Làm mới du lịch đồng bằng

08:02, 12/02/2013

Ai cũng biết, ai cũng nhận thấy liên kết hợp tác sẽ tạo ra sản phẩm mới, sức mạnh mới. Nhưng, bao năm nay vẫn chỉ dừng lại ở mức “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Sự “rời rạc” trong mối quan hệ khu vực, trong mối quan hệ với TP Hồ Chí Minh, đang rất cần một “nhạc trưởng”, để bản “hòa tấu” du lịch đồng bằng không còn phải… lạc nhịp, để rồi cứ mãi giẫm chân tại chỗ.

Ai cũng biết, ai cũng nhận thấy liên kết hợp tác sẽ tạo ra sản phẩm mới, sức mạnh mới. Nhưng, bao năm nay vẫn chỉ dừng lại ở mức “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Sự “rời rạc” trong mối quan hệ khu vực, trong mối quan hệ với TP Hồ Chí Minh, đang rất cần một “nhạc trưởng”, để bản “hòa tấu” du lịch đồng bằng không còn phải… lạc nhịp, để rồi cứ mãi giẫm chân tại chỗ.


Tour đánh bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao, một sản phẩm mới độc đáo.

 “Nối vòng tay lớn”

Tại hội nghị phát triển du lịch vùng, nhiều đại biểu bức xúc và có đồng quan điểm rằng “hợp tác mới tồn tại”. Hiện đã có 10/13 tỉnh thành ĐBSCL ký kết hợp tác với TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Cần Thơ ký kết với 10 tỉnh trong khu vực TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Tuy nhiên, dự án thành công không nhiều như mong đợi, còn lại đa phần là ngậm ngùi… “đứt gánh giữa đường” hoặc chỉ mãi nằm yên trên giấy.

Hơn 90% lượng khách quốc tế khai thác chủ yếu qua các đơn vị TP Hồ Chí Minh. Dựng tour, nối tuyến lữ hành phải dựa quá nhiều từ bên ngoài là điểm yếu phổ biến của du lịch đồng bằng. Do vậy, các nơi vẫn chỉ loanh quanh với cái sẵn có dịch vụ tại chỗ. Việc “bắt tay” trong thời gian qua chỉ mang lại một số kết quả nhất định trong trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý, bồi dưỡng nhân lực, xúc tiến quảng bá…

Tại hội thảo du lịch ở Sóc Trăng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Hậu Giang Nguyễn Văn Hoàng, thẳng thắn nhận xét: “Cung cấp cùng sản phẩm, liên kết không hiệu quả tất yếu dẫn đến hiện tượng đơn điệu, trùng lắp; thương hiệu, bản sắc riêng cho chính mình và toàn vùng không đậm nét. Nhìn trên tổng thể, đó là sự “giẫm nhau” về mặt tư duy, hoạt động đơn lẻ theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”.

Việc liên kết được kêu gọi hàng chục năm nay, trong quá nhiều hội thảo đa cấp, đa ngành lớn nhỏ. Quan chức địa phương, những người làm du lịch ai cũng nhận thức được tầm quan trọng, sự liên kết sẽ làm cho sản phẩm đa sắc màu, hấp dẫn hơn, kéo dài số ngày lưu trú, tăng dịch vụ tiêu dùng… Nhưng có lẽ chúng ta đang thiếu một “nhạc trưởng”, một “cơ chế điều phối cấp vùng”.

Những tín hiệu vui

Những điểm sáng trong bức tranh du lịch toàn vùng, dù chỉ mới ban đầu và còn khá ít so với kỳ vọng, tiềm năng, nhưng cũng đủ cho chúng ta một niềm tin về hướng đi đúng đắn, bền vững của sự hợp tác.

Đối với du lịch Vĩnh Long, tất cả các doanh nghiệp đang phát triển mạnh, đều có mối quan hệ chặt chẽ với các hãng lữ hành của TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Hoàng Vinh, chủ doanh nghiệp Vinh Sang thừa nhận: “Sự thành công trong việc khẳng định thế mạnh về nguồn khách nội địa của trang trại Vinh Sang, có thể nói rằng đó là sự thành công của sự liên kết mạnh mẽ với các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh. Đó là sự liên kết trong khai thác nguồn khách, cung ứng nguồn nhân lực có trình độ chuyên nghiệp”.

Có thể nói, đi tiên phong trong việc liên kết này chính là Công ty CP Du lịch Cửu Long. Khi mà du lịch đồng bằng, du lịch cả nước còn trong buổi “sơ khai”, những thập niên 80 của thế kỷ trước, thì công ty đã mạnh dạn đặt chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, để chủ động trong việc liên kết với các hãng lữ hành của trong nước và cả quốc tế. Ngoài ra là hợp tác cung cấp các dịch vụ nhà hàng, khách sạn cao cấp tại đây.


Vẻ đẹp
quyến rũ của rừng trong tuyến liên kết giữa 4 tỉnh- thành ĐBSCL.

Ông Nguyễn Minh Triết- Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch cho biết, định hướng sắp tới, Vĩnh Long sẽ chủ động xây dựng cụm sản phẩm liên hoàn giữa 3 tỉnh là: Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Nhằm khai thác được thế mạnh đặc trưng của từng địa phương, tránh sự trùng lắp, đơn điệu trong các dịch vụ du lịch.

Nhìn ra toàn vùng, hiện nay sự thành công của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, đang được sự ủng hộ, đồng tình của doanh nghiệp du lịch các địa phương, dưới sự điều phối của “nhạc trưởng” là Hiệp hội Du lịch ĐBSCL.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Phạm Phước Như cho biết: “Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 4 tỉnh thành: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau đã có hiệu quả. Các địa phương đã tích cực phối hợp, hỗ trợ, hưởng ứng các chương trình, kế hoạch, sự kiện do ngành du lịch của tỉnh, thành có ký kết hợp tác tổ chức. Việc kết nối tour, tuyến được các doanh nghiệp quan tâm đưa vào khai thác”.

Trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm, đã có sự phân chia rõ ràng các tour tuyến, khai thác sâu thế mạnh đặc thù của từng địa phương. An Giang là du lịch tâm linh, cộng đồng; Kiên Giang là du lịch sinh thái biển đảo; Cần Thơ là du lịch sông nước miệt vườn, chợ nổi; Cà Mau là du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Từ chính hiệu quả của chương trình hợp tác, An Giang đã được Tổ chức Agriterra (Hà Lan) tài trợ trong 3 năm phát triển du lịch cộng đồng.

Hiện nay, có thể khẳng định, so với các địa phương trong khu vực, An Giang đã “đi sau về trước” trong phát triển du lịch cộng đồng. Trung tâm Du lịch nông nghiệp An Giang đã triển khai thành công các dự án ở cù lao Ông Hổ, xã Văn Giáo và mới đây là khai thác tour đánh bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao.

Những thành công của chương trình hợp tác của 4 tỉnh- thành vùng trọng điểm kinh tế cho chúng ta thêm niềm tin về hướng đi mới, bền vững cho du lịch đồng bằng. Và thêm một lần nữa khẳng định mạnh mẽ rằng: “Hợp tác mới tồn tại”. Đó cũng là ước mơ tốt đẹp đầu năm, mong cho du lịch đồng bằng luôn luôn được làm mới và thành công hơn nữa, khi mà “lối đi đã ngay dưới chân mình”.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh