Sắp tới đây, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh– Cần Thơ được xây dựng, Vĩnh Long sẽ đóng vai trò là nhịp cầu lớn của con đường phát triển kinh tế vùng ĐBSCL và cả nước, tạo bước đột phá về đầu tư sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra tại Vĩnh Long. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Tỷ Xuân. Ảnh: VINH HIỂN
Vĩnh Long với vị thế nằm giữa 2 trung tâm kinh tế lớn của vùng Nam Bộ là TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ, cách sân bay Quốc tế Trà Nóc khoảng 30km, cảng Cần Thơ 16km. Hiện cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ đã và đang tạo thuận lợi trong việc lưu thông luân chuyển hàng hóa và phục vụ đời sống kinh tế- xã hội trên toàn vùng.
Và sắp tới đây, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh– Cần Thơ được xây dựng, Vĩnh Long sẽ đóng vai trò là nhịp cầu lớn của con đường phát triển kinh tế vùng ĐBSCL và cả nước, tạo bước đột phá về đầu tư sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát triển khu công nghiệp
Hiện tại Vĩnh Long đã có 3 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động, bao gồm KCN Hòa Phú giai đoạn 1 đã xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh trên 122,16ha, với nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 4.000 m3/ngày đêm đang hoạt động phát huy hiệu quả, thu hút được 16 dự án đầu tư, lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp với tổng vốn 606,6 tỷ đồng.
KCN Hòa Phú giai đoạn 2 đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, với diện tích là 129,91ha, sẵn sàng mời gọi thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến- chế tạo, những ngành ít ô nhiễm môi trường.
KCN Bình Minh rộng 131,5ha, cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu các doanh nghiệp hiện có với nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 công suất 2.200 m3/ngày đêm sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2012, thu hút được 10 dự án đầu tư, lấp đầy 60% diện tích đất công nghiệp với tổng số vốn 972 tỷ đồng.
Theo ông Lê Phước Thiện- Phó Trưởng Ban Quản lý Các KCN Vĩnh Long, các KCN đã được hình thành và phát triển. Tính thời điểm hiện nay, đã giải quyết công ăn việc làm cho 14.843 lao động (2005 là 2.676 lao động).
Thu nhập và đời sống người lao động được nâng lên. Tiền lương bình quân (trực tiếp và gián tiếp) của lao động hiện nay từ 2,8– 6 triệu đồng/người/tháng. Quan hệ lao động và chủ doanh nghiệp từng bước hài hòa, ổn định, hạn chế khá tốt đình công, lãn công, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh.
Về giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá ổn định năm 1994) tăng khá cao: Năm 2005 thực hiện 215,33 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh, đến năm 2010 thực hiện 2.010,38 tỷ đồng, chiếm 37,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, năm 2011 thực hiện 3.043,84 tỷ đồng, chiếm 47,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Nguồn thu ngân sách nhà nước tăng đáng kể, năm 2011 thu 59,86 tỷ đồng, tăng 74,6% so với năm 2005, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 47%/năm, ước thu năm 2012 là 60 tỷ đồng.
Giá kim ngạch xuất khẩu năm 2005 thực hiện 8 triệu USD, chiếm 5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh, đến năm 2010 thực hiện 91,1 triệu USD, chiếm 36% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh, năm 2011 thực hiện 134,4 triệu USD, chiếm 35% giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh, ước thực hiện năm 2012 là 160 triệu USD, chiếm khoảng 41% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Năm 2005, các doanh nghiệp trong tuyến- KCN không có nhập khẩu, đến năm 2010 thực hiện 42,1 triệu USD, chiếm 41% tổng giá trị toàn tỉnh; năm 2011 thực hiện 64,2 triệu USD, chiếm 52% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; ước thực hiện năm 2012 là 66 triệu USD, chiếm khoảng 49% giá trị kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh.
Lợi thế và điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào các KCN
Định hướng quy hoạch tỉnh Vĩnh Long, ngày 16/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 1453/TTg-KTN chấp thuận cho tỉnh Vĩnh Long bổ sung 3 KCN vào doanh mục các KCN ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020: KCN Bình Tân, Đông Bình và An Định, với 950ha, đang xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN và đầu tư sản xuất kinh doanh.
Về định hướng ngành nghề, ngoài các ngành nghề đáp ứng theo yêu cầu phát triển kinh tế nói chung, Vĩnh Long ưu tiên phát triển các ngành nghề có công nghệ thân thiện với môi trường, ngành nghề có khả năng tiêu thụ tốt nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương như các ngành chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch góp phần tăng giá trị sản xuất nông sản, thực phẩm; cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ…
Về chính sách thu hút đầu tư, ngoài việc áp dụng các chính sách ưu đãi theo quy định chung của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long còn áp dụng các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư như: Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến bên ngoài hàng rào các KCN, bao gồm hệ thống điện, hệ thống cấp nước, thoát nước, đường giao thông, đảm bảo đủ điều kiện để kết nối vào các KCN.
Nếu đầu tư vào các ngành nghề và lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư thì sẽ được tỉnh hỗ trợ chi phí lập các hồ sơ, thủ tục cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chi phí lập dự án đầu tư, sẽ được thực hiện chi trả đến khi dự án đi vào hoạt động (không quá 60 triệu đồng/dự án đối với nhà đầu tư trong nước, không quá 300 triệu đồng/dự án, tương đương 15.000 USD đối với nhà đầu tư nước ngoài) trên cơ sở được Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long thẩm định về chi phí và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, giảm 10% giá cho thuê đất đối với 3 nhà đầu tư đầu tiên đầu tư vào KCN Hòa Phú giai đoạn 2 (điều kiện là thuê từ 5ha trở lên, trả một lần cho hết thời gian thực hiện dự án).
Hiện Vĩnh Long đang và sẽ phát triển toàn diện ngành nông- lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, gắn với công nghiệp chế biến sâu; đảm bảo môi trường sinh thái, phát triển các loại cây ăn quả có thương hiệu như bưởi Năm Roi, cam sành...
Với chiến lược phát triển, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện cho các ngành kinh tế có lợi thế tăng trưởng ổn định và bền vững để phát triển công nghiệp; đồng thời chú trọng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển du lịch; phấn đấu đưa tỷ trọng ngành công nghiệp tăng dần hàng năm, nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.
Trong đó, tập trung ưu tiên các ngành công nghiệp chủ đạo, có thế mạnh hiện nay của tỉnh như: công nghiệp thực phẩm, đồ uống (chế biến các loại nông sản thực phẩm, thủy sản, rau quả); công nghiệp dược; công nghiệp nhẹ, làng nghề truyền thống sản xuất thủ công, mỹ nghệ xuất khẩu,... thu hút nhiều lao động. Đồng thời, phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng hóa, ưu tiên các ngành giá trị gia tăng cao, hình thành các ngành dịch vụ mới.
Với những chính sách ưu đãi của tỉnh hiện nay, để thu hút đầu tư cùng các giải pháp tích cực trong chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm vượt khó vươn lên của các doanh nghiệp đã và đang thực hiện việc đầu tư, tin rằng tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục phát triển toàn diện về mọi mặt, tạo sức bật vươn lên mạnh mẽ trong tương lai.
VĂN NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin