Du lịch Việt: Hãy đi, sẽ đến!

06:01, 22/01/2013

Cuối năm 2012, tại khách sạn Caravelle, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, cùng Công ty Điền Quân đã tổ chức họp báo về chương trình “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan”. Đó chỉ là chương trình giới thiệu ẩm thực, nhưng nói không quá lời, đó chính là “giải pháp” hay nhất cho tới thời điểm này, để mở lối cho du lịch Việt tự tin bước ra thế giới.

Cuối năm 2012, tại khách sạn Caravelle, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, cùng Công ty Điền Quân đã tổ chức họp báo về chương trình “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan”. Đó chỉ là chương trình giới thiệu ẩm thực, nhưng nói không quá lời, đó chính là “giải pháp” hay nhất cho tới thời điểm này, để mở lối cho du lịch Việt tự tin bước ra thế giới.


Ninh Bình được chọn mở đầu loạt phim giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Cần tầm cỡ quốc tế

Nhà báo Bửu Điền- đại diện Công ty Điền Quân cho biết, giai đoạn 1 đã hoàn thành 26 tập phim, có độ dài từ 22- 24 phút/tập, gồm có 3 phiên bản: Việt, Anh và Trung Quốc. Kinh phí dự trù là khoảng 650- 700 triệu đồng/tập, nhưng thực tế đã lên đến 900 triệu đồng/tập.
 
Như vậy, tổng kinh phí cho 26 tập phim ngót nghét gần 1 triệu USD. Đó là chưa tính đến kinh phí phát sóng trên các kênh truyền thông nổi tiếng của thế giới. Vì mục đích của chương trình là quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.

Bộ phim được thực hiện bởi êkip làm phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ. Để lý giải về việc hợp đồng với cả Martin Yan, mà tại sao không phải là đầu bếp Việt Nam để giới thiệu ẩm thực Việt Nam, phía Điền Quân cho rằng: Chúng ta quảng bá du lịch Việt với thế giới, không thể “nói” theo cách của chúng ta, phải làm sao thu hút, hấp dẫn, mang tầm cỡ thế giới.

Về điểm này, thương hiệu một ngôi sao truyền hình thế giới như “Yan can cook”, đảm bảo cho sự thành công hơn. Đó chính là chúng ta tận dụng tài năng, chất xám của thế giới để nói về bản sắc dân tộc.


Họp báo tổng kết giai đoạn 1 chương trình “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan”.

Trước mắt, phim đã được phát sóng trên kênh HTV9, vào tối thứ sáu hàng tuần. Nhưng trước đó, đoạn trailer dài 2 phút, giới thiệu về chương trình “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan” trên youtube đã thu hút hàng chục ngàn lượt người truy cập. Các hãng lữ hành, các doanh nghiệp du lịch đang rất quan tâm và ủng hộ bộ phim này.
 
Ông Nguyễn Văn Mỹ- Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt cho rằng, nếu có những người dám đầu tư như vậy thì mới hy vọng tạo sự thay đổi trong quảng bá du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Thiên Phúc- Giám đốc phát triển sản phẩm Công ty Vidotour, cũng đặt hàng để làm quà tặng cho du khách nước ngoài.

Mở một lối đi

Bà Võ Thị Thắng- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thừa nhận: “Đây là điều tôi mong đợi, mà lúc còn làm Tổng cục trưởng tôi chưa làm được”. Tốn 1 triệu USD cho 26 tập phim là không nhiều.

“Khi tôi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, hai cái yếu nhất của ngành du lịch là nguồn nhân lực và tuyên truyền quảng bá xúc tiến. Xây dựng chương trình hành động quốc gia về du lịch, có những khoản tiền có thể sử dụng làm những tập phim quảng bá tốt nhưng không làm được”- bà Võ Thị Thắng tâm sự.

Cách làm có cách nhìn mới, đột phá, từ bản thân bộ phim và cả cái cách quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới bằng con đường ẩm thực.

Nhìn lại cách làm “cũ kỹ” trong việc quảng bá du lịch, chúng ta thấy phần lớn là hình thức, vừa tốn kém lại không hiệu quả. Ai cũng nhận thấy điều đó, nhưng phải làm như thế nào thì chỉ nghe than rằng: không có kinh phí và con người. Nhưng nếu nhìn lại những con số cụ thể, sẽ thấy thực tế không phải thiếu kinh phí, mà vấn đề là sử dụng nó như thế nào?

Mỗi doanh nghiệp du lịch khi tham gia gian hàng ở hội chợ nhỏ nhỏ, cũng tốn vài chục triệu đồng, còn ở cấp quốc gia kinh phí phải đến hàng trăm triệu đồng. Tổng cục Du lịch chi phí cho gian hàng ở Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh 2012 là 800 triệu đồng. Còn để góp mặt gian hàng ở các hội chợ quốc tế uy tín thường niên, con số phải tính đến hàng trăm ngàn USD. Nhưng cho đến nay, hiệu quả thực tế chưa cao.

Ẩm thực không chỉ là… ăn uống

Nếu ẩm thực chỉ đơn thuần là ăn uống thì chắc rằng du khách sẽ không bỏ ra 100- 200USD để thưởng thức chai sakê hay giá bèo cũng phải 50USD để… nhăn mặt ăn món sashimi (cá sống) của Nhật.

Món mì Ý spaghetti, chắc gì vừa miệng thực khách 4 phương. Cũng như du khách thường than phiền món ăn Tàu quá nhiều dầu mỡ… Nhưng thực tế đó là những món ăn mà người ta phải nhắc ngay mỗi khi nhắc đến quê hương của nó.

Bởi lẽ, ẩm thực chính là hồn cốt của phong tục, tập quán cộng đồng, là bản sắc của văn hóa một dân tộc. Món ăn là hiện diện của chiều sâu thời gian, lịch sử trong cái biến thiên của đời sống hiện tại. Khi thưởng thức một món ăn, con người thỏa mãn nhu cầu ở cả hai khía cạnh vật chất nhất và tinh thần nhất.


GS.TS Trần Văn Khê rất thích thú và đánh giá cao chương trình giới thiệu ẩm thực Việt Nam .

Do đó, khi Công ty Điền Quân giới thiệu món ăn Việt Nam, nhưng chương trình mang nội dung bao hàm rộng lớn là “Khám phá Việt Nam ”. Mỗi tập ký sự là chương trình truyền hình thực tế tại mỗi địa phương, qua đó là những cảnh đẹp, sinh hoạt của người dân, tinh hoa những làng nghề truyền thống… được chuyển tải theo phong cách hiện đại.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà tập mở đầu không phải là Hà Nội hay Huế, mà lại là một “Hạ Long trên cạn- Ninh Bình”. Qua đó, giới thiệu được những món ăn dân dã đã đi vào huyền thoại, và đó cũng là một trong những chiếc nôi lịch sử quan trọng của Việt Nam, với những làng nghề được giữ gìn, phát triển qua hàng ngàn năm nay.

Chúng ta nhớ lại, trước đây, người Thái Lan từng có ý định biến Thái Lan thành nhà bếp của thế giới (Kitchen of The World) nhưng ý định vẫn chỉ là ý định.

Trong lúc đó, vị giáo sư người Mỹ là Philip Kotler (cha đẻ của học thuyết Marketing hiện đại) lại chân thành nói rằng, nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới, thì Việt Nam hãy nên là nhà bếp của thế giới. Khi nói điều này, Philip Kotler đã biết cố gắng của Thái Lan nhưng quan trọng hơn, ông cũng biết rất rõ sức hấp dẫn kỳ lạ của ẩm thực Việt Nam. Họ chẳng những thích món ăn Việt Nam mà còn thích được nghe hướng dẫn về cách ăn của người Việt Nam .

Những nhà chuyên môn rất tin tưởng vào sự thành công của chương trình “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan”, tin tưởng du lịch Việt sẽ có một tầm vóc xứng đáng với giá trị thực của mình. Du lịch Việt: Hãy đi, sẽ đến!

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh