Tăng cường sử dụng gạch không nung, có nghĩa sẽ giảm dần tỷ lệ sử dụng gạch đất sét nung. Điều này đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất gạch trên địa bàn tỉnh vốn khó khăn lâu nay.
Tăng cường sử dụng gạch không nung, có nghĩa sẽ giảm dần tỷ lệ sử dụng gạch đất sét nung. Điều này đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất gạch trên địa bàn tỉnh vốn khó khăn lâu nay.
Với áp lực chuyển đổi sử dụng gạch không nung, khó khăn của làng gạch nhân đôi.
Khó vì công nghệ lạc hậu
Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh có 7 làng nghề sản xuất gạch, gốm được công nhận, trong đó huyện Mang Thít có đến 6 làng nghề. Theo thống kê từ năm 2005- 2010, giá trị sản lượng của ngành nghề sản xuất gạch, gốm chiếm trên 37% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn của tỉnh và chiếm gần 56,9% giá trị sản lượng nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, qua đó cho thấy đây là một trong những thế mạnh của tỉnh.
Tuy nhiên, ngành nghề sản xuất gạch, gốm của tỉnh vẫn còn sử dụng lò thủ công với công nghệ lạc hậu. Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất nằm xen lẫn khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, vùng nguyên liệu không tập trung, xa nơi sản xuất ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Tính đến tháng 6/2012, toàn tỉnh có 1.127 cơ sở sản xuất gạch, gốm với 2.664 miệng lò. Trong số đó, hiện có đến 748 cơ sở (1.547 miệng lò) ngưng hoạt động (chiếm khoảng 70%) và chỉ còn 334 cơ sở (737 miệng lò) còn hoạt động cầm chừng. Hầu hết cơ sở sản xuất trên đều sử dụng lò thủ công (lò tròn). Hiện chỉ có 1 lò tuynel công suất 5- 7 triệu viên gạch mỗi năm và 4 lò vòng (lò hoffman) sử dụng nhiên liệu trấu.
Đánh giá của ngành xây dựng, bên cạnh những khó khăn về công nghệ, thì việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung đã tạo áp lực không nhỏ đến hoạt động của ngành nghề sản xuất gạch, gốm.
Cụ thể, nguồn vốn để các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến hoặc đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, lực lượng lao động chưa đủ năng lực để vận hành, quản lý cơ sở sản xuất theo quy mô và dây chuyền công nghệ tiên tiến nếu được đầu tư chuyển đổi hoặc xây dựng mới.
Công nghệ lạc hậu khiến ngành sản xuất gạch gặp khó.
Áp lực chuyển đổi
Thực hiện chủ trương về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung của Chính phủ, việc phát triển các dây chuyền sản xuất vật liệu mới này là một đòi hỏi cấp thiết.
Cũng từ nhu cầu cấp bách này mà vừa qua, ông Trương Văn Sáu- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan cần tích cực hướng dẫn và phối hợp với Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu này nhằm chủ động nguồn cung, phấn đấu thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 20- 25% vào năm 2015 và từ 30- 40% vào năm 2020.
Theo khảo sát của ngành xây dựng, nhu cầu số dây chuyền sản xuất gạch không nung (công suất 20 triệu viên gạch mỗi năm) đến năm 2015 là 5- 6 dây chuyền và năm 2020 là 9- 10 dây chuyền. Nhu cầu sản lượng gạch không nung của tỉnh ở các thời điểm trên lần lượt là từ 90- 120 triệu viên (2015) và từ 150- 200 triệu viên (2020).
Nguồn vốn đầu tư cần thiết cho mỗi dây chuyền khoảng 14 tỷ đồng. Trước mắt, tỉnh cần đầu tư 50% nhu cầu trên, phần sản lượng vật liệu xây không nung còn thiếu sẽ được khuyến khích mua tại các tỉnh lân cận có sản phẩm.
Với mục tiêu giảm dần, tiến tới xóa bỏ các lò thủ công sử dụng công nghệ lạc hậu, ngành chuyên môn của tỉnh sẽ tổ chức lại các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung hiện có trong các cụm- tuyến quy hoạch của tỉnh, huyện hoặc các làng nghề đã được công nhận, để từng bước chuyển sang công nghệ lò tuynel hoặc các công nghệ tiên tiến khác đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Theo dự thảo kế hoạch lộ trình chuyển đổi, việc tháo dỡ, xóa bỏ các lò thủ công được thực hiện trước tiên tại các cơ sở sản xuất nằm trong khu vực thị tứ (gồm 14 cơ sở với 26 miệng lò); kế đến là các cơ sở ngoài cụm- tuyến quy hoạch của tỉnh, huyện (261 cơ sở với 459 miệng lò); sau cùng là các cơ sở trong cụm- tuyến quy hoạch (807 cơ sở với 1.799 miệng lò).
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin