Đường liên kết hãy còn dài

07:12, 13/12/2012

ĐBSCL được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái phong phú, có cả sông biển, núi rừng. Tuy nhiên, đến nay các sản phẩm du lịch nơi đây vẫn chưa thực sự hấp dẫn du khách, công tác xúc tiến du lịch chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng.

ĐBSCL được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái phong phú, có cả sông biển, núi rừng. Tuy nhiên, đến nay các sản phẩm du lịch nơi đây vẫn chưa thực sự hấp dẫn du khách, công tác xúc tiến du lịch chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Con đường liên kết “đặc sản” của từng địa phương để chuyển hóa thành thế mạnh, đa dạng cho sản phẩm du lịch của ĐBSCL hãy còn rất dài.

 

Khai thác sản phẩm “thô”

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, liên tục trong những năm gần đây, khách du lịch đến các tỉnh ĐBSCL tăng dần mỗi năm. Trong năm 2011, các tỉnh thành trong khu vực đã đón tiếp hơn 17,4 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11,48%, doanh thu toàn ngành đạt trên 3.500 tỷ đồng, tăng 23,68% so với năm 2010.

Các điểm đến du lịch tại ĐBSCL phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng của du khách.

Ông Nguyễn Quốc Hưng- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (thuộc Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) ví tài nguyên để phát triển sản phẩm du lịch ĐBSCL là “vườn địa đàng”, với tổng chiều dài trên 20.000km, hệ thống sông rạch chằng chịt giữa vườn cây trái, những cánh đồng lúa mênh mông, bạt ngàn; các khu rừng nguyên sinh, vùng đất ngập nước tạo đa dạng sinh học cao.

Tuy nhiên, những giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc đó, hiện chỉ mới được khai thác ở bề nổi.

Sản phẩm du lịch phổ biến và đơn giản nhưng lại chưa được đầu tư bài bản, đúng tầm, chưa có nhiều hàm lượng trí tuệ, sáng tạo mà chỉ mới khai thác ở dạng “thô” nên giá trị dịch vụ du lịch tạo ra rất thấp. “Nàng công chúa” du lịch ĐBSCL vì thế vẫn chờ một nụ hôn say đắm của chàng hoàng tử để đánh thức nàng.

Những vẻ đẹp tiềm ẩn của “nàng”, cùng sức quyến rũ từ văn minh nông nghiệp lúa nước, trái cây và thủy sản có thể phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thương hiệu của du lịch ĐBSCL.

Tuy nhiên, với đặc trưng sông nước Cửu Long, mà đến nay du lịch đường sông chưa hình thành sản phẩm rõ nét, chưa có hệ thống cầu cảng, bến đậu, hệ thống phương tiện và dịch vụ đi kèm để trở thành loại hình du lịch riêng có của vùng. Tương tự, đờn ca tài tử là di sản phi vật thể nổi bật của ĐBSCL nhưng không gian và dịch vụ đi kèm để tổ chức cho du khách thưởng thức thực sự chưa có đẳng cấp.

 Du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, đặc biệt là văn hóa, lối sống của đồng bào các dân tộc Nam Bộ với đặc trưng văn hóa Óc Eo, văn hóa Khmer. Cộng đồng dân cư ĐBSCL có người Kinh, Hoa, Khmer và Chăm với các giá trị văn hóa riêng, đặc sắc…

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, mỗi tỉnh cần có chiến lược phát triển đặc thù của mình, nhưng không xung đột, cạnh tranh trùng lắp mà cần có sự gắn kết, bổ trợ cho nhau theo không gian khu- tuyến- điểm du lịch chung của vùng. Sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương tiến tới hình thành sản phẩm đặc trưng, thương hiệu và tăng khả năng cạnh tranh chung của vùng.

Thực tế, từ kiểu khai thác bề nổi và rời rạc, du lịch ĐBSCL vẫn “sao chép” lẫn nhau, sản phẩm đơn giản, chất lượng thấp. Thiếu tính đặc thù, khác biệt khiến giá trị thấp và du khách dễ nhàm chán, lưu lại ngắn ngày với tâm lý “đi một tỉnh là biết cả vùng”.

Cần sản phẩm du lịch đặc trưng chuyên sâu, gắn kết vùng

Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch phê duyệt, xác định phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là: du lịch sông nước, miệt vườn kết hợp nghỉ tại nhà dân; du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc trong vùng; du lịch tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái đa dạng của vùng; du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp (Phú Quốc, Hà Tiên)...

Theo đó, không gian du lịch ĐBSCL được phân chia thành 4 cụm để xây dựng sản phẩm du lịch. Cụm trung tâm gồm TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, du lịch lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Cụm bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) với sản phẩm du lịch quan trọng là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng.

Cụm duyên hải phía Đông (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) với các sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp) với sản phẩm chính là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước Đồng Tháp Mười.


Những làng nghề truyền thống rất thu hút du khách.

Tuy sản phẩm du lịch của ĐBSCL đã được xác định như vậy nhưng hiện nay vẫn chưa được đầu tư và chưa có được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, xứng đáng với tiềm năng.

Ông Phạm Phước Như- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng: “ĐBSCL có tiềm năng phong phú đa dạng hiếm nơi nào sánh được.

Có thể nói nơi đâu cũng là điểm đến kỳ thú, độc đáo. Vấn đề là làm thế nào để khai thác kinh doanh đạt hiệu quả. Căn cứ vào quy hoạch du lịch, địa phương cần tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng khu điểm du lịch mang tầm cỡ khu vực để có sản phẩm đặc trưng, sản phẩm liên kết chào bán trong các tour lữ hành.

Sản phẩm ra đời từ nguồn tài nguyên du lịch địa phương cần được đầu tư đúng mức và tích cực tham gia của cộng đồng sẽ mang thương hiệu địa phương, tạo bản sắc, sẽ làm hài lòng du khách”.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, ông Bùi Ngọc Sương- Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ, đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch hỗ trợ ĐBSCL có một đầu mối cấp khu vực để tập hợp, giới thiệu quảng bá xúc tiến du lịch; nghiên cứu, xây dựng các mô hình phát triển du lịch của từng tỉnh, thành trong khu vực để tránh sự trùng lắp đầu tư.

Đồng thời, hỗ trợ các địa phương kêu gọi đầu tư phát triển khu du lịch cao cấp, mở rộng hợp tác, quy hoạch và đầu tư xây dựng các cơ sở du lịch, các khu vui chơi tầm cỡ quốc tế ở vùng biển.

Bên cạnh, liên kết phát triển du lịch ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Thái Lan cũng như giúp các địa phương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch chuyên nghiệp.

Ông Phạm Phước Như cho biết, hiện đã hình thành sản phẩm “ĐBSCL– Một điểm đến bốn địa phương +”, với chương trình tour 6 ngày 5 đêm đi qua các địa phương Kiên Giang– An Giang– Cần Thơ– Bạc Liêu– Cà Mau. Đây là sản phẩm du lịch hợp tác khai thác thế mạnh của từng địa phương và sẽ được đưa vào khai thác vào năm 2013.


Bài, ảnh: LÊ SƠN - LÝ AN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh