Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các chính sách khuyến khích thu hút mời gọi đầu tư, Vĩnh Long còn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu- tuyến- cụm công nghiệp trên địa bàn.
Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển bền vững.
Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các chính sách khuyến khích thu hút mời gọi đầu tư, Vĩnh Long còn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu- tuyến- cụm công nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Long, hiện KCN Hòa Phú giai đoạn 1, với diện tích 122ha, đã xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, cho thuê hết 100% diện tích đất, thu hút được 16 dự án đầu tư trong và ngoài nước.
KCN Bình Minh với diện tích 130ha, cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh, thu hút được 10 dự án đầu tư trong và ngoài nước, 60% diện tích đất công nghiệp đã cho thuê. KCN Hòa Phú giai đoạn 2 đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, sẵn sàng mời gọi thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến- chế tạo, những ngành ít ô nhiễm môi trường.
Song song đó, trong giai đoạn từ nay đến 2020, tỉnh Vĩnh Long sẽ hình thành thêm 3 KCN mới (Bình Tân, Đông Bình và An Định) với diện tích 950ha, đang xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến để đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN và sản xuất kinh doanh.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, chất lượng tại các KCN hiện nay cơ bản được đảm bảo. Tại KCN Hòa Phú (giai đoạn 1) tổng lượng nước thải phát sinh 500- 600 m3/ngày đêm; tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải rắn nguy hại phát sinh 163 tấn/tháng, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 100% so với tổng lượng phát sinh.
Riêng khí thải phát sinh, chủ dự án đầu tư vào KCN tự xử lý theo cam kết trong hồ sơ môi trường được phê duyệt hoặc xác nhận. KCN Hòa Phú (giai đoạn 2) đang trong giai đoạn xây dựng. Trạm xử lý nước thải tập trung công suất 4.000m3/ngày đêm đã đưa vào sử dụng ở giai đoạn 1 đảm bảo xử lý chung cho toàn khu.
KCN Bình Minh cũng đang được triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I, nước thải được xử lý cục bộ trong nhà máy trước khi thải ra KCN đạt mức độ A với công suất 2.200 m3/ngày đêm.
Riêng Tuyến công nghiệp Cổ Chiên trải dài trên một khu vực lớn nên không có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Mỗi doanh nghiệp phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải cục bộ theo đúng tiêu chuẩn môi trường, nhằm thực hiện việc bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.
Tính đến nay, đã có 28 dự án đầu tư vào KCN Hòa Phú giai đoạn 1 và KCN Bình Minh đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận cam kết bảo vệ môi trường. Hầu hết các dự án trên đều thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết.
Chú trọng xử lý nước thải
Nhà máy xử lý nước thải KCN Hòa Phú được đầu tư xây dựng gần 25 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ năm 2008 có công suất 4.000 m3/ngày đêm.
Theo đánh giá, đây là một trong những nhà máy xử lý nước thải có công nghệ xử lý hiện đại bậc nhất trong các KCN ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Hiện nước thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh mới chiếm khoảng 20% công suất hệ thống xử lý nước thải.
Hiện nước thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh mới chiếm khoảng 20 phần trăm công suất hệ thống xử lý nước thải. Khi giai đoạn 2 của KCN hoàn thành, mức phí nước thải các doanh nghiệp đóng cũng chỉ để duy trì hoạt động của hệ thống xử lý tập trung. Chủ trương của tỉnh là xây dựng KCN phải bảo đảm vệ sinh môi trường nên việc xử lý nước thải được ưu tiên hàng đầu.
Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Phú với công nghệ hiện đại bậc nhất ĐBSCL.
KCN Hòa Phú có hệ thống thải nước mưa riêng. Nước thải của các nhà máy có hệ thống riêng, thu gom đưa về nơi xử lý tập trung. Công việc này được làm ngay khi xây dựng hạ tầng. Doanh nghiệp được cấp phép đầu tư dự án cũng phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải bước 1. Dự án không xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư.
Nước thải ở KCN Hòa Phú đến từ các cơ sở sản xuất kinh doanh khá đa dạng: thực phẩm, thức ăn gia súc, thuộc da…Tất cả chủ đầu tư vào KCN đều được đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải tập trung của KCN, rồi thải ra nhà máy xử lý nước thải tập trung trước khi thải ra sông, rạch.
Kỹ sư Trần Minh Cang- Giám đốc Xí nghiệp Quản lý hạ tầng KCN Hòa Phú, cho biết: Mỗi tháng nhà máy tiếp nhận khoảng 17.000m3 nước thải trong KCN Hòa Phú giai đoạn 1. Với công nghệ xử lý hiện đại, nước thải từ nhà máy sau khi trải qua quá trình xử lý hóa- lý và vi sinh sẽ đạt loại A trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Song khó khăn của nhà máy là do chi phí vận hành, xử lý nước thải mỗi tháng khoảng 200 triệu đồng trong khi mức thu phí xử lý mỗi mét khối nước thải hiện nay chỉ 5.500đ nên nhà máy phải tự bù lỗ khoảng 100 triệu đồng/tháng.
Cũng theo kỹ sư Trần Minh Cang, KCN đầu tư hẳn một phòng thí nghiệm, mẫu nước đều được thu thập để phân tích hàng tuần. Hiện nhà máy mới vận hành công suất 700m3/ngày đêm do nguồn nước thải từ các nhà máy còn ít. Trong tương lai, khi nhiều nước thải, có thể tính đến việc sản xuất phân bón từ bùn lắng lọc.
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin