Tết luôn là thời điểm làm ăn của nhiều dịch vụ, trong đó, có xe vận chuyển khách. Tuy nhiên, hành khách thường phải chi thêm một khoản tiền đáng kể khi di chuyển bằng xe khách liên tỉnh. Giá cước xe khách tăng với mức 40%, thậm chí gấp đôi so với ngày thường.
Tết luôn là thời điểm làm ăn của nhiều dịch vụ, trong đó, có xe vận chuyển khách. Tuy nhiên, hành khách thường phải chi thêm một khoản tiền đáng kể khi di chuyển bằng xe khách liên tỉnh. Giá cước xe khách tăng với mức 40%, thậm chí gấp đôi so với ngày thường.
Vĩnh Long cơ bản đáp ứng vận chuyển hành khách đợt cao điểm tết.
Cơ bản đáp ứng đợt cao điểm
Bến xe TP Vĩnh Long là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh lỵ và khu vực. Dịp tết vừa qua, tuy lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển tăng nhiều lần so với ngày thường, nhưng do đã có chuẩn bị trước, nên Bến xe TP Vĩnh Long vẫn đảm bảo phục vụ tốt, không để tình trạng ứ đọng khách do thiếu phương tiện vận chuyển.
Tết năm nay, Bến xe khách Vĩnh Long phục vụ ở cả 3 đầu bến: Vĩnh Long, Bình Minh và Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm). Số liệu thống kê từ ngày 7- 19/2/2013 (từ 27 đến mùng 10 tết), Bến xe khách Vĩnh Long đón 1.035 phương tiện và 7.718 hành khách. Số hành khách tăng 8%, số lượng xe tăng 2% so năm ngoái.
Những ngày trước tết, tuy lượng hành khách tăng không nhiều nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì một lượng xe nhất định với kế hoạch cụ thể như tăng chuyến, rút ngắn thời gian xuất bến. Sở Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo cho các doanh nghiệp tăng giá vé theo quy định, không được tăng cao. Đồng thời, đảm bảo trực 30% số đầu xe của 4 doanh nghiệp vận tải đóng trên địa bàn, không để khách ứ đọng đợt cao điểm.
Công ty CP Vận tải ôtô Vĩnh Long trực 100% thời gian từ ngày 2- 17/2/2013 (từ 22 đến hết mùng 8 tết). Ông Lưu Thanh Bình- Phó Giám đốc công ty cho biết, những năm gần đây, Vĩnh Long hầu như không xảy ra tình trạng ứ đọng khách trong các kỳ lễ tết, riêng dịp tết năm nay doanh nghiệp vẫn đảm bảo các tuyến và vận chuyển hành khách kịp thời.
Tuy nhiên theo ông, việc điều động các phương tiện trong những tình huống cấp bách để chuyển tải hành khách do xe vi phạm bị xử lý hạ tải, xe có sự cố kỹ thuật,… cần có giải pháp chủ động hơn để đáp ứng kịp thời, nhanh chóng.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn khi điều động phương tiện từ điểm khác đến, chi phí phải trả cho doanh nghiệp được điều động phương tiện đến giải tỏa hành khách còn nhiều bất cập, có trường hợp hai bên chưa thỏa thuận được mức giá, khiến hành khách phải chờ đợi, hoặc phải tự tìm phương tiện khác.
Ngán giá cước, ngại kẹt xe
Mùng 8 tết, chị Trương Thị Trúc Ly (Vũng Liêm), mua vé đi TP Hồ Chí Minh của một hãng xe chạy tuyến Trà Vinh- TP Hồ Chí Minh với giá 200.000 đ/vé. Mức giá này đã tăng gần 100% so với ngày thường. “Xe xuất phát từ 7 giờ nhưng đến hơn 13 giờ chiều mới đến TP Hồ Chí Minh, nếu những ngày bình thường hãng xe này có xe trung chuyển thì hôm đó lại không”- chị Ly cho biết.
Hành khách nên chọn hãng xe uy tín để đảm bảo chất lượng phục vụ và giá cả hợp lý.
Những ngày sau tết, nhiều hành khách đổ xô về thành phố nên nhiều đoạn quốc lộ bị kẹt xe. Cũng vì tình trạng kẹt xe mà trường hợp của chị Tạ Thị Thanh Trúc (Vũng Liêm) “gian truân” hơn, ngày mùng 8 chị đã đặt vé của hãng xe K.H. ở Trà Vinh, lúc 15 giờ (địa điểm đón là tại Bến xe khách Vĩnh Long với giá 200.000 đ/vé) nhưng đến khoảng hơn 13 giờ thì nhân viên nhà xe trên gọi lại báo là phải hủy vé do kẹt xe tại địa bàn tỉnh Tiền Giang nên xe không đi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long mà chuyển sang đi hướng phà Cổ Chiên, qua Bến Tre nên chị phải đặt lại vé của hãng xe khác để đi vào ngày hôm sau.
Nếu so sánh mức giá cước xe mà các doanh nghiệp vận tải đăng ký tăng vào thời điểm trước tết, giá vé từ TP Hồ Chí Minh về Vĩnh Long khoảng 140.000 đ/vé (tăng 40%) thì khoảng thời gian sau tết, giá vé nhảy vọt lên tới 200.000đ, có nghĩa tăng gấp đôi so với mức giá bình thường.
Theo một nhân viên Bến xe khách Vĩnh Long, đối với một số hãng xe uy tín đón trả khách thông qua bến với giá niêm yết thì giá cả tăng hợp lý hơn. Riêng những hành khách đặt vé và đón dọc đường thì phải chịu mức giá tăng bất thường này. Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại dịp tết quá cao nên hành khách cũng không có nhiều chọn lựa.
Để né kẹt xe, nhiều người dân phải đi làm sau tết bằng xe khách liên tỉnh đã tranh thủ đi sớm hơn vài ngày. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ sáng sớm ngày mùng 6 tết, dọc tuyến QL53, chủ yếu ở các ngả đường như tại khu vực cầu Đá (Vũng Liêm), ngã ba Cái Nhum (Mang Thít), ngã ba Long Hiệp (Long Hồ)… đã có rất nhiều hành khách khệ nệ đồ đạc chờ xe, nhưng lượng khách giảm dần các ngày sau đó.
Mặc dù đợt cao điểm tết trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ùn ứ khách, kẹt xe, nhưng trên tuyến QL1, đoạn từ ngã ba Trung Lương về Vĩnh Long (thuộc tỉnh Tiền Giang) thì năm nào cũng xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải tỏa lưu lượng giao thông từ các tỉnh miền Tây đi TP Hồ Chí Minh. Nếu như phương tiện giao thông dồi dào giúp vận chuyển hành khách nhanh chóng thì việc có quá nhiều xe đi qua tuyến “độc đạo” này luôn là điểm nghẽn mỗi đợt cao điểm lễ tết.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc tăng cường công tác phối hợp điều tiết giao thông đợt cao điểm thì việc đầu tư hạ tầng giao thông xứng tầm cần tính toán một cách thấu đáo, để mỗi lần về quê ăn tết người dân không phải nặng lo về các khoản chi phí lẫn thời gian đi đường.
Bài, ảnh: LÊ SƠN- TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin