định hơn.
Với các chính sách, động thái hỗ trợ tích cực của Trung ương và địa phương, cùng sự chủ động nắm bắt cơ hội của các DN, hy vọng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ từng bước phục hồi, đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.
THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin